Tiếp Thị Gia Đình

Thứ hai, 21/10/2024, 12:16 (GMT+7)

Bảng giá đất dự kiến ở TP.HCM tăng vọt: Chuyên gia chỉ ra hệ luỵ cho người dân và doanh nghiệp

Dự thảo bảng giá đất tại TP HCM gây chú ý với mức tăng dự kiến 10-20 lần,có nơi tăng đến 51 lần. Chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh dự báo rằng sự điều chỉnh tăng đột biến này có thể gây ra gánh nặng tài chính cho người dân, đặc biệt là hộ thu nhập thấp.

Chính phủ đã ban hành khung giá đất giai đoạn 2020-2024 với quy định mức tăng không quá 20%. Căn cứ vào khung giá đất, hiện nay nhiều tỉnh đã ban hành bảng giá đất riêng cho từng địa phương theo hướng tăng, có nơi tăng đột biến.

Liên quan đến khung giá đất, bảng giá đất dự kiến đang gây xôn xao tại TP HCM, phóng viên Tiếp thị & Gia đình đã có buổi phỏng vấn với ông Nguyễn Văn Đỉnh - Chuyên gia Pháp lý Bất động sản về những ảnh hưởng đến quy mô giao dịch trên thị trường bất động sản cũng như việc thu hút đầu tư tại các địa phương trong giai đoạn sắp tới.

Ông Đỉnh
Chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh

- Thưa ông, ông có đánh giá gì về Bảng giá đất ở một số địa phương đang gây xôn xao dư luận? Đâu là mặt tích cực đâu là mặt hạn chế ?

Giá đất hiện nay do Nhà nước quyết định trong khuôn khổ các quan hệ công, không phản ánh giá giao dịch thực tế giữa các bên. Điều này có thể dẫn đến nhiều bất cập, bởi quyết định giá đất phụ thuộc vào ý chí của các cá nhân tham gia vào quá trình định giá, như tư vấn và các hội đồng thẩm định. Hệ quả là việc định giá đất thường không chính xác, gây ra mâu thuẫn trong quản lý và bồi thường khi thu hồi đất.

Luật Đất đai 2024 đã bỏ khung giá đất, chỉ giữ lại “bảng giá đất” và “giá đất cụ thể”. Việc áp dụng bảng giá đất rộng rãi có thể tạo ra xung đột trong quản lý. Dù bảng giá đất giúp tăng thu ngân sách và đảm bảo bồi thường hợp lý, nó cũng sẽ dẫn đến tăng gánh nặng tài chính cho người dân. Nếu bảng giá đất tăng cao, người dân sẽ phải chịu chi phí lớn hơn cho tiền sử dụng đất, thuế và lệ phí.

Hình ảnh 12

- Theo ông, việc tăng giá đất trong dự thảo như ở TP HCM có thể tác động đến đời sống người dân và doanh nghiệp như thế nào?

Việc tăng giá đất sẽ khiến người dân phải trả nhiều hơn cho tiền sử dụng đất, thuế và lệ phí khác. Điều này đặc biệt khó khăn cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, vì họ phải chi trả nhiều hơn mà thu nhập không thay đổi.

Hơn nữa, sự tăng giá này có thể gây ra xáo trộn trong thị trường bất động sản, làm giảm tính cạnh tranh của các dự án đầu tư. Khi bảng giá đất tăng, giá nhà cũng sẽ tăng theo, dẫn đến việc giảm khả năng thanh toán của nhiều người, nhất là trong phân khúc thị trường cao cấp. Do đó, sự gia tăng giá đất không chỉ ảnh hưởng đến người dân mà còn có thể gây ra sự giảm sút trong quy mô giao dịch bất động sản.

Cùng với đó, trên thị trường hiện nay có một lực lượng cò đất, những đối tượng này luôn sẵn sàng dùng những chiêu thức để kích giá lên. Trước đó, họ cũng đã mua gom đất với giá rẻ và họ chỉ chực chờ bảng giá đất tăng là “mượn gió bẻ măng”, “đục nước béo cò”, đẩy giá lên để thu lợi.

- Các địa phương khác nên học hỏi gì từ sự điều chỉnh giá đất đã được áp dụng tại một số địa phương thưa ông?

Các địa phương cần xây dựng bảng giá đất ở mức trung lập, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Việc điều chỉnh giá đất cần được thực hiện một cách cẩn trọng, tránh những thay đổi đột ngột có thể gây ra xáo trộn đời sống. Cần đảm bảo quyền lợi của người dân, không để họ gánh chịu gánh nặng chi phí quá lớn.

-  Theo ông, nhà nước cần có những giải pháp nào để bảo vệ quyền lợi của người dân trong bối cảnh giá đất tăng cao như hiện nay?

Nhà nước cần xem xét các giải pháp bổ trợ như điều chỉnh chính sách thuế và hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình gặp khó khăn. Cần thiết lập cơ chế phản hồi từ người dân để đảm bảo bảng giá đất được xây dựng công bằng và hợp lý. Lợi ích của người dân nên được đặt lên hàng đầu trong quá trình điều chỉnh giá đất.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đang hoàn thiện dự thảo quyết định điều chỉnh bảng giá đất để trình UBND TP.HCM ban hành, chậm nhất trước ngày 20/10.

Trước đó, ngày 1/8 Luật đất đai 2024 có hiệu lực quy định xây dựng bảng giá đất phải tuân thủ quy định về trình tự, thủ tục theo Luật Đất đai 2024 và Nghị định 71/2024/NĐ-CP, đảm bảo mức giá phù hợp với từng khu vực, vị trí và tình hình thực tế tại địa phương.

Đến nay, dự thảo bảng giá đất điều chỉnh của UBND TPHCM được lấy ý kiến rộng rãi với các tổ chức, cơ quan, người sử dụng đất... Tuy vậy, vẫn chưa thể thống nhất, đưa ra bảng giá đất cuối cùng. Chính vì vậy, các thủ tục hành chính, hồ sơ về đất đai của người dân trên địa bàn thành phố vẫn gặp ách tắc, không chỉ đối với nhà đầu tư cá nhân, mà ngay các doanh nghiệp bất động sản cũng mệt mỏi vì câu chuyện bảng giá đất.

Ông Nguyễn Văn Đỉnh là kỹ sư, thạc sĩ xây dựng, cử nhân luật, từng có nhiều năm công tác tại Bộ Xây dựng và hiện là chuyên gia tư vấn pháp lý trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản. Ông Đỉnh đã và đang tham gia đóng góp xây dựng các luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản...

Cùng chuyên mục