Hà Nội: Làng hương Quảng Phú Cầu hồi sinh sau đại dịch Covid-19
Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) vốn được biết đến là làng nghề có truyền thống hơn 100 năm. Đây là nơi cung cấp nguồn hương lớn cho khu vực phía Bắc. Ban đầu nghề làm hương tập trung chủ yếu ở thôn Phú Lương Thượng với mô hình nhỏ lẻ.
Trở lại sau đại dịch
Sau một thời gian dài nhiều cơ sở sản xuất tăm hương ở Quảng Phú Cầu phải đóng cửa để tuân thủ quy định của Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội. Những người thợ của làng nghề bỗng dưng mất việc và thu nhập gần như không còn, bởi đại đa số đều sống bằng thu nhập từ việc làm tăm, hương.
Theo ông Nguyễn Đức Hiển (thôn Cầu Bầu, xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa), năm nay gần 70 tuổi, chia sẻ, sinh ra từ làng nghề, nên chẳng nhớ là biết làm nghề từ năm bao nhiêu tuổi, chỉ nhớ từ ngày nhỏ xíu đã biết chẻ tăm, biết phân biệt các loại nứa, vầu, tre...Từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện đã làm ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của bà con nơi đây, bởi ngoài trông chờ vào việc làm đồng ruộng làm hương đem lại nguồn thu chính cho bà con nhân dân.
"Nếu như trước kia, bước chân đến Quảng Phú Cầu có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh với hai sắc màu đỏ và nâu của chân hương và thân hương được phơi khắp đường làng, thì nay dường những hình ảnh đó hoàn toàn "biến mất". Sở dĩ vậy là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nên mọi hoạt động sản xuất của bà con làng nghề này hoàn toàn bị đình trệ".
Ông Nguyễn Hữu Nhất, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) cho biết, hiện xã Quảng Phú Cầu có 6 thôn thì cả 6 đều là các làng nghề, công nhân trong các xưởng sản xuất này chủ yếu là người trong làng nên việc quản lý cũng không gặp nhiều khó khăn.
"Hiện nay chính quyền xã vẫn tiếp tục tuyên truyền vận động bà con, trước hết cần thực hiện tốt việc vừa sản xuất, vừa chống dịch. Đặc biệt tại các cơ sở sản xuất tăm, hương, người dân thực hiện rất tốt công điện, chỉ thị các cấp, đặc biệt là các thông báo của UBND xã Quảng Phú Cầu. Sau giãn cách, các hộ sản xuất chủ động có phương án phòng dịch, đảm bảo yêu cầu của Bộ Y tế", ông Nhất cho biết thêm.
Tất bật dịp đón Xuân
Nghề làm hương tại xã Quảng Phú Cầu diễn ra quanh năm. Nhưng hối hả và nhộn nhịp nhất vẫn là những tháng cận Tết Nguyên đán.
Để ra được thành phẩm đến tay người tiêu dùng, mỗi nén hương đều đặt trọn tâm huyết của người thợ. Từ khâu vót tăm, nhuộm chân, se hương đến phơi khô, đóng gói đều đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận.
Tùy từng loại hương, người làm nghề sẽ lựa chọn nguyên liệu phù hợp. Với cách làm truyền thống, khi se hương, người thợ phải lăn thật nhẹ và chắc tay để cho bột bám đều vào que hương. Còn bây giờ, nhờ công nghệ hiện đại, các cơ sở đều đầu tư máy móc để công đoạn này nhanh hơn, năng suất tăng đáng kể. Hương sau khi se xong phải phơi đủ nắng mới không bị mốc và để được lâu. Với nguyên liệu thảo mộc, bí quyết pha trộn riêng biệt, tỉ mỉ trong từng công đoạn, hương của Quảng Phú Cầu luôn thơm lâu, bền màu, đẹp mắt.
Ngày xưa, người ta chủ yếu làm chân hương bằng tăm vuông, nhưng giờ hiện đại hơn, tất cả đều được cho vào máy, chân hương vừa đều, mà năng suất lại cao hơn. Công việc vất vả này đem đến cho lao động làng nghề nguồn thu nhập khá, người bình thường có thể kiếm được khoảng 300.000 đồng/ngày; người có tay nghề cao, biết chế phẩm rồi nhuộm màu thì có thu nhập cao hơn, khoảng 500.000 đồng/ngày.
Điều đáng nói, không chỉ bán hàng theo cách truyền thống cho thương lái như trước kia, các cơ sở của làng đã và đang nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu riêng, áp dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Đến nay, nhiều sản phẩm như hương vòng, hương nén... của địa phương đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3-4 sao, được người tiêu dùng đón nhận tích cực.
Đến với làng hương Quảng Phú Cầu, có lẽ ai cũng như chúng tôi (PV) cũng đều cảm nhận không chỉ sắc hoa đỏ thắm của màu hương mà còn là tình yêu nghề, lửa nghề của mỗi người dân nơi đây như mỗi đoá hoa hương toả khắp đất trời.
Xem thêm: Tin tức kinh doanh mới nhất tại đây