Tất tần tật về quảng cáo trên xe Bus
Mình có gần 10 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực quảng cáo ngoài trời nói chung và quảng cáo trên xe Bus nói riêng, từng được bạn bè trong giới Marcom đặt cho biệt danh "Ông trùm xe Bus" tại Hà Nội.
Xin chia sẻ tới cộng đồng những kinh nghiệm để triển khai chiến dịch quảng cáo trên xe Bus hiệu quả và một số lưu ý cũng có thể áp dụng cho hình thức này trên toàn quốc. Riêng Hồ Chí Minh thì quyết định cấm quảng cáo trên xe Bus tồn tại khá lâu, mới chỉ thí điểm khai thác trên một số tuyến thời gian qua và bây giờ thì mới chính thức cho quảng cáo trở lại nên mình chưa có thông tin để chia sẻ.
1. Về quảng cáo trên xe Bus tại Hà Nội
Hiện nay, tại Hà Nội có khoảng 1200 chiếc xe Bus hoạt động với 2/3 số lượng trong khu vực nội đô và còn lại đi các khu vực ngoại thành. Xe Bus nội đô và từ nội đô đi các huyện ngoại thành được đánh số từ 1 tới 79, với các tuyến Bus kế cận từ Hà Nội đi các tỉnh từ 202 tới 209.
Xe Bus hoạt động thời gian từ 5h mỗi ngày tới 22h và có thể chênh lệch 30' tùy tuyến. Thời gian xe Bus di chuyển từ điểm đầu đến điểm cuối trung bình 1h và sau đó nghỉ 15' để tiếp tục hành trình cứ như vậy cho hết ngày làm việc. Mỗi xe Bus chạy đủ 365 ngày trong năm ngoại trừ rất nhiều ngày "ngủ ở xưởng" để bảo dưỡng, sửa chữa hay nằm trong bãi xe công an nếu gây tai nạn.
Xe Bus đi theo lộ trình cố định. Ngày nào cũng cắm đầu cắm cổ đi theo đúng lộ trình như thế và không được phép thay đổi lộ trình kể cả đường có tắc cứng.
Quảng cáo trên xe bus được đánh giá là hình thức quảng cáo trực quan hiệu quả vì nó như một cái pano di động trong thành phố chật chội này (nhưng sự thật là không có đo lường cụ thể và không thể đo lường cụ thể). Người tham gia giao thông không thể không nhìn nó. Không thể không bị nó đập vào mắt khi cùng xe lăn bánh trên đường hay vô tình bị nó nhảy chồm vào mặt lúc đang ngu ngơ tay cầm điếu thuốc, bên ly cafe nhìn ra đường vô thức.
Đối tượng khách hàng chính sử dụng xe Bus tại Hà Nội là học sinh, sinh viên. Chính vì vậy tại tất cả các cổng trường hầu hết có xe Bus đi qua và có điểm dừng ở đó.
Xe Bus tại Hà Nội được chia làm 3 loại:
- Xe Lớn (Chủ yếu Transinco B80, Dewoo BC212) giá quảng cáo khoảng 50.000.000đ/xe/năm.
- Xe Trung (Chủ yếu Dawoo BS090) giá quảng cáo khoảng 46.000.000đ/xe/năm.
- Xe kế cận (Hầu hết xe Transinco B80) giá quảng cáo khoảng 35.000.000đ/xe/năm.
Giấy phép: Theo quy định của Luật Quảng cáo (có hiệu lực từ ngày 1/1/2013), quảng cáo trên phương tiện giao thông không phải xin giấy phép thực hiện quảng cáo tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch như quy định trước đây nữa.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện cần phải thực hiện theo quy định tại Điều 32 Luật Quảng cáo, cụ thể: Không được thể hiện sản phẩm quảng cáo ở mặt trước, mặt sau và trên nóc của phương tiện giao thông.
Sản phẩm quảng cáo không được vượt quá 50% diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của phương tiện giao thông và phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông.
2. Quảng cáo xe Bus sao cho hiệu quả?
Để quảng cáo trên xe Bus hiệu quả cần có một số lưu ý như sau:
- Số lượng xe tham gia quảng cáo: Tối thiểu 10 xe. Nếu con số dưới 10 xe thì tốt hơn cả là bạn nên lựa chọn quảng cáo với hình thức khác. Vì 10 xe đã là con số khiêm tốn để tần suất xuất hiện đảm bảo hình ảnh quảng cáo lặp lại mọi nơi so với tổng số hàng ngàn xe đang chay. Nếu ngân sách không đủ lớn để làm 10 xe cho 1 năm thì thay vào đó mình sẽ chạy thời gian ngắn lại với số lượng lớn để bùng nổ.
- Việc lựa chọn tuyến xe Bus cũng rất quan trọng. Kinh nghiệm để lựa chọn tuyến xe Bus sẽ dựa theo khu vực thị trường mục tiêu muốn đẩy mạnh quảng cáo hoặc nếu đơn giản chỉ muốn tăng nhận diện thì bạn nên lấy bản đồ ra và vạch ra những cung đường trên đó rồi lựa chọn tuyến theo lộ trình đã vạch. Miễn sao sau đó bản đồ Hà Nội chằng chịt những nét vẽ. Như vậy tức hình ảnh quảng cáo của bạn đã xuất hiện khắp nơi rồi.
- Vấn đề thiết kế quảng cáo đặc biệt cần được lưu ý. Nó sẽ chỉ thật sự phát huy hiệu quả khi có một mẫu THIẾT KẾ sáng tạo, bắt mắt và đương nhiên hình ảnh phải thật sống động, đột phá và rõ ràng bạn không nên đưa quá nhiều chữ lên trên đó vì xe bus chạy chứ không đứng yên nên sẽ chẳng ai đọc được những thông điệp loằng ngoằng bạn đưa lên đó cả và nếu bắt buộc cần đưa hãy quay trở lại vấn đề thiết kế và bố cục.
3. Quảng cáo trên xe Bus - Ai nhìn?
Toàn bộ người đi đường sẽ nhìn quảng cáo của bạn. Nói điều này vì có nhiều khách hàng nghĩ rằng quảng cáo trên xe Bus thực ra chỉ dành cho người đi xe Bus. Không! Đó là một phần rất nhỏ và không hẳn người đi xe Bus sẽ nhìn thấy hết quảng cáo của bạn. Vì phía có cửa phần diện tích quảng cáo dán bị giới hạn vì không được dán lên cửa. Phần mặt còn lại mới là phần quảng cáo chính.
4. Quảng cáo trên xe Bus - Khi nào?
Bạn có thể triển khai chiến dịch quảng cáo trên xe Bus vào tất cả các thời điểm trong năm nhưng nên đặc biệt tránh tháng 3, 4, 5 vì đó là khoảng thời gian Hà Nội mưa nhiều và quảng cáo rất bẩn.
5. Quy trình quảng cáo?
- Lựa chọn tuyến xe
- Thống nhất báo giá
- Ký kết hợp đồng
- Thanh toán lần 1
- Gửi maquette quảng cáo
- Nhà cung cấp in test màu và làm demo lên xe thật, chuẩn tới từng chi tiết nhỏ
- Xác nhận bản test màu và demo quảng cáo
- Tiến hành thi công hoàn thiện
- Hoàn thiện việc nghiệm thu
6. Những lưu ý quan trọng
- Lựa chọn nhà cung cấp uy tín.
- Kiểm tra xe Bus trong quá trình quảng cáo bất ngờ. Điều này rất quan trọng vì nếu rủi ro bạn lựa chọn phải nhà cung cấp quen thói "ăn gian, làm dối" thì họ sẽ dán đè quảng cáo cho khách hàng khác lên quảng cáo của bạn ngay khi bạn nghiệm thu xong. Ở Hà Nội có những đơn vị vẫn thường làm như vậy. Nên thay vì việc bạn sẽ gọi điện báo cho họ rằng bạn sẽ bay từ HCM ra HN để kiểm tra xe Bus thì bạn hãy tự chủ động đi kiểm tra và đóng vai "người thầm lặng".
- Cách kiểm tra xe Bus: Tới điểm đầu hoặc điểm cuối của mỗi tuyến theo lộ trình xe.
Về cơ bản quảng cáo trên xe Bus giúp tăng nhận diện tốt. Đặc biệt đường phố thì cứ ngày một đông và tắc đường thì ngày một khủng khiếp. Nhưng khách quan mà nói thì bây giờ quảng cáo trên Taxi lại còn tăng nhận diện tốt hơn nữa (thuộc chủ đề khác, mình sẽ viết sau).
Hồi năm 2009 khi làm quảng cáo cho ACB liên tiếp tới 3 năm liền. Cứ sau 1 năm thì chị em ban truyền thông bên đó lại yêu cầu mình gửi bản đánh giá hiệu quả chi tiết nếu không thì sếp sẽ không ký hợp đồng nữa. Thật ra lại quay về câu chuyện đánh giá hiệu quả quảng cáo ngoài trời mà mình đã từng chia sẻ. Hiệu quả quảng cáo ngoài trời thì làm sao đánh giá bằng con số được! Tất cả chỉ là cảm tính. Không riêng ACB mà nhiều đối tác khác cũng vậy, rồi cuối cùng vẫn làm vì đi đâu cũng nhìn thấy quảng cáo mình chốn đấy. Lại chi 2 tỷ rưỡi làm quảng cáo Bus chơi.
Còn sau này, cũng có cách đánh giá: Dựa theo lộ trình tuyến và số lượng người tham gia giao thông trên từng cung đường cộng vào với nhau... Nói chung nó cũng tương đối lắm!