Thứ tư, 20/11/2024, 08:22 (GMT+7)

Tiến sĩ Nguyễn Thị Huyền Thảo: Người 'truyền lửa' đam mê lịch sử cho học sinh với cách dạy khác biệt

Với hơn 17 năm gắn bó với bảng đen phấn trắng, TS Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên môn Lịch sử tại Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM, đã truyền cảm hứng, nuôi dưỡng tình yêu môn Lịch sử cho bao thế hệ học sinh. Không chỉ dạy học, cô còn là người "thắp lửa" đam mê, biến môn học tưởng chừng khô khan này trở thành hơi thở sống động của cuộc sống.

Giờ học lịch sử chỉ có tranh luận và phản biện  

Ngay từ khi còn là học sinh, cô Huyền Thảo đã say mê với lịch sử hào hùng của Việt Nam và thế giới. Với cô, lịch sử không đơn thuần là những sự kiện hay con số, mà là những bài học quý giá, giúp hoàn thiện tư duy và kỹ năng sống.

Năm 2007, tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP.HCM, đứng đầu trong đợt tuyển dụng giáo viên và nhận nhiệm sở phân công về trường giảng dạy tại Trường Chuyên Trần Đại Nghĩa – nơi cô đã gắn bó và cống hiến đến nay.

Lịch sử dưới sự hướng dẫn của cô Thảo không còn là một môn học nặng nề, học thuộc lòng hay trả bài. Thay vào đó, cô xây dựng một môi trường học tập đầy sáng tạo, nơi học sinh được khám phá và trải nghiệm lịch sử theo cách riêng.

z6049894430688_6cbc4bc0ff
Tiến sĩ Nguyễn Thị Huyền Thảo và học sinh tại một buổi học môn Lịch sử.

Khác với cách dạy truyền thống, Tiến sĩ Huyền Thảo đặt học sinh vào vị trí trung tâm của lớp học. Mỗi tiết học không bắt đầu bằng những bài giảng lý thuyết dài dòng, mà bằng hàng loạt câu hỏi gợi mở, mang tính phản biện. Các học sinh được chia nhóm, thảo luận, tranh luận và đưa ra giải pháp cho các vấn đề lịch sử.

Trong mỗi tiết học 45 phút ngắn ngủi, các nhóm học sinh sẽ tự trao đổi các nội dung câu hỏi cô đặt ra, thống nhất ý kiến và trình bày trước lớp. Giáo viên đóng vai trò người hướng dẫn, đặt câu hỏi và đưa ra các tình huống đầy mâu thuẫn để các em giải quyết. Đặc biệt, mỗi tiết học luôn gắn liền với bản đồ lịch sử – công cụ giúp học sinh tự tin trình bày các sự kiện, cuộc khởi nghĩa hay chiến dịch một cách trực quan và sinh động.

"Mỗi giờ học là một sân chơi tranh biện đầy sôi động. Có những lúc các nhóm tranh cãi gay gắt về những sự kiện hay góc nhìn lịch sử, nhưng chính từ những cuộc tranh luận đó, các em hiểu sâu bản chất vấn đề và phát triển tư duy phản biện.

Những phút tranh biện gay cấn giữa các nhóm luôn là khoảnh khắc tôi tự hào nhất. Đó là lúc các em thực sự làm chủ kiến thức, tìm tòi và tự giác học tập. Không cần thúc ép, các em sẽ tự đến thư viện, say mê đọc và nghiên cứu," Tiến sĩ Huyền Thảo chia sẻ.

Theo Tiến sĩ Huyền Thảo, với cách học này, học sinh còn được rèn luyện kỹ năng trình bày, từ cách lập luận. Qua những hoạt động này, các em không chỉ học sử, mà còn học cách giao tiếp, tư duy logic và làm việc nhóm – những kỹ năng cần thiết trong xã hội hiện đại.

z6049956851409_5425cab59a883675cb84ff6917046529
Giữa thời buổi công nghệ AI phát triển, TS Huyền Thảo luôn xem học sinh luôn là trung tâm của lớp học.

Ngoài ra, Tiến sĩ Huyền Thảo cũng trăn trở, trong thời đại bùng nổ công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI), cô Huyền Thảo nhận ra rằng, giáo viên không còn là người giữ vai trò tổ chức duy nhất. Ngày nay, học sinh có thể tìm kiếm mọi thông tin chỉ với một cú nhấp chuột. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các em có tư duy đúng đắn nếu thiếu kỹ năng suy luận và phân tích.

Để theo kịp học trò, cô giáo luôn không ngừng học hỏi và hoàn thiện bản thân, từ công nghệ thông tin đến ngoại ngữ. Tiến sĩ Huyền Thảo chia sẻ rằng, các học sinh của cô đều là những tài năng xuất sắc, nhiều em đạt điểm IELTS trên 8.0. Điều đó đã thôi thúc cô, ngoài việc nâng cao chuyên môn lịch sử, còn tích cực rèn luyện tiếng Anh. Cô thậm chí đeo tai nghe tiếng Anh mỗi đêm để cải thiện khả năng ngôn ngữ của mình. Với cô, mỗi tiết học không chỉ là giảng dạy, mà còn là hành trình đồng hành và học hỏi từ chính học sinh của mình.

Gần hai thập kỷ cống hiến, Tiến sĩ Nguyễn Thị Huyền Thảo không chỉ là một người thầy, mà còn là một người bạn đồng hành đáng tin cậy của học sinh. Phương pháp giảng dạy sáng tạo của cô không chỉ giúp học sinh yêu thích môn Lịch sử, mà còn khơi dậy trong các em niềm đam mê tìm hiểu, khám phá thế giới.

"Giáo dục không chỉ là dạy chữ, mà là dạy cách tư duy và làm người. Tôi luôn tự nhủ, mỗi ngày lên lớp là một cơ hội để học cùng trò và truyền cảm hứng cho các em," cô chia sẻ.

Nhờ sự tận tâm và đổi mới không ngừng, cô Huyền Thảo đã góp phần thay đổi cách nhìn nhận về môn Lịch sử trong học sinh, biến nó từ một môn học "khô khan" thành một hành trình khám phá đầy thú vị.

Người thầm lặng đứng sau Hội nghị mô phỏng Liên Hiệp Quốc

Tiến sĩ Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên lịch sử Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa và là người theo sát CLB TOMUN (Hội nghị mô phỏng Liên Hiệp Quốc) từ những ngày đầu không giấu được tự hào khi liên tục khoe về những học sinh của mình trưởng thành từ CLB này.

Ra đời vào năm 2020 từ sáng kiến của các học sinh lớp chuyên Anh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM, Hội nghị mô phỏng Liên Hiệp Quốc TOMUN (Trần Đại Nghĩa Open Model United Nations) nhanh chóng trở thành một sân chơi trí tuệ đầy thú vị và bổ ích dành cho học sinh.

Theo Tiến sĩ Huyền Thảo sân chơi không chỉ giới hạn ở học sinh Trần Đại Nghĩa, TOMUN đã thu hút sự tham gia của học sinh từ nhiều trường THPT uy tín tại TP.HCM như chuyên Lê Hồng Phong, Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), Nguyễn Thượng Hiền… cùng các trường quốc tế và một số trường học ở các tỉnh lân cận.

z6049925875466_0385ea6c81
Tiến sĩ Huyền Thảo tại một buổi làm việc tại CLB Hội nghị mô phỏng Liên Hiệp Quốc.

Tiến sĩ Huyền Thảo cho biết mô hình này hoạt động theo theo hình thức học sinh sẽ trong vai trò giả định là đại diện cho các quốc gia như Pháp, Mỹ, Úc, Trung Quốc, Nga, Ukraine, Thái Lan, Việt Nam...,  cùng thảo luận, tranh biện và tìm kiếm tiếng nói chung cho nhiều vấn đề “nóng” toàn cầu. Đặc biệt, gần như toàn bộ hội nghị diễn ra bằng tiếng Anh, chỉ có một hội đồng sử dụng tiếng Việt.

Tại phòng họp mô phỏng các cơ quan Liên Hiệp Quốc, các vấn đề được đưa ra thảo luận đều rất thực tế và mang tính toàn cầu. Chẳng hạn, trong phòng họp mô phỏng Hội đồng nghệ thuật và cơ quan văn hóa quốc tế (IFACCA), các đại biểu đã cùng bàn bạc về việc “Đền bù và khôi phục các di sản văn hóa, di tích lịch sử bị tàn phá bởi chiến tranh” hay “Hợp tác quốc tế thúc đẩy giao thoa văn hóa dưới tác động của trí tuệ nhân tạo”.

Ở phòng họp mô phỏng Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO), những vấn đề lớn như “Giải quyết rủi ro khủng hoảng nợ nần của các quốc gia đang phát triển” hay “Chiến lược đa dạng hóa kinh tế cho các nước phụ thuộc vào hàng hóa” cũng được các đại biểu trẻ tuổi thảo luận sâu sắc.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Huyền Thảo cho biết: “Các em học sinh đảm nhiệm mọi công đoạn tổ chức, từ lập kế hoạch, điều phối đến thuyết trình và tranh luận trong hội nghị. Những đại biểu trẻ tuổi này không chỉ sử dụng tiếng Anh mượt mà mà còn thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về tình hình thế giới. Các em tự tin, điềm tĩnh, và thuyết trình như những nhà ngoại giao thực thụ”.

z6049944022397_ab4ff329a4
Giữa thời đại phát triển của công nghệ AI, TS Huyền Thảo luôn đề cao sự tìm hiểu, tư duy sáng tạo và phản biện của học sinh.

Hơn cả một sân chơi, TOMUN đã trở thành môi trường học tập năng động, nơi học sinh được rèn luyện kỹ năng tranh biện và phản biện – những kỹ năng không thể thiếu trong thế kỷ 21.

Thay vì tiếp cận kiến thức một cách thụ động, các thành viên của TOMUN được làm quen với phương pháp học tập dựa trên vấn đề. Trong các phiên họp, giáo viên đóng vai trò người quan sát, đặt câu hỏi và gợi mở hướng đi, trong khi học sinh là trung tâm, tự chủ tìm hiểu, phân tích và đưa ra các giải pháp.

Những tình huống thực tế như “làm thế nào để cân bằng lợi ích quốc gia và hợp tác quốc tế” hay “giải quyết khủng hoảng kinh tế ở các nước đang phát triển” không chỉ giúp học sinh nâng cao tư duy phân tích mà còn rèn luyện khả năng giao tiếp, lập luận và làm việc nhóm.

TOMUN không chỉ giúp học sinh hiểu biết thêm về các vấn đề toàn cầu mà còn truyền cảm hứng để các em nuôi dưỡng hoài bão lớn, trở thành những công dân toàn cầu đầy trách nhiệm và bản lĩnh.

Đặc biệt, theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Huyền Thảo, mô hình này đã tạo ra một mạng lưới liên kết bền chặt giữa các thế hệ học sinh. Khi trưởng thành, dù tiếp tục con đường học tập ở nhiều quốc gia khác nhau, các cựu thành viên TOMUN vẫn đồng hành, hỗ trợ và truyền lửa cho các thế hệ đàn em, duy trì giá trị cốt lõi của sự hợp tác và kết nối toàn cầu.

Cùng chuyên mục