Ăn uống dịp Tết như thế nào để luôn khỏe và không thêm bệnh tật?
Nếu không ăn uống khoa học và hợp lý trong dịp Tết, bạn sẽ tích thêm những chất không tốt vào cơ thể và mắc thêm một số bệnh. Vậy ăn uống thế nào là hợp lý trong những ngày này?
Vào những ngày Tết, mọi người có thời gian để nghỉ ngơi nhiều hơn, thời gian làm việc, lao động chân tay giảm, do đó tiêu hao năng lượng ít hơn so với ngày thường. Tuy nhiên, năng lượng nạp vào lại lớn bởi nhiều gia đình thường tụ tập và đưa vào cơ thể thực phẩm chứa nhiều tinh bột, chất đạm, chất béo, đường và ít rau xanh, trái cây. Thực phẩm ngày Tết cũng có nguy cơ mất an toàn vệ sinh hơn do thức ăn nấu xong để lâu, ăn ngoài hàng quán... Tình trạng này tiềm ẩn nguy cơ cho sức khỏe, đặc biệt với người mắc các bệnh mạn tính và trẻ nhỏ. Để đảm bảo sức khỏe, bạn nên lưu ý những điều như sau:
Hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ
Các loại thức ăn nhanh đã qua chiên, xào, rán rất tiện lợi vào mỗi dịp Tết vì chỉ cần cho vào lò nướng, nồi chiên không dầu hoặc lò vi sóng làm nóng lại là được. Được chế biến ở nhiệt độ rất cao nên thực phẩm này chứa những chất béo chuyển hóa, không có giá trị dinh dưỡng. Nếu tiếp tục được đun nóng đến nhiệt độ cao, hàm lượng chất béo chuyển hóa của món ăn đó sẽ tăng lên rất mạnh, là nguyên nhân của các bệnh lý huyết áp và tim mạch.
Vì thế, mọi người nên hạn chế ăn thực phẩm nhiều chất béo, nhiều cholesterol như thịt mỡ, bơ, format, nội tạng động vật, các món xào rán... Theo khuyến cáo của các chuyên gia, mỗi người trưởng thành chỉ nên ăn khoảng 25-30g dầu, mỡ tương đương 5-6 thìa cà phê/ngày.
Hạn chế ăn đồ nhiều tinh bột
Bánh chưng, bánh tét là món ăn không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền. Một miếng bánh chưng nhỏ cỡ 100g cung cấp 204 kcal (lớn hơn 1 bát cơm trắng), 4,7 g chất đạm, 5,6 g chất béo và 33 g chất bột đường bằng một lưng chén cơm. Nếu ngày nào cũng ăn khoảng 2-3 miếng bánh chưng thì năng lượng khẩu phần đã tăng lên đáng kể.
Bạn nên ăn bánh chưng với số lượng vừa phải, khi đã ăn bánh chưng thì không nên ăn thêm cơm hoặc các loại tinh bột khác như bún, phở... Hạn chế ăn bánh chưng rán vì tích thêm nhiều dầu mỡ. Cũng không nên ăn vào buổi tối.
Hạn chế ăn đồ ngọt
Ăn quá nhiều đồ ngọt khiến chúng ta bị đầy bụng, dễ chán ăn khi đến bữa, như vậy cơ thể không hấp thụ được các chất dinh dưỡng cần thiết. Các loại nước ngọt chứa nhiều đường nên là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh như béo phì, tiểu đường, tim mạch, bệnh thận, gout, loãng xương... Đặc biệt, nước ngọt có gas có thành phần chủ yếu là hương vị, chất tạo ngọt, khí CO2, chất bảo quản… không tốt cho sức khỏe.
Lượng đường lớn trong các thực phẩm này khi được tiêu thụ số lượng lớn và dịp Tết sẽ xâm nhập vào máu khiến tuyến tụy tiết ra nhiều insulin, theo thời gian gây tiểu đường và rối loạn chức năng các cơ quan cơ thể.
Thêm nhiều rau xanh và trái cây
Thiếu rau xanh, thừa thịt và tinh bột là thực trạng của nhiều mâm cỗ Tết tại Việt Nam. Rau chứa nhiều chất xơ, có tác dụng giảm hấp thu chất béo, không chế lượng đường và tinh bột đưa vào cơ thể. Do đó, hãy tăng cường lượng rau củ vào bữa ăn nhiều nhất có thể để hỗ trợ tiêu hóa. Bạn có thể trộn các loại salad để kích thích vị giác và chống ngán. Nhưng cần lưu ý rửa rau sạch sẽ để đảm bảo vệ sinh.
Một người trưởng thành nên ăn ít nhất 5 suất rau và trái cây/ngày (mỗi suất tương đương 80g) để giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như bệnh tim, đột quỵ, béo phì...
Ngoài rau xanh, trái cây là nguồn cung cấp vitamin rất tốt cho cơ thể. Hãy đặt trái cây ở bàn tiếp khách và để nhắc bản thân ăn nhiều trong dịp Tết. Những người thừa cân, béo phì, rối loạn glucose máu, đái tháo đường nên lưu ý hạn chế các loại quả chín ngọt và nhiều năng lượng như chuối, xoài, mít, vải...
Hạn chế rượu, bia
Rượu, bia là thức uống không thể thiếu khi tụ tập dịp Tết. Những uống quá nhiều đồ uống có cồn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, mất an toàn khi tham gia giao thông, còn có nguy cơ cao đối với các bệnh tim mạch, gút, tăng huyết áp, đái tháo đường...
Các chuyên gia khuyến cáo, nam giới không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày, phụ nữ không uống quá 1 đơn vị cồn/ngày và không uống quá 5 ngày/tuần. 1 đơn vị cồn tương đương khoảng 3/4 chai hoặc lon bia 330 ml (5%) hay 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%) hoặc 1 chén rượu mạnh 30 ml (40%).
Thanh lọc cơ thể bằng nước lọc, nước dừa, trà
Cho dù bận rộn trong dịp Tết đến mấy, bạn cũng nên uống đủ 1,5lít nước mỗi ngày. Lượng nước này có thể đến từ nước lọc và các chất lỏng khác như trà, nước từ hoa quả, nước rau xanh…
Các loại trà như trà xanh và trà hoa cúc là thức uống tốt cho sức khỏe với nhiều chất chống oxy hóa, tốt cho tiêu hóa, tăng cường chức năng gan và khuyến khích sản xuất enzyme giải độc. Còn nước dừa có tính hàn, giải nhiệt làm mát, chống mất nước, hỗ trợ tiêu hóa do có lượng chất xơ cao. Một ly nước dừa trong những ngày sau Tết sẽ giúp thanh lọc cơ thể và tốt cho tiêu hóa.