Thứ sáu, 29/11/2024, 19:30 (GMT+7)

Giá xăng dầu hôm nay 30/11: Thế giới trượt nhẹ, quay đầu giảm

Giá xăng dầu hôm nay 30/11 trên thị trường trong nước, quốc tế như thế nào? Giá xăng RON95-III, giá xăng E5RON92, giá dầu diesel 0.05S, giá dầu hỏa, giá dầu mazut 180CST 3.5S ra sao… sẽ được Tiếp thị & Gia đình cập nhật liên tục.

giaxang30

Giá xăng dầu hôm nay trong nước

Giá xăng dầu hôm nay, giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 30/11 được áp dụng theo phiên điều chỉnh từ 15h ngày 28/11 của liên bộ Tài chính – Công Thương.

Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng 497 đồng/lít, lên mức 19.840 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 329 đồng/lít, lên mức 20.857 đồng/lít. Giá dầu diesel 0.05S tăng 268 đồng/lít, ở mức 18.777 đồng/lít; dầu hỏa tăng 221 đồng/lít, ở mức 19.142 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S tăng 111 đồng/kg, ở mức 16.125 đồng/kg.

Tại kỳ điều hành này, liên bộ Công Thương - Tài chính không trích lập, không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut.

Như vậy, tính từ đầu năm 2024 đến nay, giá xăng trong nước đã trải qua 47 phiên điều chỉnh, trong đó có 23 phiên giảm, 19 phiên tăng và 6 phiên trái chiều.

Giá xăng dầu hôm nay thế giới

Giá xăng dầu hôm nay trên thị trường thế giới, ghi nhận trên Oilprice lúc 5h ngày 30/11, giá dầu WTI ở mốc 68,15 USD/thùng, giảm 0,83% (tương đương giảm 0,57 USD/thùng). Tương tự, giá dầu Brent ở mốc 72,94 USD/thùng, giảm 0,46% (tương đương giảm 0,34 USD/thùng).

Giá dầu thế giới giảm nhẹ, chịu áp lực bởi “hạ nhiệt” lo ngại về rủi ro nguồn cung từ cuộc xung đột Israel - Hezbollah và triển vọng nguồn cung tăng vào năm 2025 ngay cả khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) dự kiến sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng.

Thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah có hiệu lực từ ngày 27/11 đã làm giảm mức phí bảo hiểm rủi ro của dầu, khiến giá dầu lao dốc bất chấp hai bên cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận.

Nhận xét về sự trượt dốc của giá dầu, John Paisie, Chủ tịch Stratas Advisors cho hay, tâm lý của các nhà giao dịch dầu mỏ đã trở nên tiêu cực do lo ngại về nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là nền kinh tế Trung Quốc và tăng trưởng nhu cầu, cũng như lo ngại về khả năng cân bằng cung cầu của OPEC+.

Trước đó, OPEC+ đã điều chỉnh lịch cuộc họp chính sách sang ngày 5/12 thay vì ngày 1/12. OPEC+ dự kiến sẽ quyết định gia hạn thêm việc cắt giảm sản lượng tại cuộc họp này. Trong khi đó, Reuters dẫn tin từ Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết xung đột ở Trung Đông không làm gián đoạn nguồn cung và dự kiến nguồn cung trong năm 2025 dư thừa tới hơn 1 triệu thùng/ngày, tương đương hơn 1% sản lượng toàn cầu.

Theo nhận định của nhà phân tích Ole Hansen của Ngân hàng Saxo, sau 2 lần hoãn tăng sản lượng, OPEC+ phải cân nhắc đến rủi ro giá tiếp tục suy yếu trong bối cảnh các thùng dầu hiện không được mong đợi được tung ra, một phần là do sản lượng mạnh mẽ từ các nhà sản xuất ngoài OPEC+ vào năm tới có thể dẫn đến thặng dư dầu thô.

Cùng chuyên mục