Tháng Tư du lịch Lào trải nghiệm Tết té nước
Tết Lào (Bun Pi May - Tết té nước) là một trong lễ hội lớn và quan trọng nhất của Lào được tổ chức vào ngày 13 - 15 tháng Tư dương lịch hàng năm.
Mỗi độ hoa dokkhoun (hoa muồng vàng) nở rộ trên các tuyến phố ở Thủ đô Viêng Chăn hay cố đô Luangprabang báo hiệu Tết Lào đến. Vào dịp này, người Lào khắp nơi trong và ngoài nước đều háo hức chào đón Tết cổ truyền.
Có gì trong Tết Lào?
Tết Lào mang ý nghĩa đem lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, thanh khiết hóa cuộc sống của con người. Vào những ngày này, mọi người thường té nước vào nhau để chúc phúc, cầu mong mưa thuận gió hòa, một năm mới ấm no, hạnh phúc. Lễ hội ở Lào thường được gọi tắt là Bun, có nghĩa là làm phước, làm phước để được phước.
Thời điểm này cũng là dịp để các gia đình sum vầy, đoàn tụ và cùng nhau thực hiện các nghi lễ truyền thống như việc đốt nến và thắp hương, tham gia các trò chơi dân gian.
Đặc biệt Lễ hội Té nước (Bun Pi May) diễn ra từ ngày 13 - 15 tháng Tư dương lịch, người dân sẽ tham gia đánh bóng nước, bơi lội, bắn nước súng và tắm mát... Trên khắp các đường phố cũng được trang hoàng rực rỡ và diễn ra nhiều phần thi diễu hành.
Tham quan các đền và chùa: Trong dịp Tết Lào, các đền và chùa ở khắp nơi đều được trang hoàng đẹp mắt. Đi thăm các đền và chùa cũng là một trải nghiệm thú vị trong dịp Tết này.
Thưởng thức các món ăn truyền thống: Lào là một quốc gia có nền ẩm thực đa dạng và phong phú. Du khách có thể thưởng thức các món ăn truyền thống như: món Larp (salad thịt gà hoặc cá), món Khao Piak Sen (bánh phở Lào), món Khao Jee (bánh mì Lào), món Khao Niaw (cơm truyền thống), món Mok Pa (cá hấp) và nhiều món ăn khác.
Khám phá các địa điểm du lịch: Lào có nhiều địa điểm du lịch đẹp và nổi tiếng như thành phố Viêng Chăn, cố đô Luang Prabang, khu bảo tồn thiên nhiên Nam Et-Phou Louey, công viên quốc gia Hin Namno, Xieng Khouang, Si Phan Don, Vang Vieng...
Mua sắm quà lưu niệm: Lào có nhiều sản phẩm độc đáo và đẹp mắt như thủ công mỹ nghệ, đồ da, dược liệu, quần áo và trang sức. Khách du lịch có thể mua sắm các sản phẩm này để làm quà lưu niệm hoặc mang về cho người thân và bạn bè.
Phương tiện di chuyển đến Lào
Lào tiếp giáp biên giới với Việt Nam, do đó, việc di chuyển đến quốc gia này khá dễ dàng thông qua các phương tiện: Máy bay, xe khách, xe ô tô riêng qua biên giới, cửa khẩu Lào.
Máy bay: Đặt vé máy bay tới Thủ đô Viêng Chăn của Lào từ các sân bay lớn ở Việt Nam như Sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM), Sân bay Nội Bài (Hà Nội), Sân bay Đà Nẵng, Sân bay Cần Thơ và Sân bay Cam Ranh (Nha Trang). Đến sân bay Viêng Chăn, di chuyển bằng taxi hoặc xe bus đến các khu vực diễn ra Lễ hội Tết.
Giá vé máy bay từ Việt Nam đến Lào sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời điểm đặt vé, hãng hàng không và địa điểm đến. Tìm hiểu giá vé trên các trang web đặt vé trực tuyến hoặc thông qua các đại lý vé máy bay. Giá vé máy bay từ Việt Nam đến Lào dao động từ khoảng 1.000.000đ đến 4.000.000đ tùy thuộc vào thời gian và địa điểm.
Đường bộ: Có thể di chuyển từ Việt Nam đến Lào bằng xe buýt hoặc xe ô tô cá nhân. Điều này tùy thuộc vào điểm khởi hành của mỗi người.
Chi phí đi xe khách từ Việt Nam sang Lào dao động từ 500.000đ đến 2.000.000đ tùy vào tuyến đường, loại xe, thời điểm và địa điểm đến ở Lào. Ví dụ như, tuyến đường Hà Nội - Viêng Chăn có giá khởi điểm từ 1.000.000đ đến 1.500.000đ. Tuyến đường Hồ Chí Minh - Viêng Chăn có giá khởi điểm từ 900.000đ đến 1.500.000đ.
Nếu sử dụng xe ô tô cá nhân, cần phải có giấy tờ cần thiết như visa, bảo hiểm xe hơi và các giấy tờ liên quan đến xe hơi để có thể di chuyển qua biên giới. Chi phí có thể từ 5.000.000đ đến 10.000.000đ...
Ngoài ra, nếu di chuyển bằng xe khách, từ Sài Gòn, du khách có thể mua vé tàu đến Đà Nẵng, Huế hay Vinh rồi từ các địa điểm này có thể mua vé xe buýt đi thẳng qua Lào bằng đường bộ. Với hành khách từ Hà Nội thì cách đi gần nhất là đến Vinh, sau đó bắt xe đi Hà Tĩnh qua cửa khẩu rồi đi Lào theo cửa khẩu Cầu Treo. Giá vé khoảng 250.000đ.
Một số lưu ý khi du lịch tại Lào
Trong giao tiếp
Đối với người Lào, việc tiếp xúc cơ thể quá gần gũi là điều kiêng kỵ, đặc biệt là khi chào hỏi, chỉ nên cúi chào hoặc bắt tay, hạn chế tiếp xúc thân mật như ôm eo, bá vai, bá cổ... Bên cạnh đó, nên tránh việc vỗ hay xoa đỉnh đầu người khác bởi ở đây cho rằng đó là hành động khiếm nhã. Khi muốn chụp ảnh chung với cô gái Lào, bạn hãy để 2 tay ra phía trước hoặc sau lưng, phòng trừ một số trường hợp không mong muốn.
Trong sinh hoạt
Người Lào rất tôn thờ đạo Phật. Khi đến thăm chùa chiền, tuyệt đối không được làm mất trật tự, ăn mặc hở hang hay có những lời nói khiếm nhã, trêu ghẹo. Không nên quay lưng vào tượng Phật hay í ới gọi nhau trong chùa. Hãy để ý đến các biển cấm ở đây. Nếu quy định không được chụp ảnh thì đừng cố chụp vì sẽ bị mời ra ngay tức khắc.
Khi qua một làng bản, nếu thấy nơi cổng vào làng có một sợi dây kết bằng bông vải giăng ngang hoặc một ký vật kí hiệu đặc biệt thì phải hiểu là người dân trong làng này đang cấm người lạ.
Nếu ngủ ở nhà người bản xứ, tránh hướng đầu về phía cửa ra vào, kiêng hớt tóc, cạo râu vào đêm thứ 4, kiêng gội đầu ngày thứ năm. Bạn cũng không nên giã cối ở nhà dân và không nên chui qua dây quần áo có treo đồ phụ nữ...