Bất động sản tiếp tục vào tầm ngắm của 'ông lớn' ngoại, vốn FDI vào Việt Nam cao kỷ lục
Tính đến ngày 20/4/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản đạt 1,6 tỷ USD, gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2023 và cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Thông tin từ Tổng cục thống kê mới đây cho biết, tổng vốn FDI tính đến hết ngày 20/4 đăng ký vào Việt Nam, gồm vốn đăng ký cấp mới, đăng ký điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, đạt gần 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023, theo Tạp chí Reatimes.
Trong đó, kinh doanh bất động sản là lĩnh vực đứng vị trí thứ hai trong thu hút dòng vốn FDI, với hơn 1,6 tỷ USD (sau ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với số vốn đăng ký đạt gần 5 tỷ USD). Như vậy, vốn FDI đổ vào bất động sản đã tăng hơn 4 lần năm ngoái, dù thị trường địa ốc trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn.
Cũng theo báo cáo này, giá trị vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm nay ước đạt gần 6,3 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 607,6 triệu USD.
Thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong 35 năm qua, có 66,4 tỷ USD vốn ngoại rót vào gần 1.100 dự án bất động sản ở Việt Nam. Trong đó có 48 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Đứng đầu danh sách nhà đầu tư ngoại rót vốn vào thị trường địa ốc Việt là Singapore, tiếp theo là Hàn Quốc, quần đảo Virgin thuộc Anh và Nhật Bản.
Tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2024, Singapore tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất với gần 2,6 tỷ USD, chiếm hơn 36% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp đến là Hồng Kông (Trung Quốc) đầu tư hơn 898 triệu USD, tương đương gần 13% tổng vốn; Nhật Bản rót 814 triệu USD, chiếm hơn 11%; Trung Quốc rót khoảng 740 triệu USD; Thổ Nhĩ Kỳ rót 730 triệu USD; Đài Loan (Trung Quốc) rót 512 triệu USD…
Theo các chuyên gia, dòng vốn ngoại tiếp tục đổ mạnh vào thị trường bất động sản Việt Nam càng chứng tỏ tiềm năng và cơ hội phát triển của thị trường này.
Trao đổi với Reatimes, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, Việt Nam đã và đang lọt vào tầm ngắm của lượng lớn nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo đó, khi bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động, một quốc gia mới nổi như Việt Nam đã trở thành thị trường tiềm năng thu hút đầu tư. Đặc biệt, tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn ở một thị trường chính là yếu tố quan trọng trong các quyết định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.
Cũng theo vị Tổng giám đốc này, sau khi Luật Đất đai sửa đổi chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, thị trường bất động sản hứa hẹn sẽ có thêm nhiều "làn gió mới", thúc đẩy thị trường này phát triển trong thời gian tới.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, thị trường bất động sản Việt Nam đang từng bước hồi phục và chuẩn bị bước vào chu kỳ phát triển mới. Chính vì vậy, đây sẽ là thị trường tiềm năng để nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia.
Hơn hết, trong bối cảnh chứng khoán có nhiều biến động, vàng liên tục tăng giá, lãi suất tiết kiệm về mức thấp nhất - chỉ khoảng 4 - 5% cho kỳ hạn 12 tháng thì bất động sản vẫn sẽ là kênh đầu tư nhiều triển vọng.
"Với riêng các nhà đầu tư nước ngoài, văn phòng cho thuê và bất động sản công nghiệp là hai phân khúc được quan tâm nhiều nhất. Vì vậy, khả năng hai phân khúc này sẽ rất sôi động trong năm 2024", Reatimes dẫn lời ông Đính cho hay.
- Thiếu hụt gần 50.000 căn hộ mỗi năm, giá bất động sản sẽ tiếp tục tăng?
- Dòng tiền đã chảy từ ngân hàng sang bất động sản?
- 'Nhiều người đã rút tiết kiệm ngân hàng để đầu tư bất động sản'
- Việt kiều ưa thích đầu tư loại hình bất động sản nào?
- Miền Bắc mưa dông kéo dài cả tuần
- Quảng cáo 'chui' điều trị 'suy giãn tĩnh mạch Top 1 Châu Âu'
- 6 cơn thèm ăn cảnh báo chất dinh dưỡng mà bạn đang thiếu
- Chỉ đạo 'nóng' của Tổng cục Thuế về việc xuất hóa đơn điện tử xăng dầu
- Làn sóng phá sản càn quét ngành bán lẻ thời trang toàn cầu