Tiếp Thị Gia Đình

Thứ tư, 02/08/2023, 10:34 (GMT+7)

Cần xem xét yếu tố văn hóa, lịch sử khi sáp nhập quận Hoàn Kiếm

Quận Hoàn Kiếm là đơn vị hành chính cấp huyện duy nhất của thành phố thuộc diện phải sáp nhập trong giai đoạn 2023-2025.

Tại sao quận Hoàn Kiếm thuộc diện phải sáp nhập?

Nghị quyết 1211/2016 và Nghị quyết 35/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu rõ tiêu chí sắp xếp địa giới hành chính. Đến năm 2025, các tỉnh, thành cần hoàn thành sắp xếp huyện, xã có đồng thời hai tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định; đơn vị cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% quy định; đơn vị cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định.

Theo đó, Hoàn Kiếm là quận duy nhất của Hà Nội phải sáp nhập giai đoạn 2023-2025. Lý giải về điều này, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quận phải có diện tích tối thiểu 35 km2, dân số 150.000. Như vậy, Hoàn Kiếm đủ tiêu chuẩn về dân số nhưng chỉ đạt 15% về diện tích.

2102hoankiem
Một góc Hồ Hoàn Kiếm. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Được biết, Quận Hoàn Kiếm nằm ở trung tâm thủ đô Hà Nội với 18 phường, rộng 5,29 km2, dân số gần 156.000. Đây là quận có diện tích nhỏ nhất Hà Nội. Ngoài Hoàn Kiếm, ba quận lõi còn lại của Hà Nội đều không đạt tiêu chí diện tích. Cụ thể Ba Đình 9,21 km2, Đống Đa 9,95 km2, Hai Bà Trưng 10,26 km2. Tuy nhiên ba quận này có số dân rất cao, lần lượt là hơn 225.000, trên 376.000 và gần 300.000. Một số quận mới cũng có diện tích dưới 35 km2 như Tây Hồ 24,38 km2, Cầu Giấy 12,38 km2, Thanh Xuân 9,17 km2 và Nam Từ Liêm 32,17 km2, nhưng đều có số dân vượt mốc 150.000.

Theo ông Nguyễn Hữu Thành, Phó vụ trưởng Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) cho biết, việc điều chỉnh các quận này phải căn cứ đồng thời hai yếu tố là quy mô dân số và diện tích tự nhiên cùng dưới 70% so với quy định chứ không phải chỉ dựa vào một tiêu chí. Một quận có diện tích đạt dưới 20%, nhưng dân số trên 200% cũng không thuộc diện sáp nhập.

Sáp nhập cần xem xét yếu tố văn hóa, lịch sử

Điều này giúp đảm bảo các yếu tố truyền thống, văn hóa và lịch sử của đơn vị được bảo tồn và phát triển, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc phục vụ cộng đồng tốt hơn.

Trao đổi với phóng viên báo Dân trí, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho biết: “Riêng tên Hoàn Kiếm mang đầy giá trị lịch sử mà không thể đánh mất. Nhắc đến Hà Nội không thể không nhắc đến Hoàn Kiếm, cũng như nhắc tới Việt Nam không thể không nhắc tới Hà Nội. Bởi vậy, Hà Nội không thể mất đi quận Hoàn Kiếm”.

Về giá trị lịch sử, Hoàn Kiếm có hồ Hoàn Kiếm, địa danh có ý nghĩa lịch sử quan trọng của Hà Nội và cả nước. Bên cạnh đó còn có quần thể Tháp Bút, cầu Thê Húc, Đền Ngọc Sơn, tượng đài Lý Thái Tổ… Đó đều là những biểu tượng văn hóa, lịch sử mang đầy ý nghĩa của Thủ đô. Không những thế, quận Hoàn Kiếm còn có 36 phố phường với lịch sử nghìn năm văn hiến và nhiều công trình nổi tiếng như Nhà hát lớn, Nhà thờ lớn…

"Như vậy đủ để thấy Hoàn Kiếm rất đặc biệt, có giá trị lịch sử lớn, bao gồm lịch sử hình thành và phát triển của thủ đô Hà Nội, cũng như giá trị kiến trúc đô thị với những phố cổ nổi tiếng", ông Chính nói.

img_20220321091212

Đồng ý với quan điểm này, chị Hoàng Minh Phương cho rằng: “Quận Hoàn Kiếm là một trong bốn quận đầu tiên của Hà Nội, có lịch sử, văn hóa, truyền thống lâu đời. Tôi sinh ra và lớn lên trong phố cổ, đối với tôi những con phố, di tích, địa danh đều rất thân thương, gần gũi và gắn liền với tuổi thơ. Theo tôi, không nên sáp nhập vì đây là vấn đề lịch sử, truyền thống, không thể chỉ mang diện tích ra để so sánh. Hơn nữa, mật độ dân số và hoạt động kinh tế trong quận Hoàn Kiếm rất lớn, quản lý đã phức tạp rồi, giờ sáp nhập vào đâu cũng gây khó khăn trong quản lý hành chính. Tốt nhất nên để nguyên như cũ".

Hiện tại, thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, xây dựng phương án tổng thể và đề án sắp xếp đáp ứng yêu cầu phù hợp đối với điều kiện thực tế tại địa phương, gồm các yếu tố truyền thống, văn hóa… 

Quyết định cuối cùng về việc sáp nhập các đơn vị hành chính vẫn đang trong quá trình xem xét và chưa được công bố chính thức. 

Cùng chuyên mục