Chủ nhật, 01/12/2024, 16:13 (GMT+7)

Bí mật đằng sau những ngôi nhà tình thương đẹp đến ngỡ ngàng của vợ chồng bà chủ Mailisa

Giữa núi trập trùng của xóm Bản Riềng, tỉnh Cao Bằng, nơi từng chỉ có những căn nhà tạm bợ oằn mình trước mưa lũ, giờ đây đã hiện lên 40 mái ấm kiên cố, vững chãi với tổng giá trị 20 tỷ đồng. Đó là món quà từ vợ chồng bà chủ Thẩm mỹ viện Mailisa xây dựng cho các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nơi vùng đất vừa xảy ra thiên tai đầy khốc liệt.

Giúp bà con nghèo an cư lập nghiệp

Theo bà Phan Thị Mai – Tổng giám đốc Thẩm mỹ viện Mailisa (Mailisa), trong chuyến hành trình đến các tỉnh phía Bắc để trao tận tay tiền mặt và 50 tấn gạo hỗ trợ bà con chịu thiệt hại nặng nề từ bão Yagi gây ra, cảnh tượng tan hoang và những mất mát đã chạm sâu vào trái tim của bà.

Ban đầu, tôi và ông xã chỉ có ý định hỗ trợ khẩn cấp tiền bạc và nhu yếu phẩm, mong bà con vượt qua giai đoạn khó khăn. Nhưng càng đi sâu, càng nhìn rõ cuộc sống của bà con đồng bào, tôi nhận ra, nỗi đau của họ không chỉ dừng lại ở cơn bão vừa qua.

“Những ngôi nhà cheo leo trên sườn đồi, được dựng tạm bợ từ tre nứa, không đủ sức chống chọi trước thiên tai. Mỗi lần bước vào một ngôi nhà, tôi chỉ thấy những bữa ăn đạm bạc từ mèn mén (bột ngô khoấy loãng với nước lã), thứ duy nhất giúp họ cầm cự qua ngày. Nhìn những đôi mắt trẻ thơ khát khao một mái ấm an toàn, tôi không kìm được nước mắt”, bà Mai chia sẻ.

y
Bà Phan Thị Mai - Tổng giám đốc Thẩm mỹ viện Mailisa tại buổi chia sẻ cùng Tạp chí Tiếp thị và Gia đình.

Bà Mai bộc bạch, khi trò chuyện với bà con, họ kể về những cơn mưa bão như những ác mộng dài. Khi từng dòng nước lớn đổ xuống, họ biết rõ rằng nguy cơ sạt lở có thể lấy đi tất cả, thậm chí cả mạng sống. Trong bóng tối, họ chỉ còn cách kéo nhau lên những vùng đất cao hơn, phó mặc cho số phận. Lắng nghe những lời tâm sự đó, tôi tự hỏi: “Tại sao chúng ta không thể làm gì đó để chấm dứt những hiểm họa này? Tại sao không giúp họ có một nơi ở kiên cố, để không còn nơm nớp lo sợ trước mỗi mùa mưa lũ".

Từ lòng trắc ẩn và khát khao chia sẻ với những mảnh đời kém may mắn, bà Mai và chồng là ông Hoàng Kim Khánh đã biến suy nghĩ thành hành động với một kế hoạch xây dựng 40 ngôi nhà kiên cố dành cho các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại xóm Bản Riềng, xã Sơn Lộ, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Với bà, việc hỗ trợ khẩn cấp chỉ là giải pháp tạm thời. Bà Mai tin rằng, một ngôi nhà vững chắc không chỉ là nơi trú ngụ an toàn mà còn là nền tảng cho một tương lai ổn định và bền vững hơn.

1
Bà Phan Thị Mai hỗ trợ bà con trong đợt bão vừa qua.

Để biến giấc mơ thành hiện thực, hai vợ chồng đã viết đơn kiến nghị gửi UBND tỉnh Cao Bằng, đề xuất hỗ trợ quỹ đất dành riêng cho việc xây dựng nhà tình thương. Hiểu rõ địa hình hiểm trở, dễ xảy ra sạt lở ở vùng cao, bà Mai và chồng nhờ chính quyền địa phương chọn khu đất đảm bảo an toàn. Các khu đất được san lấp bằng phẳng, gia cố bờ kè chắc chắn, giảm thiểu nguy cơ sạt lở. Mỗi hộ gia đình sẽ được cấp đất với diện tích khoảng 300m², không chỉ đủ chỗ xây nhà mà còn tạo điều kiện để người dân có thể trồng rau, nuôi lợn, gà, cải thiện sinh kế lâu dài.

Hành trình này không hề dễ dàng. Khí hậu khắc nghiệt, đường sá gập ghềnh và nguồn lực hạn chế đặt ra nhiều thách thức lớn. Thế nhưng, bằng sự quyết tâm, bà Mai cùng chồng đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để từng bước tháo gỡ khó khăn.

Bí mật đằng sau những ngôi nhà tình thương đẹp đến ngỡ ngàng

Ban đầu, vợ chồng bà Mai dự kiến hỗ trợ 100 triệu đồng cho mỗi căn nhà. Nhưng thực tế cho thấy, số tiền này không đủ để xây dựng nhà tại địa hình vùng núi hiểm trở. Chi phí nguyên vật liệu cao, việc vận chuyển khó khăn, và sự khan hiếm thợ xây lành nghề khiến kế hoạch phải thay đổi. Với quyết tâm xây những ngôi nhà vừa kiên cố, vừa đẹp, bà Mai quyết định tăng kinh phí lên 500 triệu đồng/căn.

Bà Mai cho biết hành trình xây dựng gặp không ít khó khăn. Địa hình cheo leo khiến xe tải lớn không thể tiếp cận, buộc phải sử dụng xe nhỏ để vận chuyển từng chuyến nguyên vật liệu. Giá thành vật tư cao, trong khi nhân công địa phương chỉ biết phụ hồ, không có tay nghề chuyên môn. Để đảm bảo chất lượng công trình, vợ chồng bà Mai quyết định tạm ngưng các dự án xây dựng khác của công ty và đưa đội ngũ thợ chuyên nghiệp từ miền xuôi lên Cao Bằng.

Desktop7
Những ngôi nhà được thiết kế chỉn chu và đang được hoàn thiện trong thời gian sớm nhất.

Bà Mai chia sẻ vợ chồng bà đã mời kiến trúc sư thiết kế những ngôi nhà phù hợp với phong tục địa phương với 1 phòng khách, 2 phòng ngủ, 1 phòng bếp, 1 nhà vệ sinh và sân phơi, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu sinh hoạt.

Ngoài ra, những ngôi nhà cũng được lựa chọn những vật liệu tốt nhất như tôn lợp nhà là tôn lạnh Hoa Sen, giúp chống nóng hiệu quả; thép sử dụng là thép Hòa Phát, nổi tiếng về độ bền; xi măng Vissai PCB40 đảm bảo độ kết dính cao; và các thiết bị điện như công tắc, ổ cắm, dây điện đều từ thương hiệu Lioa. Đặc biệt, gạch tuynel loại 1 và cát lọc hai lần, không nhiễm mặn, được ưu tiên sử dụng để đảm bảo độ bền của các công trình.

Bằng sự tỉ mỉ và tâm huyết, ông Hoàng Kim Khánh, chồng bà, trực tiếp giám sát từng công đoạn thi công, từ đào móng, đổ bê tông đến lợp mái, đảm bảo chất lượng từng chi tiết. Với kinh nghiệm trong ngành thẩm mỹ, vợ chồng bà mong muốn các ngôi nhà không chỉ đẹp, đúng thiết kế mà còn bền vững theo thời gian.

t
Ông Hoàng Kim Khánh - chồng bà Mai (bìa trái) là người trực tiếp giám sát công trình.

Không chỉ xây nhà, bà Mai còn chu đáo tặng mỗi gia đình một tủ quần áo, hai chiếc giường, quạt, chăn, chiếu và gạo dùng trong 6 đến một năm. Bà Mai xúc động nói: "Xây nhà xong mà bà con vẫn phải nằm sàn đất thì không đành. Họ cần một nơi ở thực sự vừa ấm áp vừa tiện nghi nên tôi tặng đầy đủ tiện nghi cho mỗi gia đình để bà con đảm bảo sức khỏe và tinh thần".

Hơn thế, bà Mai còn hy vọng hơn 210 nhân khẩu tại xóm Bản Riềng sớm thoát nghèo. Việc tài trợ gạo không chỉ giúp bà con no đủ trong thời gian đầu mà còn để bà con tiết kiệm phần thu nhập ít ỏi để làm quỹ dự phòng trong cuộc sống.

Đến thời điểm hiện tại công trình đang trong giai đoan nước rút, tổng kinh phí cho dự án lên đến 20 tỷ đồng. Vợ chồng bà Mai không chỉ xây nhà mà còn trao quyền sở hữu hợp pháp bằng những cuốn sổ hồng sẽ được bàn giao ngay khi hoàn thiện. Điều này sẽ mang lại sự yên tâm và khẳng định giá trị bền vững của dự án.

r
Vợ chồng bà Mai và các em nhỏ vùng cao.

Bà chia sẻ: "Mỗi bước đi, mỗi viên gạch đặt xuống đều là lời cam kết từ trái tim. Vợ chồng Mai Khánh nói được làm được. Những ngôi nhà kiên cố này trở thành nền móng cho cuộc sống mới, để họ không còn phải sợ hãi trước những cơn bão tương lai".

Hành trình xây 40 ngôi nhà tình thương không chỉ là câu chuyện về việc xây dựng mà còn là minh chứng cho tình người sâu đậm. Những ngôi nhà mới, với thiết kế vững chãi và tiện nghi, sẽ không chỉ che mưa nắng mà còn là nơi khởi đầu cho những ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Với bà Mai và ông Khánh, hạnh phúc thực sự là khi thấy ánh mắt rạng rỡ của bà con khi nhận nhà mới. Vợ chồng Mai Khánh không chỉ xây dựng ngôi nhà, mà còn dựng xây niềm hy vọng cho những người dân nghèo nơi vùng cao hiểm trở.

Bằng những hành động thiết thực, vợ chồng doanh nhân Hoàng Kim Khánh và Phan Thị Mai không chỉ giúp đỡ người khó khăn mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ về trách nhiệm xã hội cho thế hệ trẻ, đặc biệt là các doanh nhân. Họ đã chứng minh rằng thành công thực sự không chỉ nằm ở con số lợi nhuận, mà còn ở những giá trị tích cực mà doanh nghiệp mang lại cho cộng đồng và xã hội.

Chỉ trong năm 2024, vợ chồng doanh nhân Hoàng Kim Khánh và Phan Thị Mai đã dành gần 100 tỷ đồng để lan tỏa yêu thương qua các hoạt động từ thiện trên khắp cả nước. Vào tháng 1, vợ chồng Mailisa chi 5 tỷ đồng trao hàng ngàn phần quà Tết, mang đến niềm vui và hy vọng cho những mảnh đời kém may mắn. Đến tháng 7, họ tiếp tục đầu tư 70 tỷ đồng xây dựng bếp ăn 0 đồng tại TP.HCM.

Nhiều người thắc mắc rằng bếp ăn 0 đồng làm gì mà chi hết 70 tỷ thì chị Mai cho biết thay vì thuê mặt bằng sợ không được lâu dài nên vợ chồng bà đã quyết định chi ra hơn 30 tỷ để mua một mảnh đất tại địa chỉ 152 Nguyễn Thái Sơn Phường 4 quận Gò Vấp TP.HCM và xây một ngồi nhà 6 tầng để làm cơ sở bếp ăn 0 đồng. Bên cạnh đó, trích ra một nguồn quỹ riêng hơn 40 tỷ để duy trì bếp ăn lâu dài trong tương lai.

Tháng 9 vừa qua, trái tim nhân ái của họ lại hướng về miền Bắc, mang đến cho hàng ngàn bà con sự ấm áp qua những khoản hỗ trợ tiền mặt, 50 tấn gạo và 40 căn nhà vững chãi, trị giá 20 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục