TP HCM kích cầu thông qua khuyến mãi dựa trên giá gốc
Sở Công Thương TPHCM đang kết hợp với các doanh nghiệp giữ giá hàng hóa hàng bình ổn, thực hiện các chương trình khuyến mãi giá gốc để kích cầu tiêu dùng.
Trong buổi họp báo thông tin về hoạt động của ngành công thương quý I năm 2023 và các kế hoạch hoạt động trong thời gian tới do Sở Công Thương TPHCM tổ chức vào chiều 03/04, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho biết, trong bức tranh kinh tế TP HCM quý I trầm lắng nhưng bán lẻ đã "lội ngược dòng" để tăng trưởng dù sức mua còn hạn chế.
Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 3 tháng đầu năm ước đạt 263.981 tỷ đồng, tăng 4,7% so với năm 2022 (cùng kỳ giảm 4,8%). Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa 3 tháng ước đạt 163.606 tỷ đồng, tăng 9,1%. Do đó, ngoài giữ giá hàng bình ổn dù chi phí đầu vào tăng 10%, TPHCM sẽ thực hiện kích cầu thông qua khuyến mãi dựa trên giá gốc.
Tại buổi họp, ông Ngô Hồng Y, Trưởng phòng Quản lý Thương mại Sở Công Thương TPHCM thông tin, TPHCM đang triển khai chương trình bình ổn thị trường năm 2023 – Tết Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn TPHCM. Chương trình có 44 doanh nghiệp tham gia cung cấp các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu (đã bao gồm mặt hàng sữa), tăng 3 doanh nghiệp so với năm 2022; 11 doanh nghiệp bình ổn thị trường các mặt hàng phục vụ học tập, phần lớn là doanh nghiệp quy mô lớn, thương hiệu uy tín, chiếm thị phần cao. Lượng hàng bình ổn thị trường năm 2023 tăng 3 - 5% so với năm trước; chiếm từ 23% đến 31% thị phần trong tháng thường, chiếm từ 25% đến 43% nhu cầu thị trường trong tháng Tết nên đủ sức chi phối, điều tiết thị trường.
Chương trình bình ổn thị trường năm nay còn bổ sung nhiều nhóm mặt hàng như: thực phẩm chế biến từ thủy hải sản; bột, cháo tươi, súp dinh dưỡng đóng gói; đặc sản vùng miền như rong nho, măng, nấm, măng chua…; giấy kiểm tra, giấy thủ công, giấy bao tập, giấy kê tay, nhãn học sinh, tập chép nhạc, sổ giáo án, tập vẽ, thời khóa biểu…
Là lãnh đạo của doanh nghiệp phân phối tham gia bình ổn thị trường của TPHCM, ông Nguyễn Đức Toàn – Giám đốc thu mua MM Mega Market cho rằng, xu hướng tiêu dùng quý I vẫn tập trung vào mua sắm các nhóm hàng thiết yếu, hạn chế các nhóm chưa cần thiết nhưng tổng doanh thu bán lẻ đã tăng trưởng 11,8% so với cùng kỳ. MM Mega Market đang triển khai 2 chiến dịch về giá lớn nhất trong năm trên toàn quốc. Với chương trình giá sỉ, siêu thị sẽ bán hơn 40 mặt hàng thực phẩm tươi sống với giá như tại chợ đầu mối. Với chương trình "khóa giá", siêu thị cam kết không tăng giá hơn 500 mặt hàng thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu. Khách hàng hoàn toàn yên tâm mua sắm sản phẩm chất lượng với giá thành tốt nhất tại các hệ thống của đơn vị.
Sức mua của các hệ thống Centrai Retail, Saigon Co.op và Satra tăng trưởng lần lượt 5-10% so với cùng kỳ. Giám đốc đối ngoại của Central Retail Nguyễn Thị Thu Hiền cho hay, hệ thống đang lên kế hoạch tổ chức tuần hàng hải sản, trái cây để kéo khách. Siêu thị thực hiện chương trình "giá luôn rẻ" cho hơn 1.000 sản phẩm hết năm. Còn hệ thống Saigon Co.op, Satra sẽ ký kết hợp tác với các địa phương, vùng nguyên liệu để có giá tốt nhất cho người tiêu dùng.
Các đơn vị này đều cam kết giữ nguyên giá bán để hỗ trợ người tiêu dùng. Cùng với đó, sẽ tung ra nhiều chương trình khuyến mãi và hưởng ứng các chương trình khuyến mãi do Sở Công Thương TPHCM tổ chức.
Ngoài kích cầu tại các hệ thống bán lẻ, Sở Công Thương TP HCM cũng sẽ tổ chức chương trình khuyến mãi tập trung với quy mô lớn như làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu hàng tiêu dùng để đẩy mạnh chương trình khuyến mãi giá tại gốc – một điểm mới của năm 2023. Thay vì mua phải những sản phẩm bị nâng giá trước khi giảm, người tiêu dùng sẽ được mua với giá khuyến mãi thật. Ngoài ra, chương trình có thêm khuyến mãi gộp theo nhóm…