Thứ hai, 27/02/2023, 14:56 (GMT+7)

Khi nào cần giáo dục giới tính cho trẻ?

PV - t/h (Theo Sohu, Hello Bác sĩ, Vinmec)

Khi trẻ đã biết nói chuyện và bắt đầu tìm hiểu về cơ thể của mình chính là lúc cha mẹ nên giáo dục giới tính cho trẻ, bắt đầu bằng cách dạy cho trẻ biết tên gọi của cơ quan sinh dục trên cơ thể...

Khi nào nên giáo dục giới tính cho trẻ?

Trên thực tế, không có tiêu chuẩn về độ tuổi chính xác để giáo dục giới tính cho trẻ. Tuy nhiên, đa số các chuyên gia giáo dục, chuyên gia tâm lý - y tế đều khuyến khích các bậc phụ huynh nên bắt đầu dạy trẻ về khác biệt giới tính trong độ tuổi từ 2 - 3 tuổi.

giao duc gioi tinh Tiepthigiadinh H1
Cha mẹ nên bắt đầu dạy trẻ về khác biệt giới tính trong độ tuổi từ 2 - 3 tuổi.

Lý do là theo quy luật phát triển tâm lý của trẻ, trẻ sẽ dần hình thành nhận thức về giới tính khi 2 - 3 tuổi và sẽ sử dụng chính xác danh xưng “bé trai” hoặc “bé gái” khi 3 tuổi. Lúc này, cha mẹ nên chỉ cho con cái về sự khác biệt giới tính cơ bản.

Giáo dục giới tính theo từng độ tuổi

Việc giáo dục giới tính cho trẻ cần được thực hiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ. Theo khuyến nghị của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), các nhóm tuổi khác nhau có những mục tiêu giáo dục giới tính khác nhau. Cụ thể như sau:

Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi

Ở độ tuổi này, cha mẹ cần lựa chọn cách gọi tên phù hợp cho các bộ phận trên cơ thể của con. Đồng thời, cha mẹ có thể dạy con rằng con nên mặc quần áo hoặc che kín những bộ phận nhạy cảm và những ai có thể thay quần áo cho con.

Trước 5 tuổi

Cha mẹ cho con tìm hiểu tên và chức năng của các bộ phận trên cơ thể. Cha mẹ có thể chỉ cho con sự khác biệt và giới tính giữa nam và nữ, từ đó giúp con hiểu rằng cơ thể của nam, nữ không hoàn toàn giống nhau. Có khá nhiều sách giáo dục giới tính mà cho mẹ có thể áp dụng để dạy trẻ.

giao duc gioi tinh Tiepthigiadinh H2
Cha mẹ nên cho trẻ dưới 5 tuổi tìm hiểu tên và chức năng của các bộ phận trên cơ thể.

Cha mẹ cũng có thể dạy cho con cách bảo vệ không gian riêng tư của bản thân, chẳng hạn như đóng cửa khi tắm và gõ cửa trước khi vào phòng của người khác. Giới thiệu cho trẻ các khái niệm cơ bản về mang thai và sinh con, sử dụng động vật làm ví dụ nhưng không đi sâu vào chi tiết. Chẳng hạn như con sinh ra từ bụng mẹ hoặc cho trẻ thấy các loài động vật mang bầu hoặc sinh con thế nào.

Từ 5 - 8 tuổi

Giới thiệu chung về một số thuật ngữ về cơ quan sinh sản và giúp trẻ hiểu được chức năng, cấu tạo của các bộ phận. Giới thiệu về tuổi vị thành niên cho trẻ nhưng cần lưu ý khi giáo dục giới tính cho trẻ ở độ tuổi này tuyệt đối không nên sử dụng các hình ảnh nhạy cảm không phù hợp với lứa tuổi.

Dạy trẻ cách từ chối sự đụng chạm hoặc tiếp cận của người khác đối với các bộ phận riêng tư. Cho trẻ tìm hiểu về những cảm xúc khác nhau như tình yêu, tình bạn, tình cảm gia đình.

Từ 9 - 13 tuổi

Ở độ tuổi này, trẻ sẽ tò mò hơn về các vấn đề liên quan đến tình dục. Ngoài ra, đây cũng là độ tuổi mà trẻ bước vào giai đoạn dậy thì, do đó, hãy trang bị cho trẻ những kiến thức cơ bản. Chẳng hạn như bạn có thể nói với con những thay đổi về nội tiết, cảm xúc, thể chất khi bước vào tuổi dậy thì.

Với các bé gái, bạn có thể nói với con về chu kỳ kinh nguyệt để tránh bé bị hoảng sợ trong lần có kinh đầu tiên. Hãy cho trẻ biết rằng bạn luôn cởi mở thảo luận các chủ đề liên quan đến tuổi dậy thì, liên quan đến tình dục hoặc bất cứ điều gì trẻ gặp phải.

Cha mẹ cần lưu ý gì khi giáo dục giới tính cho trẻ?

Không hoảng sợ

Đừng hoảng sợ nếu con hỏi bạn bất cứ điều gì liên quan đến tình dục. Con bạn hỏi không có nghĩa là bé đã làm hoặc muốn làm. Ngược lại, bạn nên cảm thấy may mắn vì bé cảm thấy thoải mái khi nói về tình dục với bạn. Đừng trốn tránh và hãy trả lời trung thực những câu hỏi mà bé đặt ra.

Ngoài ra, bạn cũng cần cung cấp những thông tin thật chính xác, nếu bạn không biết, hãy thành thật nói với trẻ rằng bạn sẽ tìm hiểu và trả lời cho trẻ sau. Tuy nhiên, trước khi trả lời, bạn nên hỏi trẻ lý do tại sao bé muốn biết về điều này.

Đặt câu hỏi và lắng nghe

Chuẩn bị tinh thần để lắng nghe những gì con bạn nói. Thay vì hướng dẫn, hãy đặt câu hỏi sau khi nghe những điều bé hỏi? Nếu bé nói điều gì đó liên quan đến một người bạn, hãy hỏi bé xem bé có lo lắng cho người bạn đó không. Bé sẽ cư xử thế nào trong tình huống như vậy?

giao duc gioi tinh Tiepthigiadinh H3
Hãy luôn lắng nghe những tâm sự của trẻ.

Sử dụng thuật ngữ chính xác cho các bộ phận cơ thể

Bạn nên sử dụng các thuật ngữ chính xác khi giới thiệu các bộ phận riêng tư cho trẻ nhỏ. Bởi nếu bạn dùng các từ thay thế, bé có thể hiểu sai hoặc cảm thấy xấu hổ khi nhắc về những bộ phận này.

Kiểm soát nội dung trẻ tiếp xúc trên Internet

Cha mẹ cần dạy cho trẻ những quy tắc khi sử dụng Internet và đảm bảo biết được khi nào trẻ lên mạng. Bên cạnh đó, hãy kiểm tra những bộ phim và trò chơi điện tử có độ tuổi cho phép có phù hợp với độ tuổi của trẻ hay không và giúp trẻ nhận thức được những gì nên tiếp xúc khi xem phim hay chơi điện tử.

Đưa ra những điều tích cực

Bạn nên tránh nói những điều tiêu cực về tình dục với trẻ nhỏ. Bởi những điều này sẽ khắc sâu vào tâm trí trẻ và gây ra những trở ngại về tâm lý. Tuy nhiên, ngoài việc chia sẻ những mặt tốt, bạn cũng nên cho trẻ biết những rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn của các bệnh lây truyền qua đường tình dục và việc mang thai ngoài ý muốn.

Cùng chuyên mục