Thứ sáu, 24/01/2025, 10:25 (GMT+7)

Những cơ sở, bệnh viện nào đủ điều kiện để thực hiện thụ tinh ống nghiệm?

Sở Y tế TP.HCM vừa tiến hành kiểm tra Bệnh viện Hỗ trợ sinh sản và Nam học Sài Gòn, thuộc Công ty Cổ phần Bệnh viện Việt Phúc Sài Gòn, tại địa chỉ số 87 Lý Chiêu Hoàng, phường 10, quận 6. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện bệnh viện đã thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm dù chưa được Bộ Y tế phê duyệt danh mục kỹ thuật.

Theo Sở Y tế, Bệnh viện Hỗ trợ sinh sản và Nam học Sài Gòn được Bộ Y tế cấp giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh từ ngày 8/3/2024 với hình thức tổ chức là bệnh viện chuyên khoa.

Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật là bác sĩ H.C.C. Đến ngày 31/5/2024, Bộ Y tế ban hành quyết định công nhận bệnh viện được phép thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên, bệnh viện vẫn chưa được phê duyệt danh mục kỹ thuật liên quan đến kỹ thuật này theo quy định.

Quá trình kiểm tra, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phát hiện nhiều vi phạm nghiêm trọng về quy định, cụ thể: Bệnh viện tiến hành các kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm khi chưa được Bộ Y tế phê duyệt danh mục kỹ thuật. Bệnh viện chưa thực hiện thủ tục tự công bố đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cho phòng xét nghiệm theo quy định.

Ngoài ra, các nhân viên tham gia khám, chữa bệnh tại đây chưa được đăng ký hành nghề đầy đủ và hoạt động không đúng thời gian đã đăng ký. Bệnh viện đăng tải nội dung quảng cáo mà chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2101
Bệnh viện Hỗ trợ sinh sản và Nam học Sài Gòn.

Thanh tra Sở Y tế đã yêu cầu Bệnh viện Hỗ trợ sinh sản và Nam học Sài Gòn ngừng ngay việc thực hiện các kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm cũng như các nội dung quảng cáo sai quy định. Đồng thời, cơ quan này sẽ tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.

Hành động của bệnh viện không chỉ vi phạm nghiêm trọng các quy định của ngành y tế mà còn gây nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và quyền lợi của người bệnh. Các biện pháp xử lý mạnh tay từ cơ quan chức năng là cần thiết để đảm bảo an toàn trong hoạt động y tế.

Trước đó, Bộ Y tế cũng công bố dự thảo Nghị định quy định về việc sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Theo đó, các cơ sở y tế được phép thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm bao gồm: bệnh viện chuyên khoa phụ sản, sản - nhi; bệnh viện đa khoa có khoa sản; và bệnh viện chuyên khoa nam học, hiếm muộn.

Để thực hiện kỹ thuật này, cơ sở y tế phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe về cơ sở vật chất. Bao gồm phòng hồi sức cấp cứu, các phòng chuyên biệt cho thụ tinh ống nghiệm như phòng chọc hút noãn, lab nuôi cấy và phòng xét nghiệm lọc rửa tinh trùng theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Trang thiết bị y tế cũng phải đảm bảo tối thiểu như: tủ cấy CO2, tủ ấm, bình trữ phôi, máy siêu âm đầu dò âm đạo, kính hiển vi đảo ngược và các thiết bị chuyên dụng khác. Nhân sự phải có ít nhất 2 bác sĩ và 2 cán bộ được đào tạo chuyên sâu về thụ tinh trong ống nghiệm, với kinh nghiệm thực hành tối thiểu 20 chu kỳ điều trị vô sinh.

Thẩm quyền công nhận cơ sở thực hiện kỹ thuật này thuộc về Bộ Y tế đối với các bệnh viện trung ương và tư nhân đến hết năm 2026. Sau đó, từ năm 2027, các cơ sở y tế tư nhân sẽ do cơ quan y tế cấp tỉnh quản lý. Các cơ sở thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an được công nhận theo thẩm quyền riêng.

Danh mục kỹ thuật hỗ trợ sinh sản sẽ được cấp cùng quyết định công nhận cơ sở y tế, trừ các phương pháp mới phải tuân theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Quyết định này chỉ cấp một lần nếu cơ sở đáp ứng đầy đủ điều kiện.

Theo Nghị định 117/2020, các tổ chức, cá nhân chỉ định hoặc hướng dẫn sử dụng thuốc, áp dụng phương pháp nhằm lựa chọn giới tính thai nhi sẽ bị phạt 15-20 triệu đồng. Đối với cơ sở y tế và nhân viên y tế vi phạm, hình phạt có thể bao gồm đình chỉ hoạt động hoặc tước quyền sử dụng giấy phép hành nghề tối đa 3 tháng. Bộ Y tế cho biết, Việt Nam bắt đầu ghi nhận tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh từ năm 2006, với tỷ số từ năm 2012 luôn vượt ngưỡng tự nhiên (104-106 bé trai/100 bé gái), duy trì mức trên 112 bé trai/100 bé gái.

Nếu không kiểm soát, tình trạng này sẽ gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho cơ cấu giới tính và xã hội. Cụ thể, sự mất cân bằng sẽ tạo áp lực lớn đối với nam giới trong việc kết hôn khi "chú rể nhiều hơn cô dâu". Theo tính toán, đến năm 2050, khoảng 2,3-4,3 triệu nam thanh niên Việt Nam có thể không tìm được vợ trong nước, dẫn đến các hệ quả tiêu cực như gia tăng bạo lực giới, nạn buôn người, mại dâm, và bất ổn kinh tế, xã hội. Nguyên nhân chính bao gồm tâm lý ưa chuộng con trai, tư tưởng nho giáo, cùng sự phát triển của công nghệ hỗ trợ lựa chọn giới tính trước sinh.

Bộ Y tế nhấn mạnh rằng việc kiểm tra, xử lý hành vi lựa chọn giới tính thai nhi vẫn chưa được thực hiện đủ mạnh. Cơ quan này đang hoàn thiện dự thảo Luật Dân số, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 vào năm 2025, nhằm tăng cường các biện pháp kiểm soát và xử lý vấn đề này, đảm bảo sự phát triển bền vững về nhân khẩu học.

Cùng chuyên mục