Giặt chung khăn bếp và khăn tắm: Đây là lý do chuyên gia vệ sinh luôn tránh xa, bạn nên biết
Bạn có thường giặt chung khăn bếp và khăn tắm để tiết kiệm thời gian? Đây thực sự là một sai lầm có thể làm vi khuẩn lây lan khắp quần áo và đồ dùng trong gia đình.
Bí kíp gấp quần áo và khăn tắm: 'Hack' không gian, tiết kiệm thời gian hiệu quả cho bạn
Sai lầm tai hại khi dùng khăn tắm mà nhiều người mắc phải, bỏ ngay kẻo rước bệnh vào người
Theo lẽ thường, nhiều người nghĩ rằng có thể giặt chung khăn bếp và khăn tắm mà không vấn đề gì. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng điều này phức tạp hơn bạn tưởng.

Khăn bếp thường tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm như dầu mỡ và vi khuẩn từ thực phẩm sống, trong khi khăn tắm có thể chứa nấm mốc và vi khuẩn từ cơ thể. Mặc dù nước nóng có thể giúp khử trùng khăn, nhưng nhiệt độ quá cao có thể làm hư hại sợi vải, khiến khăn trở nên thô ráp và nhanh hỏng.
Dưới đây là ý kiến của hai chuyên gia giặt ủi để tìm hiểu xem có nên giặt chung hai loại khăn này hay không, cũng như cách đảm bảo vệ sinh nếu bạn buộc phải giặt chúng cùng nhau.
Có nên giặt chung khăn bếp và khăn tắm?
Về cơ bản, bạn có thể giặt chung khăn bếp và khăn tắm, đặc biệt là khi khăn bếp chỉ được sử dụng để lau khô chén đĩa.
Tuy nhiên, Tom Ceconi, chủ tịch Heritage Park Laundry Essentials, cho rằng câu trả lời chính xác hơn là "còn tùy".
"Trước tiên, hãy xem xét nhãn hướng dẫn giặt, vì đây luôn là nguồn tham khảo đầu tiên khi giặt bất kỳ loại vải nào", Ceconi cho biết.

Mặc dù nhãn giặt của khăn bếp và khăn tắm thường có hướng dẫn tương tự hoặc giống nhau, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn nên giặt chung chúng.
"Hầu hết khăn bếp và khăn tắm đều được khuyến nghị giặt bằng nước ấm. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bạn có thể hoặc nên giặt chúng cùng nhau", Ceconi nói.
Tại sao bạn nên giặt riêng khăn bếp và khăn tắm?
Lý do chính khiến các chuyên gia khuyên nên giặt riêng khăn bếp và khăn tắm là để tránh lây nhiễm chéo vi khuẩn.
"Khăn bếp thường tiếp xúc với thức ăn thừa và có thể chứa vi khuẩn như E. coli từ thực phẩm sống. Ngoài ra, khăn bếp dính dầu mỡ có thể làm khăn tắm ám mùi khó chịu", Alicia Sokolowski, chuyên gia giặt ủi và đồng CEO của AspenClean, giải thích.
Sokolowski và Ceconi cho biết khăn bếp thường cần được giặt bằng nước nóng hơn khăn tắm để khử trùng và loại bỏ dầu mỡ cũng như vi khuẩn.
Tuy nhiên, giặt khăn tắm với nước quá nóng có thể làm hỏng sợi vải theo thời gian. Vì khăn tắm được dùng để lau khô da và tóc, chúng cần được giặt bằng chế độ nhẹ nhàng hơn để giữ độ mềm mại và khả năng thấm hút.
"Bạn không nên thường xuyên giặt khăn tắm bằng nước nóng, vì vậy tốt nhất nên giặt khăn bếp riêng biệt", Ceconi cho biết.
Mặc dù vậy, khăn tắm cũng có thể chứa nhiều vi khuẩn. Chẳng hạn, khăn lau tay trong nhà vệ sinh có thể hấp thụ rất nhiều vi trùng và nấm mốc - những thứ mà bạn chắc chắn không muốn dính lên khăn bếp.
"Để đảm bảo vệ sinh và sạch sẽ, tốt nhất bạn nên giặt riêng khăn bếp và khăn tắm", Sokolowski nhấn mạnh.
Mẹo giặt chung khăn bếp và khăn tắm đúng cách
Mặc dù các chuyên gia khuyến nghị nên giặt riêng khăn bếp và khăn tắm, nhưng họ cũng hiểu rằng điều này không phải lúc nào cũng thực tế. Việc chia nhỏ nhiều mẻ giặt không chỉ tốn công mà còn gây lãng phí nước và năng lượng.

Nếu bạn buộc phải giặt chung khăn bếp và khăn tắm, hãy tham khảo một số mẹo từ Ceconi và Sokolowski để đảm bảo vệ sinh:
- Sử dụng nước nóng nhất có thể mà không làm hư hại vải để diệt khuẩn và loại bỏ dầu mỡ. Sokolowski khuyến nghị giặt ở 140°F (60°C).
- Không để khăn ẩm bẩn trong giỏ đồ hoặc chất đống quá lâu, vì đây là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn và nấm mốc phát triển. Nếu chưa giặt ngay, hãy phơi khăn cho khô trước.
- Chọn bột giặt tự nhiên, không hương liệu tổng hợp để làm sạch sâu mà không gây kích ứng.
- Xử lý trước các vết dầu mỡ trên khăn bếp bằng chất tẩy vết bẩn trước khi cho vào máy giặt.
- Đảm bảo khăn được sấy khô hoàn toàn sau khi giặt. Không để khăn còn ẩm trong máy sấy để tránh mùi hôi và nấm mốc phát triển.