Người phụ nữ Hà thành chia sẻ kinh nghiệm làm vườn sân thượng
(Tiepthigiadinh) - Làm vườn sân thượng là liều thuốc giúp vợ chồng chị Lệ thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng. Gia đình nhỏ có rau sạch, quả tươi để ăn, con có không gian để chơi đùa, trải nghiệm làm vườn.
Trên sân thượng gần 70 m2 của ngôi nhà ở huyện Đông Anh, vợ chồng chị Lệ dành hơn 50m2 làm vườn, phần còn lại làm mái lấy nắng. Trên vườn, chị Lệ trồng các loại rau ăn lá như cải, mồng tơi, su hào, bắp cải và cây leo giàn như bầu, bí, mướp đắng, cà chua. Ngoài ra, vườn có một số cây lâu năm như chanh, quất, sung Mỹ, táo...
Trước khi vườn hình thành, chồng chị cùng thợ lật hết gạch lát để làm hệ thống chống thấm và thoát nước, tăng độ bền cho ngôi nhà. Sân thượng tầng ba đã làm nhà lưới kín xung quanh nên không có chỗ triển khai ròng rọc, kéo đất từ dưới lên. Suốt một tuần, vợ chồng chị dùng cầu thang bộ, vác 200 bao đất có sẵn, 150 bao đất trộn và 20 thùng đất đựng trong vỏ thùng sơn 20 lít, lên làm vườn.
"Làm vườn, khâu trộn, ủ đất là quan trọng nhất", người phụ nữ 38 tuổi, làm trong ngành xuất nhập khẩu chia sẻ. Công thức trộn đất của chị Lệ là 50% đất thịt, 30% tạo xốp (gồm tro, trấu, xơ dừa, mùn cưa...) và 20% các loại phân.
Chị thường xin rau hỏng ngoài chợ về băm nhỏ, trộn với vỏ trứng, trấu, phân dê, chuối, đỗ tương xay, trộn đều, tưới nước pha Trichodema, ủ kín 15 ngày, sau đó mở 5-7 ngày cho hả hơi rồi dùng trồng cây. Với cách ủ này, cây trong hai tháng đầu tiên gần như không cần bón thúc.
Chỉ cần trộn đất theo công thức trên, thêm nhiều vỏ trứng, cây mướp đắng trên vườn sân thượng phát triển tốt. Theo chị Lệ, đây là loại cây thuộc nhóm rất dễ trồng nhất. Mướp đắng lớn, chị hạ thân cho bò quanh chậu vài vòng, đợi già thân, ra rễ phụ rồi lấp đất lên phần đó, để cho cây leo bình thường. Cây ăn nhiều phân nên chị bón định kỳ tuần một lần, thỉnh thoảng vùi vài quả chuối dưới gốc cây để tăng cường dinh dưỡng.
Mướp ăn không kịp, chín vàng, chị Lệ ép cùng với dứa để uống. Mùi thơm, ngọt của dứa át được vị đắng của mướp nên vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe.
Với kinh nghiệm làm vườn sân thượng lâu năm, chị Lệ đã trồng qua nhiều loại cà chua bi. Chủ vườn ưng nhất là giống cà chua bạch tuộc bi vì ngọt, không rụng cuống. Các loại khác như Nova dễ rụng, Yasik hay nứt, sungold không ngọt và cũng hay nứt, cherry dâu hơi khô, ruột rỗng.
Những chậu su hào xanh mướt làm chị Lệ nhớ đến giai đoạn đầu làm vườn thường bị chuột cắn nát củ. Chị dùng bả sinh học bẫy, chúng chết khắp sàn. Về sau, chị ngâm thuốc lào, bia, listerin, dầu neem, tinh dầu cam, nước vôi phun phòng sâu bệnh, chuột cũng ít đến hẳn.
Cây chanh được trồng trong chậu 90l cứ đến tháng 11-12 dương lịch cho thu hoạch cả trăm quả. Sau thu hoạch, chị Lệ cắt hết nhánh tăm, chỉ để nhánh chính, đếm được 5 nách lá thì cắt ngọn.
Đồng thời, chị dừng tưới nước khoảng 10-15 ngày, xới đất cho chạm rễ rồi bón thúc, tưới nước kích rễ đâm đọt. Từ đó, cứ 10 ngày chị bón phân một lần, tới khi thấy nụ thì tưới hãm lại. Cây được bổ sung thêm dịch chuối bia tự ủ, tưới canxibo. Hoa trổ bông xong chị mới tiếp tục bón thúc.
"Ông bà ta có câu 'mít chạm cành, chanh chạm rễ', có nghĩa mít không ra quả thì chặt cành, chanh không ra quả thì lấy bay hoặc con dao, cách gốc 15- 20cm, chọc xới đất lên, đứt rễ nhỏ. Xong là xới phần đó lên, bón phân, phủ đất vào", chị Lệ chia sẻ kinh nghiệm.
Làm vườn sân thượng là liều thuốc giúp vợ chồng chị Lệ thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng. Gia đình nhỏ cũng có rau sạch, quả tươi để ăn, con có không gian để chơi đùa, trải nghiệm làm vườn. "Điều đặc biệt nữa là tôi ngày càng được trau dồi nhiều kiến thức về cây cỏ, nông nghiệp. Hưởng lợi từ vườn, tôi thấy cuộc sống có ý nghĩa vô cùng", chị nói.