Nên đặt máy giặt trong nhà tắm không?
Vị trí đặt máy giặt không phù hợp cũng có thể khiến máy giặt hoạt động kém hiệu quả và suy giảm tuổi thọ đáng.
Phòng tắm là nơi đặt các đường ống dẫn và thoát nước nên nhiều gia đình thường đặt máy giặt tại đây để thuận tiện cho việc lắp đặt cũng như hoạt động của thiết bị. Đặt máy giặt trong phòng tắm cũng giúp tiết kiệm diện tích với những hộ gia đình nhỏ và tiện lợi để thu gom quần áo bẩn. Đặt như vậy có đúng hay không?
Nên đặt máy giặt trong phòng tắm không?
Nhiều chuyên gia khuyên người tiêu dùng không nên đặt máy giặt trong phòng tắm. Máy giặt là thiết bị điện, gồm nhiều động cơ đặt bên dưới và bảng mạch điện tử phía trên. Những bộ phận này đều dễ bị hoen gỉ, bị phá hủy, ăn mòn khi tiếp xúc với hơi nước trong môi trường có độ ẩm cao.
Mà phòng tắm là nơi thường xuyên ẩm ướt nên khi đặt máy giặt ở đây dễ khiến giảm đi năng suất hoạt động và giảm tuổi thọ của thiết bị. Một số chức năng của máy giật có thể bị hư hỏng, tê liệt hoặc bị loạn chế độ điều khiển đã cài đặt, gây khó khăn trong việc giặt giũ. Điều này càng nguy hiểm hơn với các loại máy giặt không được lắp đặt và chống nước đúng cách, sẽ rất dễ bị rò rỉ điện, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra chập, cháy nguy hiểm.
Ngoài ra, nếu đặt máy giặt trong phòng tắm, sự tiếp xúc liên tục với độ ẩm và hơi nước sẽ tạo môi trường thuận lợi cho nấm mốc phát triển trên bề mặt, xung quanh và đặc biệt là trong lồng giặt. Điều này khiến quần áo giặt không sạch, có mùi khó chịu, dễ gây các bệnh lý về da và đường hô hấp. Người sử dụng cũng mất công sức cọ rửa, vệ sinh làm sạch máy giặt thường xuyên hơn.
Vì thế, câu trả lời là bạn không nên đặt máy giặt trong phòng tắm, vì đây là nơi có nhiều độ ẩm nhất trong ngôi nhà, dễ gây hỏng máy và làm ảnh hưởng đến chất lượng đồ giặt.
Lưu ý khi đặt máy giặt trong phòng tắm
Nếu bắt buộc phải đặt máy giặt trong phòng tắm, bạn cần chú ý một số vấn đề sau:
Đảm bảo an toàn điện
Người dùng cần lắp đặt và kết nối điện cho máy giặt theo hướng dẫn của nhà sản xuất và tuân thủ các quy định về an toàn điện. Phải đảm bảo rằng các ổ cắm và mạch điện lắp đặt trên cao và được chống nước đúng cách để tránh bị nước dính vào. Đặc biệt là cần lắp dây tiếp đất đề phòng hở điện.
Không sử dụng chung ô cắm của máy giặt với các thiết bị điện khác để tránh tình trạng quá tải điện năng, và việc rút - cắm máy giặt không làm ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của các thiết bị điện khác. Nếu người lắp đặt không có kinh nghiệm, hãy thuê một chuyên gia hoặc kỹ thuật viên để đảm bảo việc lắp đặt được thực hiện đúng cách.
Tạo giá đỡ cho máy giặt
Nên đặt máy giặt trên giá đỡ, chân giá đỡ cao, nặng, chắc, có bọc cao su, vừa giảm rung, vừa cách ly máy giặt với nước trên sàn phòng tắm để đảm bảo độ bền và khả năng hoạt động của máy.
Nếu có diện tích trong phòng tắm, bạn nên ngăn cách nơi tắm và nơi để máy giặt. Lắp tủ, dụng cụ che chắn hoặc dùng áo trùm cho máy giặt để tránh nước văng, hơi ẩm cùng một số va đập gây trầy xước trên thân máy từ các hoạt động diễn ra trong phòng tắm.
Thông gió và thoát hơi tốt cho phòng tắm
Để hạn chế ẩm ướt và nấm mốc phát triển trong phòng tắm, các gia đình có thể xây cửa sổ, lắp đặt quạt thông gió hoặc hệ thống thoát hơi để đảm bảo phòng tắm luôn thông thoáng, giảm ảnh hưởng đến máy giặt và môi trường xung quanh.
Kiểm tra chống tràn và thoát nước
Không nên để nước thải từ máy giặt chảy trực tiếp ra sàn phòng tắm. Việc làm này vừa gây mất thẩm mỹ, vừa gây mất vệ sinh. Vì vậy, máy giặt cần được kết nối đúng cách với hệ thống thoát nước và có chế độ chống tràn tốt, tránh vi khuẩn xâm nhập từ nước thải vào máy giặt sinh bệnh, nấm mốc.
Duy trì vệ sinh sạch sẽ
Vì máy giặt đặt trong phòng tắm, nên việc đảm bảo vệ sinh sạch sẽ máy giặt và phòng tắm vô cùng quan trọng. Cần kiểm tra và làm sạch máy giặt thường xuyên để loại bỏ bụi, mảnh vụn vải và các cặn bẩn khác. Phòng tắm cũng phải được vệ sinh thường xuyên để ngăn chặn sự phát triển của nấm mốc và vi khuẩn.