Tiếp Thị Gia Đình

Thứ sáu, 15/03/2024, 15:57 (GMT+7)

Làm gì khi trẻ thích xem tivi hơn học bài?

Trẻ thường có thói quen thích xem tivi hơn học bài. Những lúc như thế bố mẹ thường nổi nóng, nhưng có cách xử lý hay hơn xuất phát từ phương pháp nuôi dạy con nhẹ nhàng.

Thế nào là nuôi dạy con nhẹ nhàng?

Thuật ngữ “gentle parenting” (tạm dịch: nuôi dạy con nhẹ nhàng) được tác giả người Anh Sarah Ockwell-Smith khai sinh năm 2016. Thuật ngữ này được sử dụng khá nhiều trong các cuốn sách về phương pháp nuôi dạy con của tác giả này. Kể từ đó, cách nuôi dạy con nhẹ nhàng đã trở thành một từ thông dụng và được vô số gia đình áp dụng.

Theo đó, khái niệm về cách nuôi dạy con nhẹ nhàng dựa trên nguyên tắc tôn trọng trẻ, xem xét các quan điểm của trẻ, đồng cảm và xác nhận, đồng thời xây dựng mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái thông qua những trải nghiệm tích cực.

2

Ảnh minh họa

Irina Gorelik, một nhà tâm lý học trẻ em tại Williamsburg Therapy, Mỹ cho biết: "Niềm tin của phương pháp nuôi dạy con nhẹ nhàng là trẻ em vốn sinh ra đã là những đứa trẻ ngoan và những hành vi quấy rối thường là kết quả của việc rối loạn điều chỉnh cảm xúc hoặc không được tiếp cận với kỹ năng đối phó tốt hơn trong các thời điểm".

Tuy nhiên, không phải khi nào phương pháp nuôi dạy con nhẹ nhàng cũng đem lại hiệu quả. Nhiều bậc cha mẹ cho biết, cách nuôi dạy con nhẹ nhàng không có tác dụng với cá nhân con họ.

Các nhà tâm lý học cũng nhận thấy, việc nuôi dạy con một cách nhẹ nhàng có thể không hiệu quả đối với những hành vi nghiêm trọng, mang tính thách thức của trẻ, nhất là nhóm trẻ dễ cáu gắt, có tính chống đối, khó quản lý hoặc đang trong độ tuổi nổi loạn.

Phải làm gì khi cách nuôi dạy con nhẹ nhàng không hiệu quả?

Về cơ bản, các nguyên tắc chung của việc nuôi dạy con nhẹ nhàng được nhiều phụ huynh ủng hộ bởi hạn chế được những phương pháp như quát mắng, đòn roi có thể làm trẻ bị tổn thương về cả mặt tinh thần lẫn sức khỏe.

Thế nhưng trong trường hợp trẻ không hợp tác, việc nói chuyện và phân tích nhẹ nhàng không khiến trẻ thay đổi, nhiều bậc cha mẹ lại cảm thấy lúng túng không biết xử lý thế nào.

Theo nhà tâm lý học lâm sàng Cara Goodwin, giáo sư ngành tâm lý trẻ em của ĐH North Carolina, Mỹ, cha mẹ cần có 4 biện pháp sau đây để đối phó.

Sử dụng thuật ngữ "hậu quả"

Nhiều người cho rằng, khi trẻ hư không nên dọa trẻ bằng những câu nói như “Nếu con không chịu học, mẹ sẽ cấm con xem tivi” hay “Nếu con hư, mẹ sẽ gọi công an/đồng nát bắt con”. Việc dọa dẫm như vậy dễ khiến trẻ nảy sinh tâm lý sợ hãi với một số đối tượng nhất định hoặc làm việc một cách chống đối để đạt được mục đích trước mắt.

Thay vì dọa dẫm, cha mẹ nên chỉ ra hậu quả có thể xảy ra với mỗi hành vi sai lệch của trẻ. Các chuyên gia cho biết việc đưa ra hậu quả hợp lý có liên quan đến hành vi giúp cải thiện sức khỏe tâm thần ở trẻ em. Chẳng hạn, trẻ sẽ hiểu được rằng việc học là có ích cho bản thân, nếu không làm bài sẽ bị điểm kém, bị bạn bè chê cười, trẻ sẽ phấn đấu học tập để trở nên tốt hơn thay vì học tập chỉ để tránh mất thời gian xem tivi.

1

Ảnh minh họa

Sử dụng "Sự chú ý có chọn lọc" và "Sự phớt lờ theo kế hoạch"

Nghiên cứu cho thấy, sự chú ý là một công cụ nuôi dạy con cái rất mạnh mẽ. Để sử dụng sự chú ý nhằm cải thiện hành vi của con bạn và giúp việc nuôi dạy con cái hàng ngày trở nên dễ dàng hơn, hãy cố gắng chú ý nhiều hơn tới hành vi tích cực hơn là hành vi tiêu cực. Ví dụ, khi con kể về hoạt động thường ngày ở trường, hãy cố gắng chú ý và khen ngợi chúng.

Ngược lại, với một số hành vi sai trái, tiêu cực nhỏ của trẻ, chẳng hạn như than vãn, quấy khóc, tranh cãi nhẹ nhàng hoặc hỏi đi hỏi lại những câu hỏi giống nhau, phụ huynh hãy bỏ qua - điều này được gọi là bỏ qua có kế hoạch.

Hầu hết các chương trình nuôi dạy con dựa trên nghiên cứu, chẳng hạn như liệu pháp tương tác giữa cha mẹ và con cái (PCIT), khuyên cha mẹ nên bỏ qua những hành vi thách thức nhỏ. Nghiên cứu phát hiện ra rằng kiểu phớt lờ hành vi nhỏ này khiến trẻ nhẩn a việc quấy khóc, kêu ca đôi khi không mang lại lợi ích gì. Từ đó, giúp cải thiện hành vi của trẻ và giảm tình trạng không tuân thủ.

Sử dụng chiến lược "tạm dừng"

Phương pháp "tạm dừng" rất hiệu quả trong việc cải thiện hành vi của trẻ. Hơn thế nữa, việc tạm dừng hữu ích vào những thời điểm cha mẹ có nguy cơ áp dụng các biện pháp kỷ luật khắc nghiệt hơn với trẻ. Ví dụ, khi bạn cảm thấy bị kích động, việc tạm dừng cuộc nói chuyện giữa cha mẹ và con cái có thể giúp bạn có cơ hội bình tĩnh lại để giải quyết một cách hiệu quả một tình huống khó khăn.

Một nghiên cứu phát hiện ra, các phương pháp kỷ luật khắc nghiệt, chẳng hạn như la mắng hoặc đánh đập trừng phạt, có liên quan đến tình trạng sức khỏe tâm thần tồi tệ hơn ở trẻ em. Nếu thời gian tạm dừng giúp bạn và con bạn có cơ hội bình tĩnh lại trước khi sử dụng các chiến lược này, thì đó có thể là lựa chọn phù hợp cho bạn và gia đình.

3

Ảnh minh họa

Chia sẻ cảm xúc với con

Giống như trẻ, cha mẹ có những cảm xúc, nhu cầu và mong muốn quan trọng. Nhiều người ủng hộ cách phương pháp nuôi dạy con nhẹ nhàng gợi ý rằng cha mẹ không bao giờ nên chia sẻ quá nhiều cảm xúc với con mình khi chúng cảm thấy buồn hoặc tức giận vì điều này có thể gây ra sự phụ thuộc lẫn nhau.

Tuy nhiên, khi tâm trạng trẻ ổn định hơn, cha mẹ hoàn toàn có thể chia sẻ về cảm xúc và suy nghĩ của mình trước hành vi sai trái của con. Trên thực tế, không có bằng chứng nào cho thấy việc chia sẻ cảm xúc một cách trung thực với trẻ có tác động tiêu cực. Một số bằng chứng cho thấy việc che giấu cảm xúc của bạn với con có liên quan đến căng thẳng ở trẻ em và gây căng thẳng cho mối quan hệ cha mẹ và con cái.

Cùng chuyên mục