Thứ năm, 20/06/2024, 13:39 (GMT+7)

Tính thuế livestream bán hàng, tiếp thị liên kết như thế nào?

Hai hoạt động đặt ra nhiều băn khoăn nhất liên quan đến nghĩa vụ thuế trong thời gian qua là livestream bán hàng và tiếp thị liên kết.

Thách thức đối với thu thuế bán hàng livestream trên các nền tảng mạng xã hội

Livestream bán hàng về cơ bản chính là tiếp thị liên kết khi người bán không trực tiếp bỏ vốn ra mua sản phẩm cũng như không cung ứng sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Nếu như người bán chưa đăng ký kinh doanh thì sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân. 

Ông Nguyễn Quý Trung - Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp nhỏ và vừa và Hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng Cục Thuế cho biết: "Trong trường hợp hoa hồng từ hoạt động tiếp thị liên kết trên các sàn thương mại điện tử được trả cho đối tượng cá nhân thì lúc này khoản hoa hồng này được tính vào thu nhập từ tiền lương, tiền công. Hết năm mà cá nhân được hưởng khoản hoa hồng này sẽ phải thực hiện tự quyết toán thuế thu nhập cá nhân theo biểu lũy tiến từng phần với 7 bậc từ 5% đến 35%". 

Mặc dù vậy, tiền nộp thuế của những người này không phải toàn bộ doanh số của phiên bán hàng mà chỉ tính trên cơ sở phần thu nhập được nền tảng thương mại điện tử chi trả, theo Tài chính Doanh nghiệp.

"Dựa trên số %, ví dụ tỷ lệ bao nhiêu % trên tổng doanh số đó họ được hưởng hoặc cũng có thể theo một phương pháp đó là bằng số lượng tiền công cho một phiên livestream cứng, có nghĩa là không cần biết số lượng sản phẩm bán được bao nhiêu thì người này khi livestream họ vẫn được hưởng một mức thu nhập như vậy", ông Nguyễn Bình Minh - Uỷ viên Hiệp hội Thương mại điện tử cho hay. 

"Hoa hồng bao nhiêu là do bạn deal (thương lượng) với nhãn hàng, chẳng hạn như chiết khấu cho các bạn KOC bên tôi làm affiliate (tiếp thị liên kết) là khoảng 15% nhưng bạn muốn bán được nhiều hàng hơn thì bạn chấp nhận chỉ nhận 7-8% để giảm giá bán", chị Nguyễn Huệ Chi - CEO Học viện livestream TopOne chia sẻ. 

Hình ảnh 67

Cần có giải pháp đồng bộ để chống thất thu thuế

Đánh giá thu thuế với lĩnh vực này còn thất thoát, tại hội nghị mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính sửa quy định về hóa đơn điện tử, để kiểm soát các giao dịch này.

Cơ quan thuế đang rà soát, kiểm tra đồng bộ việc sử dụng hóa đơn điện tử trong kinh doanh online, livestream bán hàng. Nghị định 123 dự kiến sửa theo hướng các ngành bán lẻ, sẽ phải sử dụng hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền, kết nối với cơ quan thuế. Tức, bán hàng online, livestream cũng sẽ nằm trong diện này, theo Cổng thông tin Bộ Tài chính.

Hóa đơn loại này sẽ có thông tin người bán, người mua (nếu yêu cầu), tên hàng hóa dịch vụ, đơn giá, số lượng, giá thanh toán, thời điểm lập. Mã của cơ quan thuế hoặc mã vạch hai chiều (QR Xcode) cũng kèm theo để người mua truy xuất thông tin.

Hiện có 258 sàn cung cấp thông tin cho cơ quan thuế qua Cổng thông tin thương mại điện tử được vận hành từ cuối 2022. Dữ liệu cung cấp cho thấy, có gần 14.900 tổ chức và 53.200 cá nhân đăng ký bán hàng trên sàn. Số lượt giao dịch hơn 14,5 triệu, tương ứng 4.500 tỷ đồng.

Đại diện Shopee, Lazada khẳng định đã và đang cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan thuế định kỳ hàng quý. Họ cam kết sẽ duy trì việc này một cách minh bạch, đúng trình tự.

Tương tự, đại diện TikTok Việt Nam đánh giá thu thuế trên các sàn thương mại điện tử có đăng ký, được cấp phép chặt chẽ hơn so với không qua sàn như các hội nhóm, mạng xã hội. Bởi, cá nhân hoặc tổ chức doanh nghiệp khi tham gia giao dịch trên nền tảng này đều được yêu cầu cung cấp các thông tin, hỗ trợ thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân.

Qua nhà mạng, các sàn thương mại điện tử, cơ quan thuế định danh được người bán hàng, doanh thu thực hiện qua nền tảng. Bước đầu, theo Tổng cục Thuế, qua rà soát, tuyên truyền, một số cá nhân có thu nhập hàng chục tỷ đồng từ livestream bán hàng đã tự giác đăng ký, kê khai và nộp thuế tới hàng tỷ đồng.

Để tăng hiệu quả của kênh này, Bộ Tài chính mới đây đề xuất chủ sở hữu sàn phải khai, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên đó.

Xác định dòng tiền, nhu nhập qua ngân hàng có thể là cách thứ ba để cơ quan thuế tránh thất thu từ những cá nhân kinh doanh online không qua sàn thường sử dụng các chiêu như xóa bài sau khi livestream, chốt đơn qua inbox, nhận chuyển khoản không ghi rõ nội dung, thanh toán bằng tiền mặt.

Với các trường hợp không tự giác kê khai này, cơ quan thuế có thể phối hợp với ngân hàng để xác định dòng tiền, thu nhập. Sau đó, họ mời những cá nhân này lên làm việc trực tiếp để hướng dẫn, xử lý.

Hiện, Bộ Tài chính nắm thông tin từ 144 triệu tài khoản thanh toán, tăng hơn 20 triệu so với cuối tháng 4. Trong đó, khoảng 10 triệu tài khoản của tổ chức và 134 triệu tài khoản cá nhân tại 96 của ngân hàng.

Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đối chiếu với ngân hàng sẽ thu được nguồn thuế rất lớn, nhất là với livestream, bán hàng qua mạng xã hội. Song, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, dữ liệu về tài khoản thanh toán của người nộp thuế là các thông tin nhạy cảm.

"Việc xử lý, tổng hợp cẩn thận, đáp ứng quy định về bảo vệ bí mật thông tin khách hàng, dữ liệu cá nhân", bà Hồng nói, thêm rằng Bộ Tài chính cần có hướng dẫn chuẩn hóa về dữ liệu, phương thức kết nối, chia sẻ thông tin để chống thất thu thuế nhưng vẫn bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Như vậy, khoản thuế mà các cá nhân thực hiện livestream hay tiếp thị liên kết phải đóng là căn cứ trên số tiền thực nhận từ nền tảng. Bài toán đặt ra là làm sao để khoản thu nhập này được kê khai đúng, đủ, hợp lý để tranh thất thu cho ngân sách cũng như đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của những người tham gia.

Cùng chuyên mục