Vì sao chợ Tết truyền thống đìu hiu?
Những năm gần đây, nhiều khu chợ truyền thống ở TP.HCM đang phải đối mặt với tình trạng vắng khách, dù cả trong thời gian cận Tết. Chợ Tân Định, một trong những chợ lâu đời của thành phố cũng không ngoại lệ.
Nằm ngay giữa trung tâm Quận 1, TP.HCM, chợ Tân Định là nơi sinh sống và làm ăn của nhiều tiểu thương. Nhưng trong những năm gần đây, không khí náo nhiệt, đông đúc đã không còn hiện hữu, thay vào đó là một sự vắng vẻ, trầm lặng. Thời điểm trước Tết, vốn là mùa mua sắm nhộn nhịp nhất trong năm, hình ảnh chợ giờ chỉ còn là những gian hàng vắng khách, những tiếng mời chào không còn vang vọng như trước.
Các ngày cận Tết trước đây, chợ Tân Định luôn nhộn nhịp kẻ bán người mua với đủ thứ hàng hóa, từ thực phẩm cho đến quần áo, giày dép. Tuy nhiên, hiện nay bầu không khí đó đã không còn. Chị Lan, một tiểu thương bán giày dép tại chợ, nhớ lại: “Hồi trước, gần đến Tết là tôi nhập hàng về liên tục, khách ra vào chợ đông đúc từ sáng đến tối. Mà giờ, khách lác đác vài người, mua bán ế ẩm”.
Những chiếc ghế nhựa bên ngoài các gian hàng, nơi tiểu thương chào mời và giới thiệu sản phẩm, giờ đây chỉ còn là chỗ để ngồi chờ đợi khách. Hình ảnh những người bán hàng cúi đầu chăm chú vào điện thoại thay vì giao tiếp hay tư vấn cho khách đã trở nên quen thuộc. Tiếng gọi mời vang vọng khắp các gian hàng, những câu chào thân thiện từng là đặc trưng của không khí mua sắm Tết giờ đây chỉ còn là một phần nhạt nhòa trong tâm trí những tiểu thương gắn bó lâu năm.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm lượng khách là sự thay đổi trong thói quen mua sắm của người dân. Theo một báo cáo từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, tỷ lệ người dân TP.HCM mua sắm trực tuyến đã tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Sau đại dịch COVID-19, gần 50% dân số đã chuyển sang mua sắm qua các nền tảng trực tuyến, một sự thay đổi lớn so với trước đây. Các chợ truyền thống, vì thế, đang mất dần sự hấp dẫn so với các cửa hàng trực tuyến tiện lợi, đặc biệt là đối với giới trẻ.
Báo cáo từ Hội Liên hiệp Thương mại TP.HCM (SCTA) cho biết các khu chợ truyền thống đang phải đối mặt với tình trạng giảm lượng khách rõ rệt, đặc biệt vào dịp Tết. Nhiều chợ truyền thống ghi nhận doanh thu giảm từ 20% đến 40% trong các mùa mua sắm cao điểm so với trước đây. Điều này phản ánh rõ rệt sự chuyển hướng của người tiêu dùng sang các hình thức mua sắm tiện lợi hơn.
Chị My, một tiểu thương khác tại chợ, chia sẻ: “Giờ khách hàng mua online nhiều hơn, nhanh gọn lại có nhiều khuyến mãi. Chợ truyền thống không cạnh tranh nổi”. Nhu cầu tiêu dùng của người dân giờ đây không chỉ thay đổi về phương thức mà còn về yêu cầu đối với các tiện ích. Sự xuống cấp của cơ sở hạ tầng ở chợ cũng khiến nhiều khách hàng e ngại. Những lối đi hẹp, vệ sinh chưa đảm bảo.
Anh Đông, một tiểu thương bán thực phẩm, cho biết: “Mọi người thích đi siêu thị hơn, vừa sạch sẽ, mát mẻ lại có đầy đủ tiện nghi. Chợ thì nóng nực, chật chội”.
Theo các chuyên gia, việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải thiện hệ thống chiếu sáng, vệ sinh và mở rộng không gian đi lại sẽ giúp tạo ra một môi trường mua sắm thoải mái hơn, thu hút thêm khách hàng. Tuy nhiên, sự thay đổi này đòi hỏi một quá trình dài và đầu tư đáng kể.
Dù đã thử kết hợp kinh doanh truyền thống với bán hàng qua các kênh trực tuyến, nhiều tiểu thương vẫn chưa thấy được sự cải thiện đáng kể. Chị Như, một tiểu thương tại chợ, chia sẻ: “Tôi đã bỏ tiền ra để chạy quảng cáo, học các khoá học livestream, nhưng lượng khách không tăng như mong đợi”.
Sự vắng khách hiện nay là tình trạng thực tế mà các tiểu thương tại chợ Tân Định và nhiều chợ trên địa bàn TP.HCM phải đối mặt. Các thay đổi trong thói quen tiêu dùng, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, cùng với cơ sở hạ tầng chưa được cải thiện đã khiến khu chợ này không còn thu hút đông đảo người dân như trước. Mặc dù vẫn mang trong mình giá trị văn hóa và lịch sử lâu đời, nhưng không khí nhộn nhịp và sầm uất vào những ngày cận Tết đã không còn như trước đây.