Phiên 18/3/2024: VN-Index sập sàn, thanh khoản kỷ lục
Sau 1 giờ đầu tuần giao dịch đầy hứng khởi, đến 10h sáng nay 18/3, VN-Index bất ngờ đảo chiều giảm mạnh 30 điểm chỉ trong vài phút, kéo theo một số mã chứng khoán giảm sàn.
Đến 11h08, sàn TPHCM HoSE mất hơn 45 điểm và chỉ còn 50 mã tăng giá và hơn 400 mã giảm giá. Nhiều mã đang trong đà tăng đã quay đầu giảm giá về mức sàn. Sau khoảng 5 phút mất điểm mạnh, đến khoảng 11h15, thị trường có dấu hiệu bình ổn hơn, đà giảm chững lại và cả phiên chiều cũng giao dịch trong tình thế đỡ tiêu cực hơn. Các mã cổ phiếu trụ đã phát tín hiệu đỡ thị trường. Ở nhóm 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường VN30, dù chỉ có 2 mã tăng giá nhưng 1 trong 2 mã đó là VRE (Vinhome Retail) đã kịp tăng trần với khối lượng giao dịch gần 7,2 triệu cổ phiếu.
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần quá nhiều biến cố, VN-Index chỉ còn giảm 20,22 điểm tương đương 1,6%, về mức 1.243,56 điểm. Số mã tăng đã được gấp đôi so với thời điểm xuống thấp nhất (11h08) với 103 mã tăng, xấp xỉ 1/4 số mã giảm (407 mã), nhưng số mã tăng trần chỉ ít hơn số mã giảm sàn 1 mã (6 mã tăng trần và 7 mã giảm sàn).
Đáng chú ý nhất là phiên này thanh khoản trên HoSE đã lập kỷ lục mới với hơn 43.000 tỷ đồng được giao dịch, tương đương hơn 1,7 tỷ cổ phiếu trao tay. Đây là con số thanh khoản cao chưa từng có ở thị trường chứng khoán Việt Nam. Nó cho thấy khả năng hấp thụ của thị trường rất mạnh, đồng nghĩa với việc năng lực phát triển của thị trường còn rất lớn.
Hai sàn HNX và UPCoM cũng mất lần lượt 1,19% và 1,13% với thanh khoản lần lượt là hơn 3.900 tỷ đồng và gần 888 tỷ đồng. HNX-Index còn 236,68 điểm và UPCoM-Index còn 90,31 điểm.
Nhiều ý kiến cho rằng chỉ số đột ngột sụt giảm mạnh là do thông tin xấu được lan truyền về vấn đề thay đổi nhân sự cấp cao. Tuy nhiên, các chuyên gia chứng khoán nhận định đây là diễn biến rất phi lý, vì tin xấu chưa xác thực đó - nếu có - cũng không liên quan gì đến thị trường.
Ở một khía cạnh khác, có những phân tích chỉ ra, tin xấu chỉ là "giọt nước tràn ly", còn trên thực tế, thị trường suốt 4 tháng qua tăng nhẹ hoặc giảm nhẹ nhưng đa phần theo chiều hướng đi lên, trong khi kinh tế vĩ mô chưa có dấu hiệu tích cực. Hai tháng đầu năm 2024, có tới 63.000 doanh nghiệprút lui khỏi thị trường, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước; trong khi đó, đến ngày 29/02/2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Do đó, chưa có nền tảng chắc chắn để thị trường chứng khoán có thể hồi phục mạnh mẽ.
Trong diễn biến của thị trường chứng khoán hôm nay, có lẽ "5 dòng kẻ" (từ gọi vui bảng nhận định thị trường của 5 công ty chứng khoán lớn) vẫn giữ được uy tín...ngược: cứ nhận định tích cực thì thị trường diễn biến tiêu cực và ngược lại. Hôm qua, "5 dòng kẻ" đã thống nhất nhận định phiên 18/3 là "tích cực"./.