Vấn đề tài chính cặp đôi nên chia sẻ để tránh "ngoại tình tài chính"
Lừa dối và giấu kín chuyện tiền bạc trong hôn nhân là tình trạng phổ biến của nhiều cặp đôi. Cởi mở và trung thực về tài chính góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho cuộc sống gia đình.
Khảo sát của công ty tài chính cá nhân NerdWallet cho thấy, cứ 5 người Mỹ lại có hơn 2 người thừa nhận lừa dối hoặc giữ bí mật tiền bạc với người yêu, vợ hoặc chồng. Hiện tượng này phổ biến trong các cuộc hôn nhân ở khắp thế giới, đến mức giới nghiên cứu đặt cho nó tên là "ngoại tình tài chính" (financial infidelity).
Sau đây là lời khuyên của các chuyên gia về việc bạn nên làm gì trước khi kết hôn để bảo đảm cuộc hôn nhân khởi đầu suôn sẻ.
Những khoản nợ nần
Tiền bạc là chủ đề nhạy cảm trong tất cả các mối quan hệ, đặc biệt lại là đối với những cặp đôi đang ở giai đoạn mặn nồng. Có thể các cặp đôi không muốn nói về tình hình tài chính của bản thân nhưng những cuộc đối thoại chân thật thẳng thắn lại rất cần thiết.
Điều này không có nghĩa là bạn cảm thấy không hài lòng hay coi thường người bạn đời của mình vì người đó có tình hình tài chính không tốt, nhưng đối diện với sự thực và xác định được tương lai sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc không biết gì về nhau và sau này "vỡ mộng" dẫn đến những bất đồng không đáng có.
Bạn cần biết bạn đời tương lai có tích lũy những khoản vay hay nợ nào trước khi cưới hay không. Điểm tín dụng có ở mức tốt không, có đảm bảo luôn trả nợ đúng hạn hay không, có kế hoạch thanh toán để giảm danh sách chủ nợ hay chưa... Đây là những vấn đề quan trọng mà cặp đôi cần trao đổi.
Thu nhập và chi tiêu
Cũng theo khảo sát của NerdWallet, 14% người Mỹ đang yêu hoặc đã kết hôn nói dối hoặc giữ bí mật thu nhập với "nửa kia", 23% nói dối hoặc giữ bí mật về các khoản chi tiêu.
Thu nhập và chi tiêu ảnh hưởng đến cuộc sống của cả hai. Trung thực về tài chính khiến hai người biết được họ có đủ tiền chung sống hay không và nếu không, nên làm gì để cải thiện.
Kế hoạch tài chính và dự định đầu tư
Có thể bạn thích mở một cửa hàng, đầu tư một khoản để sinh lời hay có một gánh nặng tài chính phải lo. Đối phương có thể đồng thuận hoặc không thích điều đó nhưng các bạn cần thảo luận với nhau về điều này. Hãy đặt tất cả các thứ lên mặt bàn trước khi đưa ra một trong những quyết định quan trọng nhất của cuộc đời bạn.
Cách quản lý tiền chung
Dù nghề nghiệp và thu nhập của cặp đôi thế nào thì các bạn cũng cần thống nhất xem ai sẽ giữ tiền, gộp quỹ chung hay chia tiền riêng, khoản tiền nào được dùng để trả hóa đơn, khoản nào trả nợ và các chi phí phát sinh…
Nếu bạn đợi đến sau khi kết hôn mới hỏi những vấn đề này, thì có thể bạn sẽ bị bất ngờ khi biết đối phương mong muốn gia đình bạn trả những khoản nợ hay hóa đơn sau đám cưới... Vì vậy, tốt nhất bạn nên thẳng thắn trước những vấn đề này nói chuyện rõ ràng để giải tỏa mọi băn khoăn của bạn.
Mục tiêu tài chính
Cuộc sống của cặp đôi sẽ trở nên vô cùng áp lực khi thiết thốn tiền bạc để chi trả cho các vấn đề trong trong đời sống. Do đó, hãy cùng lên kế hoạch cho tương lai. Hãy nói về mọi thứ muốn làm sau khi kết hôn như mua nhà, mu axe, đi nghỉ dưỡng hay khởi nghiệp... Chọn một trong hai mục tiêu khả thi và lên bước đầu tiên để bắt đầu hiện thực hóa giấc mơ cùng nhau.
Nếu đang ngồi giữa những thứ xinh đẹp mà vẫn tự hỏi tại sao bản thân không hề thỏa mãn dù đã có mọi thứ, hãy suy nghĩ lại về mối quan hệ của mình. Dẫu thế nào, cởi mở và trung thực về tài chính dù mang đến những bất tiện nhất định nhưng góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho cuộc sống gia đình. Sau tất cả, hãy nhớ tiền không hòan toàn mua được hạnh phúc!