Chủ nhật, 15/09/2024, 13:33 (GMT+7)

Siêu thị cùng các doanh nghiệp bán lẻ nỗ lực ổn định nguồn cung ứng hàng hóa sau bão  

VIÊN VIÊN (Tiếp thị & Gia đình)

Trong những ngày qua, cơn bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh thành miền Bắc Việt Nam, khiến chuỗi cung ứng hàng hóa gặp nhiều gián đoạn siêu thị và các doanh nghiệp bán lẻ đang nỗ lực cung ứng hàng hóa.

Cụ thể trước tình hình này, các doanh nghiệp lớn như siêu thị Saigon Co.op, Central Retail, MM Mega Market, cùng nhiều doanh nghiệp sản xuất thực phẩm tại TP.HCM đã huy động mọi nguồn lực nhằm tiếp ứng hàng hóa, giúp đỡ đồng bào vùng bão. Đặc biệt, các doanh nghiệp đã cam kết giữ nguyên giá bán hàng hóa như trước khi xảy ra bão lũ, bất chấp mọi khó khăn về vận chuyển.

Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) đã nhanh chóng triển khai chương trình “Hàng hóa không lợi nhuận dành cho bà con, các tổ chức cứu trợ vùng lũ”.

Ngoài ra, để tạo điều kiện cho các cá nhân và tổ chức thực hiện công tác thiện nguyện, Saigon Co.op đã chuẩn bị sẵn các phần đồ ăn nhanh đầy đủ dinh dưỡng và túi chăm sóc cá nhân, với mức giá từ 30.000 đồng đến 100.000 đồng/phần. Các sản phẩm này được ép chân không để dễ vận chuyển và bảo quản, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm khi đến tay người dùng. Ngoài ra, Saigon Co.op còn hỗ trợ giao hàng đến tận nơi theo yêu cầu.

Co.opmart hỗ trợ so??
Co.opmart gấp rút chuẩn bị hàng hóa hỗ trợ người dân vùng lũ.

Giá cả của các mặt hàng thiết yếu tại hơn 800 điểm bán của Saigon Co.op trên toàn quốc đều được giữ ổn định, với sự phối hợp của các đối tác kinh doanh. Tại miền Bắc, đơn vị này đã chủ động làm việc với các hợp tác xã và nhà vườn tại những vùng bị ảnh hưởng nặng nhất để hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Điển hình, Saigon Co.op đã hỗ trợ tiêu thụ 3,5 tấn chuối viba từ Hưng Yên và Hòa Bình, bán với giá không lợi nhuận chỉ 24.900 đồng/kg.

Trước tình hình bão lũ gây gián đoạn chuỗi cung ứng, siêu thị Saigon Co.op đã nhanh chóng tập trung nguồn lực để đảm bảo tiếp ứng hàng hóa cho các tỉnh thành bị ảnh hưởng. Trung tâm phân phối miền Bắc của Saigon Co.op tại Bắc Ninh được đặt trong trạng thái hoạt động 24/24, với lượng hàng dự trữ tăng gấp ba lần so với ngày thường. Đồng thời, số lượng xe vận chuyển hàng hóa cũng được điều phối tăng gấp ba lần, bao gồm cả xe tải nhẹ để dễ dàng di chuyển qua những tuyến đường ngập lụt.

Saigon Co.op cũng đã phối hợp với các nhà cung ứng tại miền Nam để tăng cường lượng rau củ quả và thực phẩm tươi sống, với hơn 200 tấn nông sản được đặt hàng từ các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và miền Tây Nam Bộ. Các mặt hàng này sẽ được vận chuyển liên tục từ Nam ra Bắc, đảm bảo nguồn cung đầy đủ cho người dân trong thời điểm khó khăn.

Không chỉ đảm bảo nguồn cung, Saigon Co.op còn dành riêng sảnh siêu thị tại các địa phương như Bắc Giang, Phú Thọ, và Hải Phòng để người dân đến sạc điện thoại và sử dụng nước uống miễn phí. Đặc biệt, hệ thống Co.opmart tại các khu vực này đã mở cửa đón người dân đến trú tránh bão lũ. Chương trình “Co.op Cares” đã trao tặng 1.000 phần quà bao gồm các nhu yếu phẩm như nước uống, thịt hộp, bánh ngọt và sữa cho những hộ gia đình khó khăn.

Ngoài ra, Saigon Co.op cũng phối hợp với Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam để vận chuyển hàng hóa đến các địa phương bị thiệt hại do mưa lũ và sạt lở. Các nhân viên của hệ thống siêu thị này đã sẵn sàng cùng chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể tham gia các chuyến cứu trợ, đảm bảo người dân có thể nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

anh 2(1)
Nhà thuốc FPT Long Châu sẽ chuyển 10 tấn thuốc, tương đương 2,5 tỷ đồng đến bà con vùng lũ.

Không chỉ riêng Saigon Co.op, các hệ thống bán lẻ khác như Central Retail Việt Nam (chủ sở hữu của GO!, Big C) và MM Mega Market cũng đang nỗ lực cao độ để đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa cho người dân vùng bão. Central Retail cam kết giữ nguyên giá bán như trước khi xảy ra bão lũ và đã tăng cường lượng hàng đông lạnh để đáp ứng nhu cầu tăng cao của khách hàng. Đối với các mặt hàng tươi sống như thịt, cá và thủy sản, đơn vị này cũng đang phối hợp với các nhà cung cấp để đảm bảo giao hàng đầy đủ.

MM Mega Market đã tăng cường các chuyến xe vận chuyển rau củ quả từ Bình Dương và Lâm Đồng đến Hà Nội mỗi ngày, với cam kết không tăng giá các mặt hàng thiết yếu. Hệ thống này cũng đang tích cực dự trữ nguồn hàng để đối phó với những gián đoạn có thể xảy ra trong tương lai.

Các doanh nghiệp bán lẻ khác như Nhà thuốc FPT Long Châu đã nhanh chóng điều động gần 2 tấn thuốc (trong kế hoạch 10 tấn, tương đương 2,5 tỷ đồng), nhằm hỗ trợ người dân chăm sóc sức khoẻ, ứng phó với những căn bệnh nguy cơ trong mùa mưa lũ. Đặc biệt là thuốc cảm cúm, tiêu chảy, bệnh ngoài da.

Cùng chuyên mục