Bộ sưu tập ấm chén ‘Tâm Trà Diệu Bảo’ của Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm được xác lập kỷ lục thế giới
Ngày 28/5 tại TP.HCM, Liên minh Kỷ lục Thế giới và Hiệp hội Kỷ lục Thế giới (WRA) uỷ quyền Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) trao Kỷ lục Thế giới cho Bộ sưu tập: “Tâm Trà Diệu Bảo” - Bộ sưu tập 1000 ấm chén tử sa ở nhiều niên đại, có số lượng nhiều nhất thế giới. Đây là những kiệt tác được Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm sở hữu.
Với niềm đam mê trà và ấm chén tử sa, trong suốt hành trình hơn 30 năm cuộc đời, Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm đã đi nhiều nơi trên thế giới, gặp gỡ nhiều chuyên gia, người dân bản địa để thu thập những bộ ấm chén tử sa quý - vật phẩm quý của Trung Hoa thời xưa, có nguồn gốc từ vùng đất Nghi Hưng (Giang Tô - Trung Quốc) ngày nay. Ấm tử sa nổi tiếng pha trà ngon và giữ nhiệt tốt hơn các loại ấm thông thường.
Đặc biệt, chiếc ấm như đại diện cho những thời kỳ văn hóa, là bộ mặt của sự tiến bộ, là chỉ báo, dấu hiệu đặc trưng cho thẩm mỹ của từng thời đại trong quá trình hình thành và phát triển ấm tử sa. Trong nhiều năm qua, với tình yêu sưu tầm ấm chén tử sa, Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm đã góp phần nâng tầm văn hóa trà lên trà đạo qua những điểm đặc biệt chỉ có trên ấm chén tử sa.
Lễ xác lập kỷ lục thế giới cho bộ sưu tập Tâm Trà Diệu Bảo được tổ chức long trọng với sự tham gia của: Ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Trưởng Ban Thường Trực Ban Công Tác Đại Biểu Quốc Hội, Uỷ Ban Thường Vụ Quốc Hội, Đại Biểu Quốc Hội Khoá XV; Bà Phạm Thị Nguyệt - Phó thường trực Cục tổ chức cán bộ văn phòng Chủ tịch nước; Ông Phạm Quang Sáu - Phó vụ trưởng Vụ 1A, Ủy ban kiểm tra Trung ương; Giáo sư - NSND Vương Duy Biên - Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch, Phó chủ tịch Hội nghệ sĩ Việt Nam; Bà Trần Kim Yến - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM; Ông Trần Văn Mạnh - Phó chủ tịch Tổng liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam, tổng biên tập Tạp chí Ngày nay, Bà Lương Thị Duyên - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên,... cùng nhiều đại biểu cấp cao đang công tác tại nhiều cơ quan sở ban ngành, lãnh đạo Hội kỷ lục gia Việt Nam như Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Văn Viễn – Viện trưởng Viện Sở hữu Trí tuệ Việt Nam, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam; Ông Trần Hoàng - Chủ tịch Hiệp Hội Marketing Việt Nam, Thường trực Hội đồng xác lập Tổ chức Kỷ lục Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Quỳnh Ngọc – Tổng Thư ký Tổ chức Kỷ lục Việt Nam; Bà Phạm Thanh Huyền - Phó ban Quốc tế Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cùng các lãnh đạo Hội Phật giáo Việt Nam.
Chương trình diễn ra với 4 nội dung chính, bao gồm: Phần 1 là Câu chuyện trà duyên, phần 2 là nghi thức xác lập kỷ lục thế giới, phần 3 ước mơ trà Việt và phần 4 điều ước 21. Tại đây, hành trình đến với Trà và tình yêu ấm chén trà của Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm được tái hiện sắc nét, chân thực và giàu cảm xúc. Bộ sưu tập Tâm Trà Diệu Bảo không chỉ nổi tiếng khắp châu Á mà còn vượt qua 4 quốc gia nổi tiếng về trà là Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông và chính thức chạm vào trái tim của người yêu trà trên khắp thế giới.
Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Văn Mạnh - Phó chủ tịch Tổng liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam cho biết: “Sau khi xem xét hồ sơ, tài liệu và đề nghị của Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm về việc đề nghị Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam trao chứng nhận cho bộ sưu tập Tâm Trà Diệu Bảo, căn cứ báo cáo kết quả làm việc tại chỗ và đánh giá của đoàn khảo sát, nhất trí với đề nghị của Hội đồng bảo trợ Di tích Lịch sử Văn hóa và Người tài Việt Nam, chủ tịch Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam đã quyết định trao bằng chứng nhận Vì sự nghiệp bảo tồn và phát triển di sản văn hóa phi vật thể cho bộ sưu tập Tâm Trà Diệu Bảo của Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm”.
Thật tự hào khi bộ sưu tập ấm chén của một Trà sư Việt Nam được vinh danh ở kỷ lục thế giới. Qua đây, giúp công chúng và đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về nghệ thuật ấm trà và tinh hoa trà Việt. Bên cạnh đó, sự kiện còn lan tỏa tinh thần nhân văn đến cộng đồng qua việc thay vì tặng hoa tặng quà chúc mừng Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm, những món quà từ khách mời sẽ được sử dụng cho hoạt động thiện nguyện ủng hộ trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19 nhằm lan tỏa thông điệp và cùng chung tay thực hiện “Điều ước 21”, thông qua đó cũng mong muốn “Điều ước 21” thương xuyên được tổ chức.