Cần chấn chỉnh vấn nạn "loạn" quảng cáo!
Ngoài những nghi vấn trục lợi thì tình trạng mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn tai nạn giao thông, gây nguy hiểm cho khu vực công cộng… đang là vấn đề đáng lưu tâm do rất nhiều biển quảng cáo ngoài trời gây ra.
Ngoài những nghi vấn trục lợi thì tình trạng mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn tai nạn giao thông, gây nguy hiểm cho khu vực công cộng… đang là vấn đề đáng lưu tâm do rất nhiều bảng quảng cáo ngoài trời gây ra. "Sân chơi" này có vẻ đã rất xô bồ và khá tự do trong tay các doanh nghiệp quảng cáo.
Đây là ngành kinh doanh, mà những gì đang diễn ra cho thấy rất khá khẩm. Trong buổi trả lời báo chí gần đây, đại diện Câu lạc bộ Quảng cáo ngoài trời TPHCM cho biết, tổng ngân sách dành cho quảng cáo tại Việt Nam khoảng 1,5-2 tỉ USD/năm. Trong số này, quảng cáo ngoài trời chiếm khoảng 20%. Một con số rất lớn và nó được minh họa rất bắt mắt bằng những trụ bảng khổng lồ, bằng những mảng tường tòa nhà cao vút… giăng đầy từ sân bay đến bến tàu, từ đại lộ nội đô cho đến đường cao tốc liên tỉnh; đập vào mắt mọi người từ bệnh viện đến trường học…
Đã là kinh doanh thì phải quản lý bằng những công cụ pháp lý về kinh tế. Từ nhiều năm trước, khi tình trạng quảng cáo ngoài trời ồ ạt, về phía cơ quan quản lý nhà nước và cả doanh nghiệp đều muốn các đô thị lớn, trong đó có TPHCM phê duyệt quy hoạch quảng cáo ngoài trời. Thế nhưng, đến nay quy hoạch vẫn chưa có nên doanh nghiệp tự do đặt bảng, ai vi phạm thì chấp nhận phạt, còn cơ quan chức năng thì tiếp tục hứa. Các đô thị lớn của chúng ta đều đang vướng mắc ở vấn đề này, quản lý không theo kịp thực tế đang diễn ra. Những tác hại do quảng cáo vi phạm gây ra đối với đời sống đô thị vẫn chưa được đo đếm hết nên thông thường chỉ được nhắc nhở hoặc xử phạt mà truy không tận hậu quả.
Luật Quảng cáo ra đời đã 20 năm, những vi phạm phổ biến như "Quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội" (Điều 8, khoản 4) là khá phổ biến nhưng để xử phạt, chấn chỉnh vẫn rất sơ sài. Những vi phạm này ra đường là gặp và đã gây ra những tai nạn thực tế, nhưng để chứng minh được sự liên quan trực tiếp và truy được trách nhiệm của những bảng quảng cáo vi phạm là thiên nan, vạn nan.
Trong khi cơ quan quản lý còn lừng khừng với quy hoạch quảng cáo ngoài trời thì "công nghệ" quảng cáo đã phát triển vượt bậc. Từ quảng cáo truyền thống trên pa-nô ngoài trời đã chuyển sang hệ thống đèn chiếu xuống mặt đất ban đêm, ẩn nấp trên các phương tiện công cộng, in xuống bãi đậu xe… Nó nới rộng khoảng cách với cơ chế quản lý thông thường nên có khi quy hoạch vừa ra đời đã lạc hậu. Chúng ta cần những nhà chuyên môn đặc thù mới có thể theo kịp với sự phát triển muôn hình vạn trạng của ngành nghề đặc thù này.
Đây là ngành kinh doanh hợp pháp nên cần phải có cơ chế quản lý chặt chẽ để vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, đồng thời cũng mang về tiền thuế hợp lý, tương xứng với lợi nhuận mà họ thu được. Quan trọng hơn, dù kinh doanh cách gì cũng phải tôn trọng bộ mặt đô thị - vốn là không gian văn hóa của người dân.
Năm 2017, chính quyền Paris (Pháp) quyết định giảm 40% quảng cáo ngoài trời. Điều này sẽ làm giảm nguồn thu thuế nhưng quan điểm của bộ máy quản trị thủ đô là rất kiên quyết: Giảm quảng cáo để trả lại không gian vốn có của thành phố. Kinh nghiệm này đang được phổ biến đến nhiều đô thị khác trên thế giới như một cách bảo vệ không gian chung của người dân.