Hành trình gây dựng đế chế nước giải khát nghìn tỷ của gia đình Chủ tịch Tân Hiệp Phát
Đế chế kinh doanh nước giải khát tỷ USD Tân Hiệp Phát hiện được điều hành bởi ông Trần Qúy Thanh và hai ái nữ Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích.
Tập đoàn Tân Hiệp Phát được thành lập năm 1994 và trở thành gã khổng lồ trên thị trường hàng tiêu dùng nhanh nội địa, mảng đồ uống nhờ sự chèo lái của vợ chồng doanh nhân Trần Quý Thanh - Phạm Thị Nụ. Công ty chủ yếu phát triển, sản xuất và bán các sản phẩm nước giải khát cho 63 tỉnh thành Việt Nam và 16 quốc gia trên thế giới. Các sản phẩm bao gồm trà thảo mộc Dr Thanh, trà xanh, trà bí đao, nước uống vận động, nước tăng lực, sữa đậu nành và nước tinh khiết.
Tiền thân của Tân Hiệp Phát là Phân xưởng nước giải khát Bến Thành chuyên sản xuất nước ngọt, nước giải khát có ga, hương vị bia. Những sản phẩm đầu tiên gia đình ông Trần Quý Thanh đưa ra thị trường là bia chai, bia hơi Bến Thành, bia tươi Flash khởi đầu cho sự phát triển quy mô thị trường ngày càng lớn. Một năm sau đó, ông mở rộng thêm xưởng sản xuất sữa đậu nành dạng chai 220ml (sữa đậu nành Soya).
Chỉ 5 năm sau, nhờ tích cóp, ông Thanh mua thêm được dàn máy hiện đại nhất nhì Đông Nam Á và xưởng nước giải khát Bến Thành đổi tên thành Nhà máy nước giải khát Bến Thành. Năm 2001, công ty cho ra mắt sản phẩm Number 1 - đạt kỷ lục “Top 5 sản phẩm bán chạy nhất” trên toàn Việt Nam chỉ trong vòng 3 tháng sau khi có mặt trên thị trường.
Trong những năm sau đó, công ty tung ra thị trường các sản phẩm Nước tăng lực Number 1, Bia tươi đóng chai Laser, Sữa đậu nành Number 1, Nước tinh khiết Number 1, Bia Gold Bến Thành... Năm 2006, Công ty tung ra thị trường sản phẩm Trà xanh Không độ, Trà thảo mộc Dr Thanh được đóng chai tiện lợi, trở thành người đi tiên phong trên thị trường Việt Nam trong việc sản xuất và kinh doanh sản phẩm trà xanh đóng chai có lợi cho sức khỏe.
Đến 2014, khi đang khởi công nhà máy Number 1 Chu Lai, Tân Hiệp Phát rơi vào tình trạng kẹt tiền do nguồn vốn lúc đó không đủ trang trải, trong khi phần lớn số tiền tiết kiệm của gia đình lại ngân hàng đang giữ lại rơi vào kiện tụng. Bà Phạm Thị Nụ gặp cơn tai biến dẫn đến liệt nửa người, cùng lúc đó, công ty liên tiếp rơi vào khủng hoảng truyền thông.
Sau 3 năm, Tân Hiệp Phát vượt khó khăn xây dựng hoàn chỉnh 3 nhà máy sản xuất nước giải khát, lắp 10 dây chuyền vô trùng vô khuẩn Aseptic (Đức) được đánh giá là hiện đại nhất châu Á. Hai người con gái Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích song hành quản lý các mảng hoạt động của công ty dưới sự dẫn dắt của ông Trần Quý Thanh.
Theo giới thiệu trên trang web của tập đoàn, Trần Uyên Phương – cô con gái lớn của Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát hiện giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc tập đoàn. Trần Uyên Phương chịu trách nhiệm về các mảng tiếp thị sản phẩm, đối ngoại, quan hệ công chúng, và các chương trình CSR trên toàn quốc. Cô cũng quản lý các chương trình tiếp thị sản phẩm của Tân Hiệp Phát trên 16 quốc gia.
Tromg khi đó, cô con gái thứ hai của “Dr Thanh” là Trần Ngọc Bích hiện cũng đang giữ chức Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tập Hiệp Phát hoạt động tại mảng quản trị nhân sự, xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Không chỉ điều hành Tân Hiệp Phát, Ngọc Bích còn cùng mẹ (bà Phạm Thị Nụ) và chị gái góp vốn thành lập 11 doanh nghiệp với vốn điều lệ lên đến hàng nghìn tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Trong những năm gần đây, công ty liên tục xây dựng nhà máy sản xuất các dòng sản phẩm giải khát chủ lực hướng đến xuất khẩu. Mặc dù chỉ là công ty gia đình, Tân Hiệp Phát có lợi nhuận sau thuế gần 3.000 tỷ đồng mỗi năm, có lúc bằng cả Pepsi và Coca-Cola cộng lại.
Năm 2019, tổng lợi nhuận trước thuế của nhóm Tân Hiệp Phát (bao gồm tất cả các nhà máy do một công ty sở hữu và người quản lý là người nhà của Chủ tịch Tân Hiệp Phát) đạt 3.300 tỷ đồng. Năm 2020, công ty lãi sau thuế hơn 2.600 tỷ đồng. Ông Trần Quí Thanh đặt mục tiêu đến năm 2023, công ty sẽ cán mốc doanh thu một tỷ USD.
Khi đang làm chủ đế chế nước giải khát có lợi nhuận nghìn tỷ mỗi năm, Tân Hiệp Phát dần lấn sân kinh doanh bất động sản. Năm 2019, gia đình ông Thanh gây bất ngờ khi thành lập cùng một loạt công ty bất động sản với tổng vốn điều lệ đăng ký lên đến gần 19.000 tỷ đồng.
Từ đây, dàn lãnh đạo Tân Hiệp Phát bắt đầu vướng vào vòng lao lý. Ngày 8/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố bị can đối với Trần Quý Thanh, Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích. Ngày 10/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương và tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại 9 địa điểm đối với 3 bị can.
Cụ thể, Ông Trần Quý Thanh cùng các con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích và một số cá nhân khác bị tố cáo đã thực hiện hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Trốn thuế”, “Cưỡng đoạt tài sản” là các dự án, bất động sản có giá trị đặc biệt lớn tại tỉnh Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh từ tháng 11/2020. Quá trình điều tra đến nay có đủ căn cứ xác định: Hành vi của Trần Quí Thanh cùng các con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích đủ yếu tố cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, quy định tại khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự.