Thứ hai, 23/12/2024, 06:58 (GMT+7)

Thêm hướng dẫn quy định mới về kiểm tra đánh giá học sinh THPT, giáo viên, phụ huynh, học sinh cần nắm rõ để khỏi mất quyền lợi

Từ học kỳ 2, năm học 2024 - 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo thay đổi cấu trúc đề kiểm tra định kỳ mới đối với học sinh THPT, sẽ thực hiện trên các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số.

Quy trình thực hiện kiểm tra đánh giá đối với cấp THCS, THPT thế nào?

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành văn bản gửi các Sở GD&ĐT hướng dẫn việc thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá đối với cấp THCS, THPT năm học 2024 - 2025.

Để thực hiện việc kiểm tra, đánh giá theo quy định tại Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở (THCS) và học sinh trung học phổ thông (THPT), Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT căn cứ nội dung đã được tập huấn cho giáo viên cốt cán vào tháng 11/2024, tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên của các cơ sở giáo dục có thực hiện chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn quản lý.

hs

Tại văn bản này, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn việc áp dụng cấu trúc đề kiểm tra định kỳ mới đối với học sinh THPT sẽ thực hiện trên các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số. Thời gian áp dụng cấu trúc đề kiểm tra định kỳ mới này sẽ là từ học kỳ 2 năm học 2024 - 2025.

Theo Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT, các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số là các môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông, trừ các môn Giáo dục thể chất; Nghệ thuật; Âm nhạc; Mỹ thuật; Nội dung giáo dục của địa phương; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Như vậy, các môn áp dụng cấu trúc đề kiểm tra định kỳ mới theo quy định mới, dành cho học sinh THPT sẽ triển khai từ học kỳ 2 năm học 2024 - 2025 có thể kể đến như: Toán, Tiếng Anh, Ngữ văn, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Vật lý,.... áp dụng đối với học sinh THPT (cấp 3).

Theo đó, đối với các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số, Bộ GD&ĐT đề nghị Sở GD&ĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục ở cấp THPT xây dựng ma trận, bản đặc tả, đề kiểm tra và hướng dẫn chấm đề kiểm tra định kì bảo đảm các yêu cầu về chuyên môn, kĩ thuật (tham khảo theo phụ lục Bộ GD&ĐT gửi kèm theo) triển khai thực hiện từ học kì 2 năm học 2024 – 2025.

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, từ học kỳ 2 năm học này, ma trận mới đề kiểm tra định kỳ của các môn đánh giá bằng điểm số sẽ gồm 2 phần: Trắc nghiệm khách quan (chiếm 7 trên thang 10 điểm) và Tự luận (chiếm 3 trên thang 10 điểm).

Đáng chú ý, trong phần Trắc nghiệm khách quan (7 điểm), học sinh sẽ phải giải quyết 3 dạng câu hỏi gồm: Nhiều lựa chọn (chiếm 3 điểm); Đúng - Sai (chiếm 2 điểm); Trả lời ngắn (chiếm 2 điểm).

Trong đó, với các câu hỏi dạng “Đúng - Sai”, mỗi câu hỏi sẽ bao gồm 4 ý nhỏ, mỗi ý học sinh phải chọn đúng hoặc sai. Một số tài liệu xếp loại câu hỏi này vào loại Nhiều lựa chọn phức hợp hoặc Nhiều lựa chọn có nhiều phương án đúng. Còn với các câu hỏi dạng “Trả lời ngắn”, đối với môn học không sử dụng dạng này thì chuyển toàn bộ số điểm cho dạng “Đúng - Sai”.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị Sở GD&ĐT phản ánh về Bộ GD&ĐT (qua Vụ Giáo dục Trung học).

Cách đánh giá, xếp loại học sinh THCS, THPT năm học 2024 - 2025

Việc đánh giá kết quả học tập năm học 2023 - 2024 đối với học sinh trung học sẽ được áp dụng theo quy định tại khoản 2, Điều 9 Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT.

Theo đó, đối với môn học đánh giá học sinh bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số, ĐTBmhk được sử dụng để đánh giá kết quả học tập của học sinh trong từng học kì, ĐTBmcn được sử dụng để đánh giá kết quả học tập của học sinh trong cả năm học. Kết quả học tập của học sinh trong từng học kì và cả năm học được đánh giá theo 1 trong 4 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.

Cụ thể, mức Tốt: Tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức Đạt. Tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có ĐTBmhk từ 6,5 điểm trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn học có ĐTBmhk đạt từ 8,0 điểm trở lên.

Mức Khá: Tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức Đạt. Tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có ĐTBmhk từ 5,0 điểm trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn học có ĐTBmhk đạt từ 6,5 điểm trở lên.

Mức Đạt: Có nhiều nhất 1 môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức Chưa đạt. Có ít nhất 6 môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có ĐTBmhk từ 5,0 điểm trở lên; không có môn học nào có ĐTBmhk dưới 3,5 điểm.

Mức Chưa đạt: Các trường hợp còn lại.

Ngoài ra, nếu mức đánh giá kết quả học tập của học kì, cả năm học bị thấp xuống từ 2 mức trở lên so với mức đánh giá quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều này chỉ do kết quả đánh giá của duy nhất 1 môn học thì mức đánh giá kết quả học tập của học kì đó, cả năm học đó được điều chỉnh lên mức liền kề.

Trách nhiệm của giáo viên môn học trong đánh giá học sinh là gì?

Trách nhiệm của giáo viên môn học trong đánh giá học sinh được quy định tại Điều 19 Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT. Theo đó, giáo viên môn học có trách nhiệm thực hiện đánh giá thường xuyên; tham gia đánh giá định kì theo phân công của Hiệu trưởng; trực tiếp ghi hoặc nhập điểm, mức đánh giá vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh (theo lớp học), sổ theo dõi và đánh giá học sinh (của giáo viên).

Tính điểm trung bình môn học (đối với các môn học kết hợp đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số); tổng hợp mức đánh giá (đối với các môn học đánh giá bằng nhận xét) theo học kì, cả năm học; trực tiếp ghi hoặc nhập điểm, mức đánh giá vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh (theo lớp học), sổ theo dõi và đánh giá học sinh (của giáo viên), học bạ học sinh.

Cung cấp thông tin nhận xét về kết quả rèn luyện của học sinh quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT cho giáo viên chủ nhiệm.

Cùng chuyên mục