Thứ ba, 26/11/2024, 12:04 (GMT+7)

4 ca tử vong liên quan cúm A/H1pdm, Sở Y tế tỉnh Bình Định ra văn bản khẩn về phòng chống dịch

Sở Y tế tỉnh Bình Định khuyến khích tất cả cán bộ, nhân viên y tế, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh chủ động tiêm phòng vắc xin cúm để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

Ngày 25/11, Sở Y tế ra văn bản khẩn đề nghị các Bệnh viện Đa khoa (BVĐK), bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật;  Trung tâm Y tế (TTYT) các huyện, thị xã, thành phố; bệnh viện tư nhân và phòng khám đa khoa tư nhân trên địa bàn tỉnh tăng cường phòng, chống dịch bệnh cúm A/H1pdm.

Đáng chú ý, các cơ sở khám chữa bệnh khi phát hiện trường hợp người bệnh nghi ngờ nhiễm cúm hoặc đã xác định nhiễm cúm thì cần áp dụng ngay biện pháp cách ly y tế và thông báo kịp thời cho TTYT tuyến huyện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để phối hợp giám sát, phòng chống dịch bệnh. Cần nhanh chóng đánh giá tình trạng người bệnh và phân loại mức độ bệnh theo hướng dẫn tại quyết định số 2078/QĐ-BYT ngày 23/6/2011 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị cúm mùa. Các trường hợp bệnh có dấu hiệu chuyển nặng cần kết hợp điều trị hồi sức tích cực với điều trị căn nguyên và chuyển tuyến kịp thời, hạn chế tối đa tử vong.

Bên cạnh đó, các trường hợp nhiễm cúm (nghi ngờ hoặc xác định) có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ cần được xem xét, chỉ định sử dụng ngay thuốc kháng vi rút. Xem xét thực hiện điều trị dự phòng bằng thuốc kháng vi rút Oseltamivir (Tamiflu) cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc cúm biến chứng có tiếp xúc với người bệnh được chẩn đoán xác định cúm. Các cơ sở chủ động đảm bảo cơ số thuốc Tamiflu hoặc Zanamivir phục vụ công tác khám bệnh, điều trị bệnh cho người dân trên địa bàn.

IMG-1997
Sở Y tế tỉnh Bình Định khuyến khích tất cả cán bộ, nhân viên y tế, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh chủ động tiêm phòng vắc xin cúm để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật phối hợp với các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh để thực hiện ngay các biện pháp truyền thông hướng dẫn phòng, chống cúm A/H1pdm và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Trong đó, khuyến khích người dân chủ động tiêm phòng các loại vắc xin phòng cúm, đặc biệt là trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi; người có bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường, suy giảm miễn dịch…); người trên 65 tuổi…

Tiếp tục chủ động giám sát, đánh giá nguy cơ, nhận định, dự báo tình hình dịch bệnh và đẩy mạnh hoạt động chỉ đạo tuyến, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới. Tiếp tục triển khai thực hiện lấy mẫu các trường hợp có biểu hiện bất thường, giải trình tự gen để xác định các chủng cúm đang lưu hành, phát hiện sớm chủng vi rút nguy hiểm và tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác.

Trung tâm Y tế tuyến huyện tăng cường giám sát, phát hiện ca bệnh có biểu hiện của hội chứng cúm, các ca bệnh nghi ngờ cúm tại cơ sở khám chữa bệnh và tại cộng đồng. Tổ chức điều tra dịch tễ, lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm nhằm phát hiện sớm ca bệnh, ổ dịch và khoanh vùng, xử lý đúng hướng dẫn, hạn chế lây lan ra cộng đồng. Tăng cường giám sát để phát hiện sớm trường hợp viêm phổi nặng nghi do vi rút tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn quản lý. Lấy mẫu bệnh phẩm trường hợp viêm phổi nặng nghi do vi rút gửi đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, để gửi xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh và xử lý kịp thời.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định, tính đến ngày 20/11, toàn tỉnh đã ghi nhận 842 trường hợp mắc bệnh cúm và giám sát 22 trường hợp viêm phổi nặng nghi do vi rút, kết quả xét nghiệm có 9 trường hợp dương tính với cúm A/H1pdm có địa chỉ tại TP Quy Nhơn (4 trường hợp), huyện Phù Mỹ (3 trường hợp), thị xã An Nhơn (1 trường hợp) và huyện Vĩnh Thạnh (1 trường hợp).

Trong đó, ghi nhận 4 trường hợp tử vong tại Phù Mỹ (3 trường hợp) và Vĩnh Thạnh (1 trường hợp). Đáng chú ý, ca bệnh mắc cúm A/H1pdm chuyển nặng, tử vong có dấu hiệu tăng nhanh trong hai tuần gần đây.

Sở Y tế cũng khuyến khích tất cả cán bộ, nhân viên y tế, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh chủ động tiêm phòng vắc xin cúm để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

Triệu chứng cúm

Cúm có khả năng gây ra các triệu chứng từ nhẹ tới nặng. Nhiều người hay nhầm lẫn giữa cúm với cảm lạnh bởi các biểu hiện ban đầu như sổ mũi, hắt hơi và đau họng. Tuy nhiên cảm lạnh thường diễn biến chậm trong khi cúm lại phát triển nhanh, đột ngột. Bạn có thể bắt đầu nhận thấy các dấu hiệu bệnh trong khoảng 1-7 ngày thông thường là 48-72h sau khi tiếp xúc với vi rút cúm.

Triệu chứng cúm thường gặp đầu tiên là sốt cao từ 39 đến 41 độ C. Trẻ em nếu bị cúm thường sẽ sốt cao hơn so với người lớn. Người bị cúm cũng có thể gặp thêm một hoặc nhiều các dấu hiệu sau:

Cảm thấy ớn lạnh, đổ mồ hôi

Ho khan

Viêm họng

Nghẹt mũi, chảy nước mũi

Đau đầu

Mệt mỏi, khó thở

Nôn mửa, tiêu chảy (thường gặp ở trẻ em hơn người lớn)

Hầu hết các triệu chứng của bệnh cúm sẽ dần biến mất sau khoảng 4-7 ngày. Ho khan, mệt mỏi phần lớn kéo dài hàng tuần bên cạnh việc bị sốt đi sốt trở lại.

Nếu các triệu chứng cúm dần trở nên nặng hơn hoặc dai dẳng, không có dấu hiệu giảm bớt sau 1 tuần – sốt kéo dài hơn 3 ngày – thì bạn cần đến gặp bác sĩ. Nguy hiểm hơn là khi người bệnh cảm thấy khó thở, tức ngực, mất ý thức, co giật, có dấu hiệu mất nước (như tiểu ít, không tiểu) – lúc này cần đưa người bệnh đi cấp cứu ngay lập tức. Đây là những dấu hiệu cảnh báo cho thấy cúm có thể đang chuyển biến thành bệnh lý nghiêm trọng hơn như viêm phổi.

Nguyên nhân gây ra bệnh cúm

Bệnh cúm bắt nguồn từ vi rút cúm (Influenza virus). Vi rút cúm tồn tại trong không khí và có thể xâm nhập vào cơ thể khi chúng ta chạm tay vào mắt, mũi, miệng.

Con đường lây truyền bệnh cúm

Vi rút cúm có khả năng lây lan trực tiếp qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện khiến các giọt bắn của dịch tiết mũi họng có chứa vi rút xuất hiện trong không khí và tồn tại trên các bề mặt, đồ vật. Nếu tiếp xúc phải các dịch bắn này sẽ có nguy cơ nhiễm cúm.

Ở những nơi tập trung đông người, tình trạng tiếp xúc trực tiếp là điều kiện lý tưởng để cúm lây lan nhanh. Người bị cúm có thể lây nhiễm cho người khác ngay trong thời gian ủ bệnh từ 1 ngày trước khi có triệu chứng cho đến 5-7 ngày sau khi phát bệnh. Riêng với trẻ nhỏ hoặc người có sức khỏe kém, thời gian lây nhiễm có thể kéo dài hơn cho tới khoảng 2 tuần.

Cùng chuyên mục