Để tránh mất thêm tiền khi bị lừa đảo, hãy tham khảo lời khuyên dưới đây
Theo Công an thành phố Thủ Đức, TP.HCM, tất cả các thông tin đăng tải, chạy quảng cáo trên mạng có thể giúp lấy lại tiền khi bị lừa đảo đều là giả mạo.
Thông tin từ Trung tâm báo chí TP.HCM, Công an thành phố Thủ Đức, TP.HCM phát đi thông báo, theo đó, tất cả các thông tin đăng tải, chạy quảng cáo trên mạng có thể giúp lấy lại tiền khi bị lừa đảo trên mạng xã hội đều là giả mạo.
Đồng thời, Công an thành phố Thủ Đức khuyến cáo người dân dừng ngay việc tiếp tục gửi tiền, chặn tất cả các số liên lạc của các đối tượng lừa đảo nếu không muốn tiếp tục bị mất tiền.
Theo Công an thành phố Thủ Đức, thủ đoạn kẻ gian thường sử dụng là giả danh các công ty, nhân viên tư vấn luật... để chạy quảng cáo sẽ lấy lại được tiền của các nạn nhân bị lừa đảo qua mạng, bị treo trên các sàn giao dịch.
Lợi dụng tâm lý nạn nhân khi bị mất tiền thường lên các trang mạng xã hội để than vãn, tìm lời khuyên để lấy lại tiền bị lừa trên mạng xã hội, kẻ gian đã thao túng tâm lý, an ủi, dẫn dụ nạn nhân chuyển một khoản tiền gọi là “phí dịch vụ” hay “phí ủy quyền xử lý”... để điều tra giúp lấy lại tiền bị lừa đảo. Tuy nhiên, sau khi nạn nhân chuyển khoản phí dịch vụ này, những kẻ lừa đảo sẽ biến mất không dấu vết.
Chia sẻ thông tin giúp người dân cảnh giác các thủ đoạn lừa đảo lấy lại tiền đã bị lừa trên mạng xã hội, Công an thành phố Thủ Đức cho biết thêm kẻ gian tạo ra các trang web, nhóm telegram, zalo, viber, facebook chia sẻ vấn nạn “lừa đảo online" và các từ khóa liên quan để nạn nhân tìm kiếm.
Kẻ gian còn có thủ đoạn dùng công nghệ AI giả mạo luật sư, nhân viên ngân hàng, chuyên gia công nghệ an ủi nạn nhân và hứa hẹn lấy lại được tiền bị lừa đảo trên mạng hay bị treo trên các sàn giao dịch…
Công an thành phố Thủ Đức khuyến nghị khi gặp các trường hợp trên, người dân nên liên hệ ngay với ngân hàng, tổ chức tài chính để báo cáo lừa đảo và yêu cầu họ dừng mọi giao dịch. Trường hợp các nạn nhân bị lừa đảo mất tiền trên mạng xã hội phải lưu lại bằng chứng, trình báo cho công an nơi lưu trú nắm rõ vụ việc, củng cố hồ sơ để các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ vụ việc.
Các chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo người dân cẩn trọng khi chuyển tiền qua không gian mạng. Trong quá trình thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng còn yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, từ đó khống chế nạn nhân, tìm cách gài bẫy nạn nhân và lừa số tiền lớn hơn.
Để giảm thiểu khả năng bị mất tiền trên không gian mạng, người dân cần kiểm tra thông tin của bên nhận tiền, có thể là địa chỉ, website... có thật và rõ ràng không, cần biết chính xác về thông tin, lịch sử làm việc của người đang giao dịch để tránh tình trạng mất tiền. Người dân trước khi chuyển tiền hãy yêu cầu người nhận tiền gọi video call (gọi bằng hình ảnh) để xác minh, nhận diện, chụp lại màn hình để làm chứng cứ khi xảy ra sự cố.
Chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo, cần thu thập và lưu giữ bằng chứng như hình ảnh căn cước công dân của người nhận, sao kê chuyển khoản, số điện thoại, ghi âm cuộc gọi hoặc tin nhắn xác nhận đã nhận tiền. Trước khi thực hiện giao dịch chuyển tiền cần tìm hiểu địa chỉ, đơn vị đối tượng đang giao dịch... Nếu không có hoạt động hoặc văn phòng ảo thì tuyệt đối không chuyển tiền.
Hành vi lừa lấy lại tiền đã mất là hoạt động lừa đảo mà một số đối tượng lập ra nhằm chiếm đoạt tài sản của nạn nhân thêm lần thứ hai. Nếu phát hiện bị lừa đảo, nạn nhân cần nhanh chóng làm đơn tố giác, gửi kèm toàn bộ tài liệu, chứng cứ tới cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm, lấy lại tiền đã mất.
Bị lừa đảo thì phải làm gì?
Không ít người đã trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo. Để tránh việc mất thêm tiền, bạn hãy tham khảo lời khuyên dưới đây:
1. Ngưng gửi tiền và chặn mọi liên lạc từ kẻ lừa đảo.
2. Liên hệ ngay lập tức với ngân hàng hoặc tổ chức tài chính của bạn để báo cáo vụ lừa đảo và yêu cầu dừng mọi giao dịch liên quan.
3. Thu thập và lưu giữ bất kỳ bằng chứng nào bạn có, như email, tin nhắn, và thông tin giao dịch, sau đó làm đơn tố giác gửi đến cơ quan công an nơi bạn cư trú.
Nếu bạn đã chuyển tiền cho kẻ lừa đảo, theo phương thức chuyển tiền khác nhau, hãy liên hệ với tổ chức phù hợp (ngân hàng, công ty phát hành thẻ, công ty chuyển khoản ngân hàng, nhà cung cấp ứng dụng chuyển tiền, hoặc Bưu điện) để báo cáo hành vi lừa đảo và hỗ trợ khả năng thu hồi tiền.
Nếu thông tin cá nhân của bạn bị lộ, hãy báo cáo vi phạm dữ liệu cho các tổ chức tài chính của bạn, đổi mật khẩu mới mạnh hơn, và theo dõi chặt chẽ tài khoản của bạn.
Nếu kẻ lừa đảo truy cập trái phép vào máy tính hoặc điện thoại của bạn, cần cập nhật phần mềm bảo mật, quét vi-rút, và thay đổi mật khẩu hoặc mã pin của bạn. Bạn cũng nên liên hệ với các cơ quan chức năng để được hỗ trợ và tư vấn.
Đồng thời, mỗi cá nhân nên đề cao cảnh giác với những yêu cầu chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân hay những lời hứa hẹn lợi nhuận khó tin từ các nguồn không rõ ràng.
Trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch hoặc chia sẻ thông tin nào, hãy kiểm tra kỹ càng tính xác thực của yêu cầu. Nếu cảm thấy nghi ngờ, hãy liên hệ trực tiếp với cơ quan, tổ chức liên quan thông qua các kênh thông tin chính thức để xác minh.