Thứ ba, 24/12/2024, 07:30 (GMT+7)

Đăng ký thường trú, tạm trú năm 2025: Những quy định mới công dân nên nắm rõ để tránh bị phạt

Bắt buộc phải đăng ký thường trú cho trẻ trong 60 ngày kể từ khi đăng ký khai sinh; đăng ký cư trú phải lấy ý kiến của chủ sở hữu chỗ ở,… là những điểm mới nổi bật được quy định tại Nghị định số 154/2024/NĐ-CP, người dân cần biết.

Quy định mới về người kê khai Tờ khai thay đổi thông tin cư trú cho trẻ

Tại khoản 1, Điều 7 Nghị định số 154/2024/NĐ-CP quy định về việc đăng ký nơi cư trú cho trẻ như sau: Trường hợp người chưa thành niên đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại nơi thường trú, nơi tạm trú của cha, mẹ hoặc cha hoặc mẹ thì cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ thực hiện kê khai, xác nhận ý kiến vào Tờ khai thay đổi thông tin cư trú.

Cùng đó, trường hợp người chưa thành niên đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại nơi thường trú, nơi tạm trú không phải là nơi thường trú, nơi tạm trú của cha, mẹ hoặc người giám hộ thì cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ thực hiện kê khai, xác nhận ý kiến vào Tờ khai thay đổi thông tin cư trú.

Đối với trường hợp người chưa thành niên được Tòa án quyết định giao cho cha hoặc mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng thì người được giao chăm sóc, nuôi dưỡng kê khai, xác nhận ý kiến vào Tờ khai thay đổi thông tin cư trú.

Đáng lưu ý, trong trường hợp đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú lần đầu cho người chưa thành niên thì cơ quan đăng ký cư trú không phải thực hiện kiểm tra, xác minh điều kiện về tính hợp pháp của chỗ ở và tình trạng cư trú.

dktt
Ảnh minh họa.

Phải đăng ký thường trú cho trẻ trong 60 ngày kể từ khi đăng ký khai sinh

Đây là nội dung mới được quy định tại khoản 2, Điều 7 Nghị định số 154/2024/NĐ-CP. Cụ thể, trong thời hạn tối đa 60 ngày, kể từ ngày người chưa thành niên được đăng ký khai sinh thì cha hoặc mẹ hoặc chủ hộ hoặc người giám hộ có trách nhiệm thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, khai báo thông tin về cư trú cho người chưa thành niên.

Trường hợp cha, mẹ của người chưa thành niên có nơi thường trú nhưng không phải nơi đang thực tế sinh sống thì người chưa thành niên được đăng ký thường trú tại nơi thường trú của cha, mẹ.

Đăng ký cư trú cho trẻ khi cha mẹ không có nơi cư trú

Đặc biệt, theo khoản 3, Điều 7 Nghị định số 154/2024/NĐ-CP quy định, trong trrường hợp cha, mẹ của người chưa thành niên không có cả nơi thường trú, nơi tạm trú thì thực hiện khai báo thông tin về cư trú cho người chưa thành niên theo quy định tại Điều 4 Nghị định này.

Theo đó, người không có nơi thường trú, nơi tạm trú khai báo thông tin về cư trú theo mẫu Tờ khai thay đổi thông tin cư trú và nộp trực tuyến, trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích đến cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại.

Trường hợp chưa có thông tin hoặc thông tin không đầy đủ, chính xác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú thì cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại của công dân có trách nhiệm tiếp nhận thông tin, hồ sơ của công dân, kiểm tra, xác minh và thực hiện thu thập, cập nhật thông tin công dân theo quy định của pháp luật.

Không bắt buộc nộp giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân, chỗ ở hợp pháp khi đăng ký cư trú

Theo quy định hiện hành tại Điều 5, Điều 6 Nghị định số 62/2021/NĐ-CP khi thực hiện thủ tục đăng ký cư trú, người dân bắt buộc phải nộp các giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân, chứng minh về chỗ ở hợp pháp.

Tuy nhiên, theo quy định mới tại khoản 1 Điều 5 và khoản 2 Điều 6 Nghị định số 154/2024/NĐ-CP, công dân có thể chỉ cần cung cấp thông tin chứng minh về chỗ ở hợp pháp cho cơ quan đăng ký cư trú khi nộp hồ sơ đăng ký cư trú.

Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm khai thác thông tin về chứng minh quan hệ nhân thân, chứng minh chỗ ở hợp pháp trong: Căn cước điện tử; tài khoản định danh điện tử trên hệ thống định danh và xác thực điện tử qua Ứng dụng định danh quốc gia hoặc trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu về cư trú; Kho quản lý dữ liệu điện tử tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia; Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh hoặc cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.

Trường hợp không khai thác được thông tin chứng minh về chỗ ở hợp pháp, chứng minh quan hệ nhân thân trong cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin hoặc ứng dụng định danh quốc gia thì công dân mới cần cung cấp bản sao, bản chụp, bản điện tử một trong các giấy tờ, tài liệu chứng minh về chỗ ở hợp pháp, chứng minh quan hệ nhân thân khi cơ quan đăng ký cư trú yêu cầu.

Bên cạnh đó, đối với trẻ cũng không cần phải có giấy tờ chứng minh người chưa thành niên như quy định hiện hành.

Ngoài ra, từ ngày 10/1/2025, theo quy định mới nhất tại Điều 11 Nghị định số 154, trong Cơ sở dữ liệu về cư trú của công dân chỉ còn 15 trường thông tin, bao gồm: Số hồ sơ cư trú; Tên gọi khác; Nơi thường trú, thời gian bắt đầu đến thường trú, lý do, thời điểm xóa đăng ký thường trú; Nơi tạm trú, thời gian bắt đầu đến tạm trú, thời gian tạm trú, lý do, thời điểm xóa đăng ký tạm trú; Tình trạng khai báo tạm vắng, đối tượng khai báo tạm vắng, thời gian tạm vắng, nơi đến trong thời gian tạm vắng, thời gian kết thúc tạm vắng; Nơi ở hiện tại, thời gian bắt đầu đến nơi ở hiện tại; Nơi lưu trú, thời gian lưu trú….

Trong khi đó, hiện hành theo Điều 9 Nghị định số 62/2021 quy định có 32 thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú của công dân, bao gồm cả nhóm máu, nghề nghiệp…

Hướng dẫn mới về các trường hợp đăng ký cư trú phải lấy ý kiến của chủ sở hữu chỗ ở

Khoản 1, 2, 3, 4, 5, Điều 8 Nghị định số 154 quy định hướng dẫn về các trường hợp đăng ký cư trú phải xin ý kiến như sau: Trường hợp công dân đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình mà chỗ ở hợp pháp đó có nhiều hơn một chủ sở hữu thì không cần có ý kiến đồng ý của những người đồng sở hữu.

Trường hợp vợ về ở với chồng, chồng về ở với vợ, con về ở với cha, mẹ, cha, mẹ về ở với con đăng ký thường trú mà chỗ ở hợp pháp có nhiều hơn một chủ sở hữu thì chỉ cần ý kiến đồng ý của ít nhất một chủ sở hữu.

Trường hợp đăng ký thường trú không thuộc trường hợp trên mà chỗ ở hợp pháp có nhiều hơn một chủ sở hữu thì khi đăng ký thường trú phải có ý kiến đồng ý của các chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu ủy quyền bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực theo quy định pháp luật.

Trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp của chủ sở hữu là người bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người dưới 18 tuổi, người bị tuyên bố mất tích, người đã chết thì chi cần lấy ý kiến đồng ý của một trong những người đại diện hợp pháp, người thừa kế của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, việc lấy ý kiến đồng ý của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp, người đại diện hợp pháp, người thừa kế theo quy định pháp luật, cha, mẹ, người giám hộ được thực hiện bằng một trong các hình thức sau: Ghi rõ nội dung đồng ý và ký, ghi rõ họ tên vào Tờ khai thay đổi thông tin cư trú; Xác nhận nội dung đồng ý thông qua Ứng dụng định danh quốc gia hoặc dịch vụ công trực tuyến hoặc cơ quan đăng ký cư trú trao đổi, lấy ý kiến trực tiếp thông qua việc kiểm tra, xác minh cư trú; Có ý kiến đồng ý bằng văn bản.

So với các quy định trước đây, việc xác nhận đồng ý qua Ứng dụng định danh quốc gia hoặc dịch vụ công trực tuyến tại Nghị định số 154 là quy định hoàn toàn mới.

Hướng dẫn mới về trường hợp hộ gia đình chuyển nơi cư trú

Theo quy định tại khoản 6, 7 Điều 8 Nghị định số 154, trường hợp hộ gia đình chuyển nơi cư trú mới thì chủ hộ chỉ thực hiện đăng ký cư trú đối với bản thân mình theo điều kiện, thủ tục của Luật Cư trú và kê khai, đăng ký cư trú kèm theo cho các thành viên khác của hộ gia đình trong Tờ khai thay đổi thông tin cư trú.

Trường hợp một hoặc nhiều thành viên trong hộ gia đình chuyển nơi cư trú mới thì một trong các thành viên đó thực hiện đăng ký cư trú đối với bản thân mình theo điều kiện, thủ tục của Luật Cư trú.

Sau đó, người thực hiện thủ tục được kê khai, đăng ký cư trú kèm theo cho các thành viên khác của hộ gia đình trong Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, không phải nộp hồ sơ và thực hiện thêm các thủ tục đăng ký cư trú khác cho thành viên hộ gia đình.

Hướng dẫn mới về xác nhận diện tích bình quân nhà ở để đăng ký thường trú

Việc xác nhận về điều kiện diện tích bình quân nhà ở để đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ; nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở, không thuộc địa điểm không được đăng ký thường trú mới được quy định tại khoản 12 Điều 8 Nghị định số 154 như sau:

Cách thức nộp hồ sơ: Công dân nộp 1 hồ sơ đề nghị xác nhận bằng phương thức trực tuyến, trực tiếp, dịch vụ bưu chính công ích tới UBND cấp xã nơi cư trú. Hồ sơ đề nghị xác nhận gồm: Tờ khai đề nghị xác nhận theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Nghị định này. Thời gian giải quyết: Trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, UBND cấp xã nơi cư trú xem xét xác nhận và trả kết quả cho công dân; trường hợp từ chối giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do;

Trường hợp công dân nộp hồ sơ đề nghị xác nhận tới cơ quan đăng ký cư trú cùng hồ sơ đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm chuyển hồ sơ đề nghị xác nhận đến UBND cấp xã xem xét, giải quyết.

Kéo dài thời gian xóa đăng ký tạm trú

Trước đây, cơ quan đăng ký cư trú phải xóa đăng ký tạm trú đối với công dân và cập nhật việc xóa đăng ký tạm trú vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định số 62/2021/NĐ-CP.

Tuy nhiên, theo khoản 5, Điều 10 Nghị định số 154, thời gian cơ quan đăng ký cư trú phải xóa đăng ký tạm trú đối với công dân và cập nhật việc xóa đăng ký tạm trú vào Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được kéo dài thêm 1 ngày nữa, tức trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Cùng chuyên mục