Giá xăng dầu hôm nay 21/8: Thế giới tiếp tục lao dốc
Giá xăng dầu hôm nay 21/8 trên thị trường trong nước, quốc tế như thế nào? Giá xăng RON95-III, giá xăng E5RON92, giá dầu diesel 0.05S, giá dầu hỏa, giá dầu mazut 180CST 3.5S ra sao… sẽ được Tiếp thị & Gia đình cập nhật liên tục.
Giá xăng dầu hôm nay trong nước
Giá xăng dầu hôm nay, giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 21/8 được áp dụng theo kỳ điều chỉnh giá từ 15h ngày 15/8 của liên bộ Tài chính - Công Thương.
Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng 167 đồng/lít, lên mức 20.882 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 179 đồng/lít lên mức 21.852 đồng/lít. Giá dầu điêzen 0.05S tăng 89 đồng/lít, lên mức 19.230 đồng/lít; dầu hỏa tăng 161 đồng/lít, ở mức 19.572 đồng/lít; dầu madút 180CST 3.5S tăng 217 đồng/kg, lên mức 16.245 đồng/kg.
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, giá xăng trong nước đã trải qua 33 phiên điều chỉnh, trong đó có 15 phiên giảm, 15 phiên tăng và 3 phiên trái chiều.
Theo đại diện một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, giá xăng dầu trong nước sẽ biến động theo tình hình xăng dầu thế giới. Dự báo trong kỳ điều hành giá kỳ tới, giá xăng dầu có thể sẽ giảm. Trong đó, xăng có thể giảm 200 - 300 đồng/lít; dầu giảm dưới 100 đồng/lít.
Giá xăng dầu hôm nay thế giới
Giá xăng dầu hôm nay trên thị trường thế giới, ghi nhận trên Oilprice lúc 5h ngày 21/8 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI ở mốc 73,82 USD/thùng, giảm 0,44% (tương đương giảm 0,33 USD/thùng). Tương tự, giá dầu Brent ở mốc 77,21 USD/thùng, giảm 0,58% (tương đương giảm 0,45 USD/thùng).
Giá dầu thế giới hôm nay giảm khoảng 1% xuống mức thấp nhất trong 2 tuần bởi mối lo ngại về nguồn cung ở Trung Đông lắng xuống sau khi Israel chấp nhận đề xuất giải quyết những bất đồng ngăn cản thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza, và do sự yếu kém về kinh tế ở Trung Quốc gây ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu. Bob Yawger, Giám đốc phụ trách hợp đồng năng lượng tương lai tại Mizuho cho rằng, có lẽ đã có khoảng 4 - 8 USD phí bảo hiểm địa chính trị được đưa vào giá dầu thô trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu.
Trong khi đó, theo nhận xét của nhà phân tích cấp cao Svetlana Tretyakova của Rystad Energy, bất chấp các cuộc đàm phán ngừng bắn đang diễn ra, các cuộc đụng độ giữa Israel và Hamas vẫn tiếp diễn và thị trường sẽ vẫn rất nhạy cảm với mọi diễn biến trong khu vực. Nếu các yếu tố cơ bản của thị trường không sớm phá vỡ xu hướng giảm giá này, OPEC+ có thể sẽ do dự trong việc sớm chấm dứt lệnh cắt giảm tự nguyện của mình.
OPEC+, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh như Nga cho biết, nhu cầu dầu toàn cầu phải tăng tốc trong những tháng tới, nếu không thị trường sẽ khó có thể hấp thụ được nguồn cung tăng theo kế hoạch của nhóm từ tháng 10.
Giá dầu cũng chịu áp lực bởi dữ liệu từ Cục Dầu khí Mỹ cho thấy trong tuần kết thúc vào ngày 16/8, tồn kho dầu của Mỹ tăng 347.000 thùng, ngược so với dự đoán giảm 2,9 triệu thùng của các nhà phân tích. Trong khi đó, tồn kho xăng và sản phẩm chưng cất lại giảm lần lượt là 1,043 triệu thùng và 2,247 triệu thùng.
Trước đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 13/8 đã giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2024 là 970.000 thùng/ngày nhưng cắt giảm ước tính cho năm 2025 xuống còn 950.000 thùng/ngày. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trong năm xuống còn 2,11 triệu thùng/ngày (dự báo hồi tháng trước là 2,25 triệu thùng/ngày), theo Kinh tế Chứng khoán Việt Nam.
- Giá xăng dầu hôm nay 20/8: Xu hướng giảm vẫn chiếm ưu thế
- Giá xăng dầu hôm nay 19/8: Bắt đầu tuần mới trong sắc đỏ
- Giá xăng dầu hôm nay 18/8: Ghi nhận tuần giao dịch nhiều biến động