Tiếp Thị Gia Đình

Thứ ba, 12/03/2024, 16:02 (GMT+7)

Lãi suất cao trái phiếu doanh nghiệp vẫn “vắng chợ”

Mặc dù lãi suất của nhiều lô trái phiếu khá cao, cao hơn so với lãi suất ngân hàng, nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn như “chùa bà đanh”.

Sau đợt bùng nổ của thị trường trái phiếu năm 2019-2020, thị trường TPDN đang bước vào chu kỳ khó khăn khi khách hàng không mấy mặn mà. Đây là tâm lý chung khi niềm tin của thị trường chưa được khôi phục.

Nhà đầu tư còn e ngại

Chị Đinh Thuỳ Linh (Xuân Tảo, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, sau đợt mua trái phiếu doanh nghiệp của KSFinal, chị như bị “hội chứng” sợ trái phiếu, vì số tiền chị mua vẫn còn đọng lại không biết khi nào mới được thanh toán. Nay chị tiết kiệm được một khoản muốn giữ tiền nhưng chưa biết đầu tư vào đâu. Trên thị trường giá vàng đã tăng quá cao, lãi suất tiết kiệm giảm mạnh, giá chung cư cũng tăng “phi mã”…. Chỉ còn kênh đầu tư TPDN lãi suất khá cao, thấp nhất 6% và cao nhất 11%, nhưng như “con chim đậu phải cành cong”, chị đã từ chối đầu tư TPDN.

Cũng trong tâm lý rụt rè khi mua TPDN, chị Đỗ Thị Thu Thuỷ (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, chỉ mua TPDN khi doanh nghiệp đã được xếp hạng, làm ăn uy tín trên thị trường. “Bài học về TPDN Công ty cổ phần An Đông, Tập đoàn Tân Hoàng Minh và một số doanh nghiệp xảy ra sai phạm thời gian vừa qua khiến tôi chưa thực sự tin tưởng”, chị Thuỷ chia sẻ.

z5241312019140_55f544cb98e7b7a50ef4c9b47f3843fe

Theo dữ liệu của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, tính từ đầu năm tới ngày 26/2, thị trường mới ghi nhận 6 đợt phát hành TPDN gồm 2 đợt phát hành ra công chúng và 4 đợt phát hành riêng lẻ, với tổng giá trị 5.350 tỷ đồng.

Lãi suất mà các doanh nghiệp phát hành đưa ra khá hấp dẫn cho các kỳ đầu. Cụ thể, lãi suất trong 2 kỳ đầu lần lượt là 11%/năm và 15%/năm. Lãi suất trong 4 kỳ đầu của BOT Ninh Thuận là 10,5%/năm. Lãi suất cho các kỳ sau thường là 4 - 4,5% cộng với trung bình lãi suất tiết kiệm 12 tháng của nhóm ngân hàng Big 4…

Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp của nhóm ngân hàng đang dao động ở mức 5-7%/năm, trong khi con số này ở nhóm doanh nghiệp phi tài chính là 7-12% tùy theo mức độ rủi ro hoặc xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp.

Nếu so với giai đoạn bùng nổ 2021 - 2022 của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, lãi suất trái phiếu đã giảm đáng kể từ mức hơn 20%/năm. Tuy vậy, mức lãi suất trái phiếu hiện tại mà các doanh nghiệp phát hành đưa ra vẫn khá hấp dẫn, thậm chí mang lại lợi nhuận gấp đôi lãi tiền gửi ngân hàng.

Dù mang lại lợi nhuận khá cao nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa sôi động trở lại trong 2 tháng đầu năm, từ cả phía doanh nghiệp phát hành lẫn phía nhà đầu tư.

Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, thời điểm thị trường chững lại, phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 2 tháng đầu năm tăng trưởng tốt hơn nhưng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp vẫn rất nhỏ nếu so với giai đoạn năm 2021 và năm 2022.

Doanh nghiệp cần xếp hạng tín nhiệm

Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, tiếp tục tình trạng phát hành ảm đạm trong tháng 1, giá trị phát hành trong tháng 2 vẫn ở mức rất thấp so với mặt bằng năm 2023 khi một số điều trong Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực trở lại.

Theo đó, các quy định về phát hành TPDN được thắt chặt hơn, ví dụ như tiêu chí xác định nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp và yêu cầu xếp hạng tín nhiệm.

Trong khi đó, kể từ tháng 1, những quy định còn lại của Nghị định 65 đã có hiệu lực khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân bị loại khỏi sân chơi trái phiếu doanh nghiệp trong khi những người chơi lớn như các công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư,… vẫn e ngại tham gia thị trường.

Bình luận về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, các quy định phát hành TPDN theo một số điều trong Nghị định 65 có hiệu lực mặc dù thắt chặt việc các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, nhưng điều này lại đảm bảo an toàn cho các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức.

Nói riêng về yêu cầu xếp hạng tín nhiệm các doanh nghiệp phát hành, theo TS. Hiếu, các nhà phát hành cần có những thông tin minh bạch, BCTC minh bạch, được kiểm toán bởi công ty kiểm toán độc lập có uy tín và lịch sử lâu đời. Bên cạnh đó, nhà phát hành đưa cần thông tin tình hình DN của mình một cách chính xác.

Với công ty xếp hạng tín nhiệm vấn đề là phải xét đến yếu tố rủi ro của doanh nghiệp và dòng tiền của DN. Khi nói đến nhà phát hành thì nhà phát hành cần thông tin minh bạch của chính mình và cần có công ty xếp hạng tín nhiệm hỗ trợ.

“Cá nhân tôi rất mong muốn có nhiều doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm hơn, vì các nhà đầu tư cá nhân họ ít nắm rõ được vấn đề tài chính của doanh nghiệp như công ty xếp hạng tín nhiệm”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Ngoài những vấn đề trên khiến thị trường TPDN ảm đạm, một nguyên nhân nữa là áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn rất lớn trong năm 2024. Nhiều tổ chức phát hành có khả năng trả nợ ở mức rất yếu, đứng trước nguy cơ mất khả năng thanh toán trong khi một số tổ chức phát hành được thành lập chỉ cho mục đích huy động vốn, hầu như không có doanh thu và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, ảnh hưởng không nhỏ lên niềm tin vốn đang mong manh của nhiều nhà đầu tư.

Cùng chuyên mục