Thứ tư, 11/12/2024, 10:14 (GMT+7)

Vô hiệu hóa thiết bị kiểm soát khí thải là hành vi gian lận, thu lợi trước mắt nhưng rước họa khôn lường

'Cắt khí thải' trên xe tải, xe đầu kéo có tiêu chuẩn Euro 4, 5 được các tài xế đánh giá sẽ mang lại lợi ích trước mắt. Tuy nhiên theo các chuyên gia và các nhà sản xuất, việc cắt khí thải có thể gây ra nhiều hệ lụy cho chính chiếc xe và cho cả xã hội.

'Cắt khí thải' có thể khiến xe xuống cấp

Là một đơn vị nhập khẩu và phân phối xe UD Trucks, ông Nguyễn Huy Hoàng - Giám đốc dịch vụ Công ty TNHH Nam Hàn cho biết, các hãng xe khi nhập khẩu vào Việt Nam từ năm 2018 đã phải lắp đặt hệ thống xử lý khí thải SCR, nhằm đảm bảo tiêu chuẩn Euro 4, 5. Do đó, các nhà sản xuất luôn khuyến cáo khách hàng không nên loại bỏ hệ thống xử lý khí thải (cắt khí thải) này.

“Nhiều người cho rằng việc cắt khí thải sẽ giúp xe đỡ tốn tiền dung dịch khí thải nhưng họ quên rằng, việc đó sẽ khiến xe tiêu thụ nhiều nhiên liệu hơn, nguyên nhân là do các cảm biến khí thải không còn hoạt động, khiến lượng nhiên liệu sử dụng không được đo lường chính xác. Lượng nhiên liệu sẽ tiêu thụ có thể sẽ tăng 10-20% so với xe chưa cắt”, ông Hoàng nói.

z6118385777584_050b3e39df
Thợ máy dùng phần mềm để "cắt khí thải" xe Euro 4.

Ông Hoàng cho biết thêm, đối với các loại xe có tiêu chuẩn Euro 5, thì các thông tin lấy từ cảm biến đo khí thải còn được dùng cho các tác vụ khác. Ví dụ như: Thao tác hướng dẫn lái xe, khi hệ thống phát hiện lượng nhiên liệu đang dùng quá nhiều so với tốc độ đang chạy, hệ thống sẽ cảnh báo để tài xế phải sang số hoặc về số cho phù hợp. Việc cắt khí thải sẽ không ảnh hưởng đến các thao tác lái xe của tài xế, tuy nhiên ngoài việc tốn nhiều nhiên liệu hơn, thì còn có rủi ro gây hại cho động cơ.

Thay vì hệ thống “hiểu” nên bơm một lượng nhiên liệu vừa đủ cho tốc độ đó, thì khi mất cảm biến, xe sẽ không “hiểu” được và có thể xịt thừa lượng nhiên liệu, gây nguy cơ giảm tuổi thọ cho xe. Ngoài ra, khi xe đốt không hết nhiên liệu thì lượng dư thừa thải ra nguy cơ gây hại cho môi trường; đồng thời nhớt có thể bị kết tủa, khiến chất lượng nhớt giảm, gián tiếp khiến động cơ bị giảm tuổi thọ.

“Về khía cạnh kinh tế, khi cắt khí thải thì về lâu dài có thể khiến bầu SCR của xe bị nghẹt do bụi tích quá nhiều. Nếu tình trạng nghẹt nghiêm trọng, chủ xe buộc phải bỏ tiền ra để thay với giá từ 20 - 60 triệu đồng. Do đó khi nhà sản xuất đã sản xuất ra SCR, thì người dùng không nên can thiệp.

Nhiều doanh nghiệp ở nước ngoài khi có nhu cầu thuê các đơn vị vận tải ở Việt Nam rất chú trọng đến vấn đề môi trường. Do đó những đơn vị vận tải nào đã cắt khí thải thì họ sẽ không hợp tác, mà chỉ ký hợp đồng với những đơn vị nào sử dụng xe đạt tiêu chuẩn Euro 4, 5 trở lên”, ông Hoàng cho biết thêm.

Liên quan đến vấn đề bảo hành, theo ông Hoàng, không chỉ việc cắt khí thải mà bất cứ can thiệp nào lên xe nguyên bản đều không được hưởng chế độ bảo hành của nhà sản xuất.

z6118385529167_b07de50046
Hệ thống kết nối với bình chứa dung dịch xử lý khí thải được tháo ra khi cắt khí thải.

Tương tự, ông Nguyễn Khắc Huy, Quản lý vùng của Công ty Cổ phần Đầu tư ôtô Hải Âu - nhà phân phối ủy quyền của thương hiệu xe ChengLong tại thị trường Việt Nam cho biết, chính sách bảo hành của nhà sản xuất đã có quy định liên quan đến việc can thiệp các hệ thống trên xe, do đó nếu khách hàng thực hiện việc cắt khí thải, thì coi như họ từ bỏ quyền lợi về bảo hành.

Cũng theo ông Huy, xe sau khi đã cắt khí thải thường xảy ra tình trạng tiêu tốn nhiên liệu nhiều hơn so với nguyên bản. Ngoài ra còn có rủi ro hư hỏng các hệ thống điện tử phía trong liên quan đến SCR do lâu ngày không sử dụng, gây thiệt hại về kinh tế lên đến hàng chục triệu đồng.

“Chính vì những rủi ro đó, hãng bắt buộc khách hàng phải sử dụng dung dịch xử lý khí thải khi mua xe mới. Hiện nay trên các diễn đàn về ô tô xảy ra nhiều tranh cãi về việc cắt khí thải. Một bên thì cho rằng việc dùng SCR khá bất tiện và tốn kém, trong kia nửa còn lại thì cho rằng, việc dùng SCR sẽ giúp xe hoạt động trơn tru và giảm thiểu tác hại ra môi trường. Nhưng thực tế, các nhà sản xuất đều không khuyến khích khách hàng cắt khí thải”, ông Huy cho hay. 

z6118121394869_7b6fedb7e5
Dung dịch xử lý khí thải được bán tại hầu hết các cây xăng trên cả nước.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Huân, Trưởng phòng kinh doanh một doanh nghiệp về vận tải, các chủ xe không thực hiện cắt khí thải cho các xe tiêu chuẩn Euro 4, 5 vì sẽ xảy ra rủi ro ảnh hưởng đến động cơ. Trong trường hợp xấu nhất, xe có thể bị hỏng động cơ hoặc kim phun. Giá dung dịch khí thải hiện nay rẻ hơn rất nhiều so với giá dầu diesel, trong khi ước tính tiêu hao bằng chỉ bằng 5 – 7 % dầu.

Đơn cử, một xe tải tiêu hao khoảng 22 lít dầu diesel/100km thì chỉ hết khoảng 1,5-2 lít dung dịch khí thải. Do vậy vấn đề chi phí trong vận hành xe tải dù vẫn có nhưng nó không quá lớn để chủ xe phải đánh đổi về nguy cơ hỏng động cơ để cắt khí thải. 

Ông Huân cũng cho rằng, dung dịch xử lý khí thải hiện đang bán khá rộng rãi tại các cây xăng trên cả nước. Ngoài ra, trong trường hợp chạy đường dài, chủ xe hoàn toàn có thể mua các can dung dịch khí thải với dung tích 20 lít để dự phòng, tránh nguy cơ xe báo lỗi khi hết dung dịch khí thải.

Nguy cơ gây hại cho sức khỏe cộng đồng

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện Việt Nam có khoảng 5 triệu xe ô tô đang lưu hành, trong đó có hơn 1,6 triệu xe ô tô tải, xe đầu kéo. Đây là một nguồn phát thải khí thải lớn - một trong những nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu. Ô nhiễm không khí từ khí thải từ hàng triệu chiếc xe đã và đang khiến cho chất lượng sống của người dân đang ngày càng giảm sút.

Trong lưu thông, xe tải và xe đầu kéo thải ra nhiều CO, NOx, PM… là những khí thải độc hại cho cơ thể con người. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí làm cho mọi người phải tiếp xúc với các hạt mịn trong không khí bị ô nhiễm. Ở Việt Nam, có khoảng 60.000 người chết mỗi năm có liên quan đến ô nhiễm không khí, do đó việc các chủ xe tải, xe đầu kéo loại bỏ hệ thống xử lý khí thải Euro 4, 5 có thể gây ra hậu quả lớn.

448239242_764783696200332
Kỹ sư Lê Văn Tạch cho rằng việc cắt khí thải là một hành vi gian lận.

Theo kỹ sư ôtô Lê Văn Tạch, việc các chủ xe loại bỏ hệ thống xử lý khí thải có thể giúp máy chạy "bốc" hơn và đỡn tốn tiền mua dung dịch hơn, nhưng việc này sẽ khiến khí độc hại từ buồng đốt động cơ thải ra trực tiếp ra môi trường, gây nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.

Cũng theo kỹ sư Lê Văn Tạch, xe nhập khẩu mới, sản xuất lắp ráp mới khi đưa ra thị trường thì nhà sản xuất phải đưa động cơ kiểm tra, kiểm định để xem có đạt tiêu chuẩn Euro 4, 5 hay không, nhưng sau khi được lưu thông, các chủ xe lại loại bỏ hệ thống xử lý khí thải thì xe không còn đáp ứng tiêu chuẩn Euro 4, 5 nữa, đây có thể xem là một kiểu "gian lận".

"Việc kiểm tra ban đầu trước khi đưa ra thị trường nhằm đảm bảo tiêu chuẩn về khí thải, thì sau khi ra thị trường xe cũng phải đáp ứng được tiêu chuẩn đó. Nếu kiểm tra ban đầu xong mà khi mua về lại bỏ hệ thống xử lý khí thải đi, thì việc kiểm tra ban đầu chỉ mang tính đối phó và mất đi ý nghĩa của Euro 4, 5", kỹ sư Lê Văn Tạch chia sẻ.

z6118469477094_0d4f0a4e2ec452cb8fbd853bc4d02ebc
Sương mù bao phủ TP HCM những ngày đầu tháng 12/2024. Ảnh: Lương Ý

Theo PGS. Hồ Quốc Bằng, Viện trưởng Viện phát triển năng lực lãnh đạo Đại học Quốc gia TP HCM, kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ô nhiễm Không khí và Biến đổi Khí hậu, Viện Môi trường và Tài nguyên (APAC, TP HCM) cho biết, dựa trên kết quả nghiên cứu của ông và cộng sự cho thấy, giao thông được xác định là nguồn phát thải lớn nhất tại Hà Nội và TP HCM.

Tại Hà Nội, với khoảng 8,5 triệu dân với hơn 6 triệu xe máy và 690.000 ô tô, các hoạt động giao thông đường bộ phát thải ra các khí như NOx (87%), CO (92%), SO2 (57%), NMVOC (86%), CH4 (96%) và 74% PM2.5.

TP HCM có hơn 9 triệu dân với gần 7,4 triệu xe máy, 400.000 ô tô, trong đó giao thông chủ yếu phát thải các chất ô nhiễm như NO2, CO (97,8%), SO2 (37,7%), NMVOC (42,9%), CH4, nhất là bụi mịn PM2.5 (18%)", ông Bằng cung cấp số liệu.

Trong khi đó, Giáo sư Yafang Cheng, Giám đốc Khoa Hóa học Aerosol tại Viện Hóa học Max Planck (Đức) cho biết, có hai cơ chế quan trọng ảnh hưởng đến ô nhiễm không khí đô thị. Đó là sự tương tác giữa khí NOx và quá trình hình thành sulfate trong điều kiện độ ẩm cao; tác động của muội than đến sự phát triển của lớp biên khí quyển.

Cũng theo Giáo sư Yafang Cheng, khi nồng độ muội than - chất ô nhiễm chủ yếu từ khí thải giao thông - vượt ngưỡng tới hạn, nó có thể ngăn cản sự phát triển của lớp biên khí quyển hoạt động vào ban ngày. Hiện tượng này có thể dẫn đến các đợt ô nhiễm không khí cực đoan, một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng trong điều kiện độ ẩm cao.

TP HCM đặt mục tiêu giảm 85% ô nhiễm không khí do giao thông

Theo kế hoạch về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn TP HCM giai đoạn năm 2024 - 2025, TP HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 kiểm soát tốt nguồn khí thải từ hoạt động giao thông vận tải, giảm 85% ô nhiễm không khí tăng thêm (trong giai đoạn 2021-2025) do hoạt động giao thông vận tải.

Kiểm soát tốt các nguồn khí thải công nghiệp thuộc đối tượng quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đảm bảo tối thiểu 97% cơ sở sản xuất công nghiệp có phát sinh bụi, khí thải công nghiệp có biện pháp xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường và 100% cơ sở sản xuất công nghiệp có phát sinh bụi, khí thải công nghiệp lớn, rất lớn theo quy định đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục và kết nối truyền số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định.

Cùng chuyên mục