Việt Nam xuất khẩu 1 tấn vải u hồng sang Anh
Việt Nam đã xuất khẩu lô vải u hồng đầu tiên đến Anh trong năm 2023. Thời gian từ lúc xuất hàng tại vườn Việt Nam đến khi bày bán sản phẩm tại siêu thị ở Anh chỉ kéo dài 36 tiếng.
Công ty TT Meridian - doanh nghiệp chuyên phân phối nông sản Việt Nam tại Anh vừa nhập khẩu lô 1 tấn vải u hồng (loại vải chín sớm) Việt Nam vào Anh. Đây là lô vải vải xuất chính ngạch đầu tiên của Việt Nam đến Anh trong năm 2023.
Theo ông Thái Trần - Giám đốc điều hành Công ty TT Meridian, năm nay, công ty lần đầu tiên nhập vải u hồng nhằm tận dụng lợi thế của giống vải này là chín sớm hơn vải thiều khoảng 1 tháng để cạnh tranh với vải Mexico và Trung Quốc hiện có bán tại thị trường Anh. Lô vải u hồng sẽ được phân phối cho các siêu thị châu Á và bản địa. Dự kiến, mỗi tuần công ty sẽ nhập từ 3 - 5 tấn vải sang Anh tùy theo nhu cầu tiêu thụ.
Năm nay, sản phẩm vải u hồng phân phối tại thị trường Anh có bao bì mang hình ảnh cờ đỏ sao vàng Việt Nam. Bao bì này sẽ giúp người tiêu dùng có thể nhận diện thương hiệu quốc gia, tạo ấn tượng quả vải là một đặc sản riêng của Việt Nam. Bên cạnh đó, Công ty TT Meridian sẽ sử dụng bao bì sản phẩm có hình ảnh cờ đỏ sao vàng để đóng gói các sản phẩm Việt Nam phân phối tại Anh nhằm xây dựng và quảng bá thương hiệu Việt Nam như một nhà sản xuất và xuất khẩu nông sản lớn của thế giới, giúp người tiêu dùng dễ dàng và nhanh chóng nhận diện sản phẩm Việt Nam trên kệ hàng siêu thị tại Anh.
Vải Việt Nam hiện có giá bán khá cao tại Anh so với các loại trái câu nhập khẩu khác, khoảng 15 bảng/kg, tương đương 435.000 đồng/kg. Giá vải cao như vậy cũng do loại quả này phải vận chuyển bằng đường hàng không với cước phí 3 - 4 bảng/kg để đảm bảo độ tươi.
Giám đốc TT Meridian cũng cho biết, toàn bộ quá trình từ lúc xuất hàng tại vườn ở Việt Nam đến khi bày bán sản phẩm tại siêu thị ở Anh chỉ kéo dài 36 tiếng. Quá trình gồm thời gian đóng gói hàng và vận chuyển từ Việt Nam, thông quan và phân phối đến nhà bán lẻ ở Anh.
Nhu cầu đối với vải Việt Nam tại Anh đang tăng cao nhờ chất lượng ngon và mùa vải ngắn cũng như các hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước, nỗ lực xúc tiến thương mại của các cơ quan quản lý và hoạt động marketing của doanh nghiệp xuất khẩu…