Cần giải quyết vấn đề kinh tế hợp tác xã thiếu hệ thống tín dụng
Kinh tế Hợp tác xã đang thiếu hệ thống tín dụng riêng. Mô hình kinh tế này bị hạn chế tiếp cận vốn, phải chịu chi phí vốn cao.
Trong "Buổi công bố Nghiên cứu một số vấn đề kinh tế cần cân nhắc trong dự thảo Luật Hợp tác xã" diễn ra vào ngày 30/05, nhiều vấn đề đã được các chuyên gia đưa ra thảo luận và cân nhắc.
PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) cho rằng, cần giải quyết tình trạng thiếu hệ thống tín dụng cho kinh tế hợp tác xã. Ông cho biết, hiện nay, đối tượng hộ buôn bán nhỏ, kinh tế gia đình và hợp tác xã đang khó tiếp cận với nguồn vốn. Điều này có thể gây cản trở sự phát triển của nền kinh tế đặc biệt này.
Trước đó, trong Hội thảo khoa học Tín dụng Hợp tác xã diễn ra vào tháng 03, ông Phạm Công Bằng, Tổng giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã Việt Nam cho biết, chỉ có khoảng 2% số HTX trong cả nước tiếp cận được vốn các tổ chức tín dụng. Số lượng Hợp tác xã hoạt động hiệu quả chỉ chiếm 45% và phần lớn thành phần kinh tế này không có dự phòng tài chính, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo số liệu khảo sát của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, nhu cầu về vốn sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tập thể, Hợp tác xã có khả năng lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm. Đặc biệt, trong thời gian tới, nhu cầu này sẽ tăng nhanh để đáp tốc độ phát triển, tăng hiệu quả cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.
Các Hợp tác xã luôn có nhu cầu vay vốn nhưng khả năng đáp ứng điều kiện của ngân hàng còn hạn chế. Họ phải vay vốn tên các thị trường không chính thức hoặc tín dụng "đen" với lãi suất cao và ngắn hạn. Do đó, hợp tác xã cùng các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình kinh doanh cần có một hệ thông tài chính tín dụng tương thích. Đây là điều kiện tất yếu để thúc đẩy mô hình kinh tế này phát triển.