Tiếp Thị Gia Đình

Thứ hai, 07/10/2024, 12:00 (GMT+7)

Từ tháng 10/2024, có thêm quyền lợi đặc biệt cho người nhận lương hưu, hưởng lợi chưa từng có

Những điều chỉnh của luật bảo hiểm mới sẽ làm giảm khoảng cách giữa các chế độ của BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, mở rộng quyền lợi cho người lao động.

Theo Thời báo Văn học Nghệ thuật, từ tháng 10/2024, một số quy định mới về bảo hiểm xã hội tự nguyện được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 sẽ chính thức có hiệu lực. 

Mở rộng quyền lợi đối với BHXH tự nguyện

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức, cho phép công dân Việt Nam tự nguyện tham gia với khả năng tự lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình. Được triển khai từ ngày 1/1/2008, sau gần 16 năm thực hiện, tính đến hết tháng 7/2024, chính sách này đã thu hút khoảng 1,737 triệu người tham gia.

93a4e3fc3b8a82d4db9b
Bảo hiểm xã hội tự nguyện thu hút nhiều người dân tham gia (Ảnh: Sưu tầm)

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bao gồm:

- Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và không phải là người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hoặc trợ cấp hằng tháng.

- Người lao động đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, ngoại trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận về việc tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời gian này.

Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hàng tháng bằng 22% mức thu nhập chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và không vượt quá 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng. Hiện nay, mức thu nhập chuẩn hộ nghèo ở nông thôn là 1.500.000 đồng, trong khi mức lương cơ sở áp dụng từ ngày 1/7/2024 là 2.340.000 đồng. Cụ thể:

- Mức đóng tối thiểu: 1.500.000 đồng x 22% = 330.000 đồng/tháng.

- Mức đóng tối đa: 20 x 2.340.000 đồng x 22% = 10.296.000 đồng/tháng.

Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người dân, dựa trên tỷ lệ phần trăm (%) tính trên mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và trong thời gian tối đa là 10 năm. Mức hỗ trợ cụ thể như sau:

  • Hộ nghèo được hỗ trợ 30%, tương đương 99.000 đồng/tháng.

  • Hộ cận nghèo được hỗ trợ 25%, tương đương 82.500 đồng/tháng.

  • Các đối tượng khác được hỗ trợ 10%, tương đương 33.000 đồng/tháng.

Luật cũng quy định, tùy thuộc vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách của từng thời kỳ, Chính phủ sẽ xác định mức hỗ trợ, đối tượng và thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội. Các địa phương được khuyến khích, dựa trên điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng cân đối ngân sách của mình, phối hợp với các nguồn lực xã hội để hỗ trợ thêm cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và những người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có thể chọn một trong các phương thức đóng sau:

  • Đóng hàng tháng.

  • Đóng 3 tháng một lần.

  • Đóng 6 tháng một lần.

  • Đóng 12 tháng một lần.

  • Đóng một lần cho nhiều năm về sau với mức đóng thấp hơn mức đóng thông thường.

  • Đóng một lần cho thời gian còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu với mức đóng cao hơn mức quy định.

Hưởng lương hưu sau khi tham gia BHXH tự nguyện từ đủ 15 năm trở lên

Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được hưởng chế độ hưu trí khi đạt tuổi nghỉ hưu theo quy định và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên. Cụ thể:

  • Đối với lao động nữ, mức lương hưu tương ứng 45% sau khi đóng đủ 15 năm, và mỗi năm thêm 2%, tối đa đạt 75% khi đóng đủ 30 năm.

  • Đối với lao động nam, mức hưởng là 40% sau 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, mỗi năm thêm 1%, đạt 45% sau 20 năm, và tối đa 75% khi đóng đủ 35 năm.

Thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội sẽ được điều chỉnh dựa trên chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ để làm căn cứ tính mức bình quân thu nhập. Việc điều chỉnh này được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

a905869e5ee8e7b6bef9
Người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng lương hưu khi theo quy định (Ảnh: Sưu tầm)

Ngoài lương hưu, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần trong các trường hợp sau:

  • Đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 15 năm và không có nguyện vọng tiếp tục tham gia.

  • Đi định cư nước ngoài.

  • Mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS.

  • Mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc người khuyết tật đặc biệt nặng.

  • Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày Luật này có hiệu lực nhưng sau 12 tháng không tiếp tục đóng và chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội.

Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần sẽ bằng 1,5 lần mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với những năm đóng trước năm 2014. Tuy nhiên, đối tượng được Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ không được tính phần ngân sách nhà nước hỗ trợ vào mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Chế độ tử tuất và các quyền lợi bổ sung khác

Về chế độ tử tuất, khi người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc người đang hưởng lương hưu qua đời, thân nhân sẽ được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm qua đời nếu người đó đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 60 tháng trở lên. Trợ cấp tử tuất một lần sẽ được tính dựa trên số năm đã đóng bảo hiểm xã hội đối với người đang tham gia, hoặc thời gian đã hưởng lương hưu đối với người đang nhận lương hưu.

Người hưởng lương hưu cũng được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí với mức hưởng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là 95% trong suốt quá trình hưởng lương hưu. Lương hưu cũng sẽ được điều chỉnh dựa trên chỉ số giá tiêu dùng nhằm đảm bảo thu nhập cho người hưởng lương.

Cùng chuyên mục