Thứ bảy, 01/02/2025, 15:02 (GMT+7)

Những điều cần lưu ý khi lái xe để có chuyến du xuân thuận lợi, tránh bị phạt kẻo 'dông' cả năm

Để những chuyến du xuân đầu năm thuận lợi, hanh thông, bạn cần chú ý những điều dưới đây để tránh những va chạm hoặc bị cảnh sát giao thông (CSGT) xử phạt.

Theo quan niệm, những ngày đầu xuân năm mới nếu không may xảy ra va chạm hoặc bị cảnh sát giao thông xử phạt, đặc biệt là tạm giữ phương tiện sẽ gặp xui xẻo cả năm. Dù quan niệm này có đúng hay không, nhưng rõ ràng khi bị xử phạt với số tiền lớn, thậm chí còn có thể bị tạm giữ xe, tước bằng lái,... sẽ khiến hành trình đi chơi Tết, du xuân bớt vui phần nào.

Để những chuyến du xuân đầu năm thuận lợi, hanh thông, bạn cần chú ý những điều dưới đây để tránh những va chạm hoặc bị cảnh sát giao thông xử phạt.

"Dính" nồng độ cồn

Trong dịp đầu xuân năm mới, mọi người thường có thói quen mời nhau chén rượu, ly bia khi đến chúc Tết hoặc trong những bữa cơm đoàn tụ. Tuy nhiên, nếu bạn phải lái xe sau đó, hãy "nói không" với bia rượu để đảm bảo an toàn cho bản thân và tránh bị cảnh sát giao thông xử phạt nặng.

Cảnh sát giao thông xử lý 30.491 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong 10 ngày | Vietnam+ (VietnamPlus)

Theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tài xế lái ô tô có thể bị phạt tối đa 40 triệu đồng, và người điều khiển xe máy có thể bị phạt đến 10 triệu đồng nếu bị phát hiện có nồng độ cồn trong hơi thở hoặc máu.

Ngoài ra, tài xế có thể bị trừ 4-10 điểm và cao nhất là tước giấy phép lái xe đến 24 tháng. Dù vi phạm ở bất kỳ mức độ nào, bạn cũng sẽ bị tạm giữ phương tiện ngay lập tức.

Rõ ràng, việc bị giữ phương tiện, tước bằng lái và bị phạt hàng chục triệu đồng trong dịp đầu xuân là điều không ai mong muốn. Do đó, hãy cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định nâng chén rượu hay cốc bia trong những ngày Tết.

Vượt đèn đỏ

Trong những ngày Tết, với suy nghĩ là ít có cảnh sát giao thông trực, nhiều lái xe thường "nhìn trước ngó sau" rồi vượt đèn đỏ. Hành vi này tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông và có thể bị xử lý rất nặng theo Nghị định 168, bắt đầu áp dụng từ ngày 1/1/2025.

Cụ thể, việc "Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông" sẽ bị phạt từ 18-22 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô và từ 4-6 triệu đồng đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy. Đồng thời, tài xế vi phạm sẽ bị trừ 4 điểm trên giấy phép lái xe.

Mức phạt này rất nghiêm khắc, đủ để các tài xế phải chú ý và tuân thủ tuyệt đối theo tín hiệu đèn.

Chạy quá tốc độ

Trong những ngày Tết, đường sá thường vắng vẻ khiến nhiều người có xu hướng lái xe nhanh hơn. Tuy nhiên, lái xe quá tốc độ khiến bạn khó xử lý trong các tình huống bất ngờ, đồng thời tăng nguy cơ tai nạn giao thông. Hành vi này cũng là một lỗi phổ biến và thường bị lực lượng cảnh sát giao thông xử lý.

Theo Nghị định 168, việc vượt quá tốc độ đối với ô tô có thể bị phạt từ 800 nghìn đồng đến 14 triệu đồng, tùy theo mức độ vi phạm. Đối với mô tô, xe gắn máy, mức phạt dao động từ 400 nghìn đến 8 triệu đồng. Người vi phạm còn có thể bị trừ từ 2-6 điểm trên giấy phép lái xe.

Dùng tay sử dụng điện thoại khi lái xe

Khi lái xe, việc sử dụng điện thoại bằng tay sẽ làm phân tán khả năng tập trung và gây mất an toàn giao thông. Thực tế, nhiều tai nạn giao thông xảy ra do tài xế mải nhìn và sử dụng điện thoại.

Từ ngày 1/1/2025, nếu cảnh sát giao thông phát hiện bạn đang dùng tay sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khi lái xe, mức phạt sẽ rất nghiêm khắc.

Cụ thể, Nghị định 168 quy định rằng hành vi "dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc thiết bị điện tử khi đang lái xe" sẽ bị phạt từ 4-6 triệu đồng đối với ô tô và từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng đối với xe máy. Đồng thời, người vi phạm sẽ bị trừ 4 điểm trên giấy phép lái xe.

Lưu ý về lỗi sử dụng điện thoại khi đang lái xe năm 2025

Đi sai làn đường, phần đường

Nhiều tài xế không chú ý biển báo hoặc đi đường lạ rất dễ mắc lỗi sai làn đường. Lỗi này xảy ra khi phương tiện bạn đang điều khiển đi vào làn đường dành cho phương tiện khác, chẳng hạn như ô tô con di chuyển vào làn đường dành riêng cho xe máy.

Theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP, lỗi đi sai làn đường đối với ô tô sẽ bị phạt từ 4-6 triệu đồng và bị trừ 2 điểm trên giấy phép lái xe. Nếu gây ra tai nạn giao thông, mức phạt sẽ tăng lên từ 20-22 triệu đồng và bị trừ 10 điểm trên giấy phép lái xe.

Đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy đi sai làn đường sẽ bị phạt từ 600-800 nghìn đồng. Nếu vi phạm gây tai nạn giao thông, mức phạt sẽ tăng lên từ 10-14 triệu đồng và bị trừ 10 điểm trên giấy phép lái xe.

Không thắt dây an toàn

Dây an toàn có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo đảm an toàn tính mạng cho tài xế và tất cả người ngồi trên xe trong những tình huống phanh gấp hoặc va chạm. Tuy nhiên, nhiều người trên xe, kể cả tài xế, thường không thắt dây an toàn vì nhiều lý do khác nhau.

Theo Nghị định 168, nếu tài xế không thắt dây đai an toàn khi điều khiển xe trên đường hoặc chở người trên xe ô tô không thắt dây đai an toàn tại vị trí có trang bị dây đai, sẽ bị phạt từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng. Đối với người được chở trên xe ô tô không thắt dây đai an toàn, mức phạt là từ 350-400 nghìn đồng.

Ngoài việc tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, dù hành trình ngắn hay dài, việc đảm bảo tình trạng kỹ thuật và kiểm tra xe trước khi khởi hành là rất quan trọng. Theo các chuyên gia, chỉ cần dành khoảng 1 phút để kiểm tra quanh xe ô tô, bạn có thể có một chuyến du xuân an toàn hơn. Các bộ phận có thể kiểm tra bằng mắt thường như: lốp xe có đủ hơi không, nước làm mát còn đủ không, hệ thống đèn, còi có hoạt động tốt không,... đồng thời mang đầy đủ giấy tờ theo quy định.

Cùng chuyên mục