Hà Nội sẽ công khai người bỏ cọc đất đấu giá
UBND TP Hà Nội yêu cầu các huyện công khai danh sách các cá nhân trả giá cao hơn thị trường để 'thổi giá' đất sau đó bỏ cọc. Những người này có thể bị hạn chế tham gia đấu giá.
Theo đó, Hà Nội yêu cầu hạn chế việc tổ chức đấu giá để giao đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở; đồng thời, ưu tiên việc đấu giá quyền sử dụng đất cho tổ chức thực hiện dự án đầu tư, đảm bảo lựa chọn được chủ đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án theo quy định, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, theo An ninh Thủ đô.
Đáng chú ý, UBND TP Hà Nội yêu cầu UBND cấp huyện lập danh sách các trường hợp trả giá cao hơn thị trường để trúng đấu giá, nhưng rồi bỏ cọc đất đấu giá gây nhiễu loạn thị trường. Danh sách này cần được công khai trên trang thông tin của huyện và báo cáo, cung cấp thông tin để công bố trên trang thông tin của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Sở Tài nguyên và Môi trường được giao đẩy nhanh tiến độ thực hiện cập nhật, điều chỉnh bảng giá đất, trình UBND thành phố quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định.
Đối với việc triển khai và tổ chức đấu giá, tránh trường hợp bỏ cọc đất đấu giá, Hà Nội đề nghị phải công khai, minh bạch trong cung cấp thông tin về các phiên đấu giá trên hệ thống thông tin của trung ương, thành phố và địa phương theo quy định. Các quận, huyện, thị xã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất đúng trình tự, thủ tục; xem xét việc quy định bước giá, hình thức đấu giá (đấu nhiều vòng bắt buộc) đảm bảo tính cạnh tranh và sát giá thị trường.
Các địa phương phải thực hiện nghiêm việc cử đại diện tham dự, giám sát việc thực hiện phiên đấu giá; truất quyền tham dự cuộc đấu giá của người tham gia đấu giá vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm; dừng phiên đấu giá khi phát hiện có hành vi thông đồng, dìm giá, gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá hoặc hành vi bất thường khác.
Ngoài ra, đề xuất giải pháp ngăn chặn hoặc hạn chế việc tiếp tục tham gia đấu giá đối với các trường hợp đã từng tham gia đấu giá, trả giá cao bất thường để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền trúng đấu giá theo quy định.
Chỉ đạo trên được đưa ra trong bối cảnh một tháng gần đây, nhiều phiên đấu giá tại các huyện ngoại thành Hà Nội gây xôn xao thị trường như ở Hoài Đức, Thanh Oai...
Các cuộc đấu giá thu hút hàng trăm người tham gia với giá đất trúng vượt ngưỡng 100 triệu đồng/m2, cao nhất lên tới hơn 133 triệu đồng/m2 gấp 18 lần khởi điểm. Sau khi trúng, nhiều nhà đầu tư bỏ cọc.
Trong báo cáo mới đây gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng cũng chỉ ra những hạn chế, tiêu cực như một số nơi có hiện tượng "cò đấu giá" thông đồng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia.
Theo Bộ Xây dựng có hiện tượng trả rất cao một số lô rồi bỏ cọc đất đấu giá, tạo mặt bằng giá ảo để thao túng thị trường. Hay việc mua đi bán lại nhiều lô đất nhằm thu lợi bất chính diễn ra phổ biến ở nhiều hơn, thậm chí mang tính tổ chức.
Cơ quan quản lý đánh giá, kết quả trúng đấu giá đất cao gấp nhiều lần giá khởi điểm sẽ có tác động tiêu cực đến mặt bằng giá đất, nhà ở, đến thị trường (cung, cầu) nhà ở, bất động sản.
- Nhiều người bỏ cọc sau khi trúng đấu giá biển số ô tô, Bộ Tư pháp nói gì?
- Người trúng đấu giá biển số xe đẹp nhưng bỏ cọc sẽ bị phạt như thế nào?
- Hà Nội thay đổi chủ thể quyết định giá khởi điểm đấu giá đất
- Giá xăng dầu đồng loạt tăng mạnh
- Đầu cơ nhà đất sắp 'hết cửa' thổi giá, người mua nhà ở thực có thêm nhiều lựa chọn?
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 26/9: Thêm nhiều kỳ hạn cán mốc 6%/năm, gửi tiết kiệm 500 triệu đồng nhận lãi bao nhiêu?
- Đối thủ của Kia Sonet lộ diện với dáng vẻ mượt mà, giá rẻ ngang VinFast VF 3
- Honda SCR125 Xisha có ngoại hình giống Spaycy, giá bán rẻ ngang Wave Alpha
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 24/9: Ngân hàng dè dặt tăng lãi suất, gửi tiết kiệm 200 triệu đồng nhận lãi bao nhiêu?