Thứ năm, 04/07/2024, 14:05 (GMT+7)

Dự báo lạm phát trung bình cả năm 2024 dưới 3,6%

Nhiều ý kiến cho rằng, có thể kỳ vọng tốc độ tăng giá trong 6 tháng cuối năm 2024 sẽ ở mức tương đương so với trong 6 tháng đầu năm, dự báo lạm phát trung bình cả năm 2024 sẽ xoay quanh mức 3,2 - 3,6%.

Những yếu tố rõ nét gây áp lực lên mặt bằng giá

Theo TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, có thể kỳ vọng tốc độ tăng giá trong 6 tháng cuối năm sẽ ở mức tương đương so với trong 6 tháng đầu năm 2024. Dự báo lạm phát trung bình cả năm 2024 sẽ xoay quanh mức 3,2 - 3,6%, theo An ninh Thủ đô.

Theo Cục Quản lý giá, dự báo thời gian tới, áp lực lạm phát trong nửa cuối năm rõ nét và mạnh hơn so với nửa đầu năm và công tác quản lý, điều hành giá cả thị truờng tiếp tục chịu áp lực lớn do ảnh hưởng từ tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo. 

Xung đột quân sự chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, tiếp tục leo thang tại một số khu vực ảnh hưởng đến giá năng lượng, nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường biển; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; tỷ giá giữa Đồng Việt Nam và USD tăng cao làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu; việc thực hiện cải cách chế độ tiền lương...

Những yếu tố trên tiếp tục làm gia tăng áp lực đối với công tác quản lý, điều hành giá trong 6 tháng cuối năm 2024.

Thị trường trong nước cũng đã xuất hiện những yếu tố rõ nét gây áp lực lên mặt bằng giá như việc thực hiện lộ trình giá thị trường, tính đúng tính đủ chi phí trong giá các hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá tiếp tục là vấn đề cần xem xét thực hiện trong năm 2024 sau khi đã bước đầu được thực hiện trong năm 2023, nhưng với mức độ ít, mang tính “kiềm chế”.

Cùng với đó, giá mặt hàng năng lượng biến động khó lường; giá gạo trong nước sẽ tăng theo giá gạo xuất khẩu; giá dịch vụ vận chuyển hàng hoá bằng đường biển và phụ thu đối với hàng hóa container tại cảng biển đang tăng mạnh gây áp lực đến chi phí của doanh nghiệp.

Ngoài ra, tác động của chính sách cải cách tiền lương từ 01/7/2024, tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD tăng cao cũng làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước.

Các gói kích cầu, hạ mặt bằng lãi suất cho vay, mở rộng tín dụng, đẩy mạnh đầu tư công giúp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế nhưng cũng có thể tạo sức ép lên mặt bằng giá nếu nguồn cung tiền không được kiểm soát hợp lý.

Rủi ro về thiên tai và thời tiết bất lợi có thể làm tăng giá cục bộ một số mặt hàng thiết yếu tại những địa phương bị ảnh hưởng.

Hình ảnh 117

Hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng

Theo Cục Quản lý giá, cần phải giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường, các mặt hàng vẫn có biến động tăng giá để tham mưu chính sách, kịch bản điều hành giá phù hợp, linh hoạt, kịp thời, nhất là với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá. 

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, đánh giá kỹ tác động để thực hiện điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định mức độ điều chỉnh phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường.

Đối với các mặt hàng nhà nước quản lý, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát các phương án, lộ trình giá do các Bộ xây dựng, đề xuất để cập nhật kịch bản lạm phát làm cơ sở tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác quản lý, điều hành giá. 

Trên cơ sở đó, trong 6 tháng cuối năm 2024, Bộ Tài chính tiếp tục chú trọng cập nhật thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch, trung thực thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường.

Cùng chuyên mục