Thứ hai, 03/10/2022, 09:26 (GMT+7)

Trồng cây thủy sinh: Tưởng khó mà dễ!

Nếu bạn đang cân nhắc trồng cây thủy sinh để bàn làm việc hoặc trang trí trong nhà, TTGĐ sẽ giải đáp những thắc mắc thường nhất gặp nhé!

trồng cây thủy sinh
trồng cây thủy sinh

Trồng cây thủy sinh không khó như bạn nghĩ. Ảnh: Shutterstock

Cây trồng trong các bình nước nhỏ, chai lọ thủy tinh thường đặt trên bàn làm việc, góc cửa sổ của nhiều văn phòng và hộ gia đình được gọi là cây thủy sinh. Vài năm trở lại đây, loại cây cảnh thủy sinh này rất được ưa chuộng bởi mang yếu tố phong thủy, được xem là vật mang lại nhiều may mắn và thu hút tài lộc. Quan niệm sở hữu cây thủy sinh trong nhà sẽ giúp sự nghiệp và tình cảm của bạn trở nên viên mãn hơn.

Câu hỏi 1: Tại sao nên chọn cây trồng thủy sinh mà không phải là các cây trồng trong đất?

Điều đầu tiên chính là đặc điểm dễ chăm sóc của các cây trồng thủy sinh này. Đối với nhiều giống cây như trầu bà, ngọc ngân, phú quý, vạn lộc… bạn có thể thay nước hoặc bổ sung dưỡng chất một tuần/lần. Do đó, cây rất phù hợp với những người làm việc bận rộn.

Lý do thứ hai liên quan đến phong thủy. Nhiều người cho rằng việc trồng cây trong nước sẽ tạo ra nhiều hơi ẩm, làm cho môi trường sống xung quanh mát mẻ, dễ chịu, đồng thời mang lại cảm giác thoải mái cho gia chủ. Ngoài ra, dựa vào ngũ hành, từng loại cây thủy sinh sẽ mang đến nhiều vận may và thu hút tài lộc cho các cung mệnh.

Lý do thứ ba là với hình dáng nhỏ nhắn, các loại cây thủy sinh thích hợp đặt trên bàn. Ngoài màu xanh của lá, chúng cũng có nhiều màu sắc, kiểu dáng bắt mắt. Đặc biệt là có thể quan sát bộ rễ trắng trong nước, giúp người trồng có thể thư giãn mỗi khi nhìn ngắm chúng.

Câu hỏi 2: Cách chọn cây cảnh thủy sinh phù hợp?

Đầu tiên bạn phải xác định mục đích trồng cây thủy sinh để làm gì? Nếu để lọc không khí thì kim ngân, trầu bà, lưỡi mèo… là những lựa chọn phù hợp. Nếu muốn trồng cây hợp với theo phong thủy, bạn cần tìm hiểu bản mệnh và ý nghĩa các loại cây trên các trang web chuyên bán cây phong thủy.

Kế đến cần lưu ý nơi đặt để cây. Nếu cây để trên bàn ăn, phòng ngủ hay không gian thiếu ánh nắng nên cân nhắc lan ý, ngọc ngân, vạn lộc, phú quý…
Người chưa có kinh nghiệm trồng cây thủy sinh nên chọn các cây khỏe khoắn, được trồng sẵn thay vì tự chiết cây tại nhà.

trồng cây thủy sinh

Ảnh: Shutterstocks

Câu hỏi 3: Cây thủy sinh có ra hoa được không?

Đa số các giống cây thủy sinh chỉ có lá. Nhưng nếu muốn trồng các cây ra hoa thì tiên ông, hồng môn, thủy tiên… là lựa chọn hợp lý. Tuy nhiên, các cây này đều được trồng bằng củ, kỹ thuật trồng phức tạp. Chúng cần bổ sung chất dinh dưỡng kết hợp nhiều yếu tố môi trường, ánh sáng thì mới phát triển tốt và ra hoa.

Câu hỏi 4: Giá bán thế nào?

Giá của các cây thủy sinh giao động từ vài chục ngày đến vài trăm ngàn một cây tùy kích cỡ và giống cây. Nhưng để chọn được một cây khỏe và đẹp như ý thì không nên mua online. Thay vào đó, bạn nên đến trực tiếp shop hay vườn bán để quan sát cây từ lá, thân, rễ rõ ràng hơn.

Câu hỏi 5: Có nên nuôi cá vào lọ, bình trồng cây thủy sinh không?

Câu trả lời là không. Bởi đơn giản vì diện tích của lọ, bình trồng cây thủy sinh để bàn thường nhỏ gọn, chỉ vừa đủ chỗ cho rễ cây phát triển. Ngoài ra, môi trường nước trồng thủy sinh thường phải trong suốt để phù hợp với yếu tố thẩm mỹ, không phù hợp với môi trường có lẫn thức ăn cho cá và phân thải của chúng. Ngoài ra, những chú cá nghịch ngợm cũng rất dễ ăn rễ cây ngập trong nước khiến cây bị chết.

Câu hỏi 6: Cây thủy sinh có độc tố gì không?

Một câu hỏi thú vị! Sự thật là có không ít cây thủy sinh chứa độc tố ở phần lá. Ví dụ lá cây trầu bà có chất calcium oxalate gây tiêu chảy, buồn nôn, bỏng niêm mạc. Lá hoặc bộ phận khác của cây hồng môn cọ sát vào da người gây phát ban và rộp mụn nước, làm sưng cổ họng. Chính vì vậy, bạn không chà sát chúng lên người cũng như để các chậu cây này xa tầm tay trẻ em.

Câu hỏi 7: Có nên trồng 2-3 loại cây thủy sinh khác nhau trong một chậu, lọ hay không?

Hoàn toàn không nên nhé! Bởi vì mỗi một loại cây thủy sinh sẽ có một đặc tính sinh học khác nhau, quá trình phát triển rễ, lá cũng không giống nhau. Đương nhiên yêu cầu về ánh sáng, diện tích bình và môi trường nước cũng sẽ khác. Nếu trồng chung 2 loại trở lên sẽ gây khó khăn cho quá trình sinh trưởng.

Những lưu ý cơ bản khi trồng cây thủy sinh

Đa số giống cây trồng thủy sinh đều có thể trồng trong nhà. Nơi đặt cây tốt nhất là nơi có ánh sáng nhẹ (ánh đèn điện, ánh sáng buổi sáng sớm hay chiều muộn). Không nên để cây ở nơi có ánh sáng gắt, nơi tỏa ra hơi nóng như cục nóng điều hòa, sau CPU máy tính. Bạn không nhất thiết phải mang cây ra ngoài trời.

Nước là yếu tố vô cùng quan trọng nên hãy chú ý đến độ trong của nước. Nếu nước có mùi thì phải thay nước và loại bỏ phần rễ thối. Ngoài châm thêm nước, bạn nên thay nước mới mỗi tuần.

Chú ý vệ sinh chai, lọ, chậu hoặc bình đựng để tăng yếu tố thẩm mỹ cũng như quan sát tốt sự thay đổi của nước và rễ cây.

Khi đổ nước chỉ nên ngập 2/3 rễ. Khoảng trống còn lại sẽ giúp rễ thở, đồng thời tránh tình trạng ngập nước dẫn đến thối lá.

Nếu có điều kiện thì mỗi tuần nên cung cấp dung dịch dinh dưỡng để cây được phát triển tốt. Tỉa bớt rễ nếu quá sum xuê, lá vàng héo úa. Khi cây phát triển cao lớn, bộ rễ chật chội, bạn nên thay bình có kích thước lớn hơn. Nếu cần thiết, bạn có thể sử dụng thêm dụng cụ cố định rễ để cây đứng thẳng.

 

Cùng chuyên mục