Để quần áo trong máy giặt quá lâu có sao không?
Nếu bạn vô tình quên và để quần áo trong máy giặt quá lâu thì nên chú ý đến một số biện pháp xử lý ngay sau đó bởi chúng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại.
Thời gian “an toàn” để quẩn áo trong máy sau khi giặt
Sau khi giặt quần áo xong, bạn nên lấy quần áo ra khỏi máy giặt và phơi khô càng sớm càng tốt. Chưa có quy tắc cụ thể nào về thời gian chính xác có thể để quần áo đã giặt trong máy bao lâu. Tuy nhiên, chuyên gia Lucinda Ottush từ Viện Khoa học vải Whirlpool, Mỹ cho rằng, 8-12 tiếng được cho là khoảng thời gian "an toàn" để quần áo giữ được mùi hương. Sau đó, chúng bắt đầu có mùi, thường là dấu hiệu của sự phát triển nấm mốc.
Một số chuyên gia khác cũng đồng tình với ý kiến này. Khi để quần áo trong máy giặt quá lâu, dù có sấy khô hay đem phơi nắng quần áo thì cũng khó để loại bỏ mùi hôi khó chịu này.
Làm gì khi để quần áo trong máy giặt quá lâu?
Do đó, khi lấy đồ ra khỏi máy giặt và không thể xác định được thời gian đã ngâm đồ bao lâu, bạn hãy thử ngửi chúng để biết được quần áo có mùi mốc hay không và để kịp xử lí.
Nếu quần áo vẫn chưa xuất hiện mùi khó chịu thì bạn có thể phơi chúng trên dây phơi. Dây phơi giúp duy trì chất lượng quần áo của bạn tốt hơn so với máy sấy. So với sử dụng máy sấy, phơi đồ trên dây sẽ tránh làm hỏng các sợi vải. Còn khi sấy, quần áo sẽ bị đảo lộn, cọ xát vào nhau và vào lồng máy giặt, khiến các sợi vải bị đứt.
Trong trường hợp quần áo đã bốc mùi khó chịu, bạn phải cho đồ vào máy và giặt tiếp một lần nữa để loại bỏ mùi hôi và xử lý riêng những vết ẩm mốc trên quần áo (nếu có). Nhớ đặt đồng hồ nhắc nhở để phơi quần áo kịp thời sau khi giặt.
Quần áo quá lâu trong máy giặt có tác hại gì?
Gây mùi khó chịu và làm hư tổn quần áo
Khi quần áo ẩm, vi khuẩn có thể bắt đầu phân giải chất hữu cơ có trong quần áo như mồ hôi, dầu mỡ, bụi bẩn... Quá trình này gây ra một số hợp chất hóa học như axit béo và amin tạo ra mùi hôi khó chịu.
Quần áo ẩm ướt trong môi trường bí là nơi lý tưởng để vi khuẩn và các tác nhân gây hại khác hình thành và phát triển nhanh chóng. Quần áo dễ xuất hiện những đốm chấm mốc mất vệ sinh, mất thẩm mỹ khi để đồ trong máy giặt qua đêm. Vi khuẩn trú ngụ hay vết mốc đều là những nguồn ô nhiễm làm phát sinh mùi có chịu trên quần áo.
Tình trạng này diễn ra thường xuyên sẽ làm ảnh hưởng đến sợi vải như sợi vải rất dễ bị mục, rách và không còn giữ được độ đàn hồi ban đầu. Ngoài ra quần áo cũng dễ hình thành nếp gấp, nhăn nhúm sau thời gian dài để trong máy giặt. Vì thế sau khi giặt xong, bạn phải mất thêm nhiều thời gian hơn cho việc ủi đồ.
Khi bạn sử dụng nước giặt, xả để tăng mùi thơm cho quần áo thì hiệu quả mang lại cũng bị giảm sút bởi mùi hôi đã bám quá sâu vào sợi vải. Thậm chí quần áo còn bị lẫn giữa mùi ấm và mùi nước giặt, xả lại càng khó chịu hơn.
Ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng
Để quần áo lâu trong máy giặt sẽ làm cho vi khuẩn, nấm mốc hình thành và bám chặt vào đồ dùng vả cả lồng giặt. Việc này không chỉ gây hư tổn sợi vải mà còn gây hại cho sức khỏe người dùng.
Mặc dù đã được giặt sạch lại nhưng những tác nhân gây hại vẫn có thể xâm nhập vào cơ thể bạn và gây ra nhiều bệnh liên quan đến đường hô hấp, viêm ngứa da... Đặc biệt với những gia đình có trẻ nhỏ hay người có làn da nhạy cảm thì càng nguy hiểm hơn.
Giảm tuổi thọ máy giặt
Dù lồng giặt ngày nay đa phần đều được làm bằng thép không gỉ có khả năng chống bám bẩn tốt nhưng khi để đồ đã giặt trong máy quá lâu thì nấm mốc vẫn hình thành và bám chặt lên bề mặt lồng giặt. Khi lồng giặt đã hình thành mùi hôi bạn phải tháo máy ra và tiến hành vệ sinh chuyên sâu, phức tạp hơn.
Bên cạnh đó, đồ ẩm ướt để trong máy giặt suốt đêm cũng tiềm ẩn nguy cơ chập cháy, rò rỉ điện gây nguy hiểm. Đặc biệt những máy giặt đã được sử dụng từ lâu, hệ thống lớp vỏ cách điện của máy bị hỏng thì nguy cơ rò rỉ điện càng cao hơn. Ngoài ra, để lượng đồ lớn trong lồng giặt nguyên đêm cũng sẽ làm ảnh hưởng đến các bộ phận đàn hồi của máy giặt. Chính vì thế tuổi thọ của thiết bị cũng giảm sút và dễ gặp lỗi hơn.