Áp lực mang tên mẹ chồng: “Tôi chỉ sai khi không làm đúng cách của bà”
Về sống chung với mẹ chồng, tôi không bị quát mắng, không bị đối xử tệ. Nhưng sự khó tính đến từng chi tiết của bà khiến tôi luôn sống trong cảm giác phải gồng mình để vừa lòng…
Là con dâu, tôi cũng chỉ là một người phụ nữ đang học làm vợ, làm mẹ
Chuyên gia chỉ cách hóa giải mâu thuẫn với mẹ chồng, nàng dâu phải 'nằm lòng' để cửa nhà êm ấm
Các bà mẹ chồng chia sẻ 10 câu mà họ không muốn nghe con dâu nói nhất
“Ngày xưa mẹ đi làm xa 10 cây số, vẫn kịp cơm nước cho cả nhà đấy"; “Con để bát úp thế kia là nước nó chảy ngược vào rồi"; “Thịt kho phải kho hai lần lửa mới ngon, chứ ai lại làm thế này”... Những câu nói ấy không hẳn là lời trách móc. Nhưng mỗi ngày, tích tụ dần, nó khiến tôi mệt mỏi. Mỗi lần bước vào bếp, tôi đều thấy lo lắng. Không phải vì không biết nấu ăn, mà vì sợ không đúng “chuẩn mẹ”.
Luôn có một cách đúng – là cách của mẹ chồng
Tôi về làm dâu khi 27 tuổi, sống cùng gia đình chồng trong một căn nhà nhỏ ở Hải Phòng. Mẹ chồng tôi là người phụ nữ tần tảo, chịu thương chịu khó. Nhưng có lẽ chính vì đã quen với việc một tay quán xuyến mọi thứ trong nhà suốt mấy chục năm, bà không dễ chấp nhận một người phụ nữ khác có cách làm khác với mình.
Tôi từng nghĩ sẽ hòa nhập được nếu cố gắng. Nhưng tôi không lường trước được rằng, sự khác biệt giữa hai thế hệ, giữa hai nếp sống có thể tạo ra những mâu thuẫn rất nhỏ nhưng rất mệt mỏi.
Tôi rửa bát không đúng ý, nấu cơm không hợp khẩu vị, chăm con không giống cách bà từng chăm… Bà không nói nặng lời, chỉ lặng lẽ chỉnh lại từng việc tôi làm, và không quên để lại một câu góp ý “nhẹ như lông hồng” nhưng nặng như cục đá trong lòng.

Ở chung – không phải cứ không mâu thuẫn là yên ấm
Chồng tôi là người hiền lành, thương vợ. Nhưng anh không phải là người tinh ý. Với anh, mẹ không ghét bỏ vợ là đã ổn. Anh không nhận ra những ánh nhìn khó chịu, những câu nói bóng gió hay những lần tôi khóc thầm trong nhà tắm vì cảm thấy mình không bao giờ làm “đúng”.
Có lúc tôi nghĩ đến việc ra ở riêng. Nhưng mỗi lần nhắc đến, chồng tôi chỉ cười xòa: “Ở chung quen rồi, có gì đâu căng thẳng quá vậy em”. Anh không hiểu cảm giác của tôi – cảm giác làm dâu mà như làm bài kiểm tra mỗi ngày.
Tôi biết, mẹ chồng không phải người xấu. Bà chỉ quá khó tính và quá cố chấp với những gì bà tin là “đúng”. Thế nên, tôi dần học cách sống chung với điều đó. Khi bà phàn nàn, tôi chọn cách im lặng. Khi bà góp ý, tôi gật đầu, dù không phải lúc nào cũng làm theo.
Tôi không từ bỏ sự kiên định của mình, nhưng cũng không còn đấu tranh vô ích. Tôi hiểu rằng, trong một mái nhà có nhiều thế hệ, không ai hoàn toàn đúng hay sai. Chỉ là, ai học cách nhường nhịn và lắng nghe trước mà thôi.
“Thôi thì mình lớn rồi. Mềm một chút để yên nhà, cũng chẳng thiệt gì".
Không phải ai làm mẹ chồng cũng khó tính, và không phải nàng dâu nào cũng chịu thiệt thòi. Nhưng có một điều chắc chắn: nếu không đặt mình vào vị trí của nhau, thì “mẹ chồng – nàng dâu” sẽ mãi là mối quan hệ vừa gần, vừa xa, vừa thương, vừa mệt.
Tôi chưa thể nói mối quan hệ giữa tôi và mẹ chồng đã êm đẹp. Nhưng ít nhất, tôi đang học cách để không vì vài câu góp ý mà buồn cả một ngày. Và tôi tin, một ngày nào đó, bà cũng sẽ hiểu rằng: tôi không phải là một nàng dâu hoàn hảo, nhưng là một người luôn cố gắng giữ yên cho mái nhà này.