Chuyển đổi vai trò của giáo viên trong chuyển đổi số
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cho phép người học có thể học trực tuyến, học bất cứ nơi đâu và bằng bất cứ phương tiện nào. Việc học không chỉ diễn ra trong trường học, tri thức không còn độc quyền trong tay người thầy, người học có thể tiếp thu kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau. Người học có thể đã tự học các kiến thức trước khi tới trường.
Trước đây, nhà trường là nơi duy nhất cung cấp kiến thức, giáo viên là người duy nhất truyền đạt kiến thức đến học sinh. Chính vì vậy, vai trò của người thầy là chuyển giao kiến thức. Hiện nay, kiến thức có ở khắp mọi nơi và ở nhiều kênh khác nhau. Tuy nhiên, điều đó không làm giảm vai trò, ý nghĩa của người thầy, mà ngược lại, người thầy càng có vai trò, ý nghĩa quan trọng cùng với những nhiệm vụ mới.
Để đảm bảo vai trò, ý nghĩa của người thầy bản thân mỗi giáo viên cần phải học tập, sáng tạo để trở thành một người thầy hiện đại, một người thầy toàn cầu. Nếu người thầy chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ cung cấp kiến thức thì người thầy chỉ giống như cuốn sách giáo khoa biết nói. Với công nghệ hiện nay, robot sẽ làm công việc đó tốt hơn người thầy. Nhiệm vụ của người thầy hiện nay là những nhiệm vụ mới mà robot chưa thể thay thế.
Thứ nhất, giáo viên phải hiểu học sinh của mình là ai, xác định được năng lực và nhu cầu học tập của học sinh. Thầy và trò là hai chủ thể trong quá trình dạy học, nếu hai chủ thể này không có sự "hợp tác tốt đẹp" thì quá trình dạy học không thể đạt hiệu quả. Quan sát tinh tế những biểu hiện tâm lí của học sinh trong quá trình dạy học và giáo dục, "thâm nhập" vào thế giới bên trong, thấu hiểu và sẻ chia những khó khăn, những khúc mắc mà các em gặp phải để từ đó đánh thức những năng lực, phát triển kĩ năng và hoàn thiện nhân cách cho học sinh là một trong những yêu cầu quan trọng của dạy học hiện đại.
Thứ hai, giáo viên giúp học sinh định hướng học tập cũng như các phương tiện, phương pháp học tập phù hợp với nhu cầu, năng lực của các em. Hiện nay, việc tự học của người học dễ sai lệch nội dung bài học, sai kiến thức cơ bản và tư duy không đồng nhất nếu người thầy không định hướng cho người học. Giáo viên sẽ đóng vai trò định hướng nội dung môn học cũng như định hướng nội dung từng bài học cho học sinh. Trên cơ sở định hướng của giáo viên việc tự nghiên cứu của học sinh trọng tâm, giải quyết được những nội dung cơ bản của môn học cũng như đạt được mục tiêu của môn học và từng bài học. Định hướng là yếu tố thúc đẩy khả năng tự học, định hướng giúp người học đi đúng đường ray.
Thứ ba, giáo viên phải biết cách tạo động lực để học sinh chủ động trong học tập, tự học và học tập suốt đời. Giáo viên sẽ tập trung hơn vào việc tạo ra môi trường học tập mà ở đó kích thích được sự sáng tạo, sự tò mò và động cơ học tập của học sinh. Như câu chuyện "con cá và cái cần câu", chúng ta không cho học sinh con cá, cũng không cho học sinh cái cần câu, mà chúng ta cấn khơi dạy cho học sinh niềm yêu thích, say mê với việc câu cá.
Thứ tư, giáo viên có nhiệm vụ đánh giá học sinh theo xu hướng mới, với mục đích giúp học sinh có động lực phát triển bản thân. Quá trình đánh giá không phải để phân loại, xếp hạng người học, không phải so sánh học sinh này với học sinh kia. Mục đích của đánh giá là giúp người học nhận ra mình cần thay đổi, điều chỉnh, định hướng phương pháp học tập như thế nào, để học sinh tiến bộ hơn so với chính bản thân mình ngày hôm qua.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên, yêu cầu quan trọng đối với giáo viên hiện nay đó là:
Phải hiểu biết về công nghệ, không có hiểu biết về công nghệ đồng nghĩa với việc giáo viên không thể thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, giáo viên bị hạn chế về phương pháp dạy học. Đồng thời, học sinh cũng bị hạn chế cơ hội học tập, phát triển, khó có thể tiếp cận với tri thức, hệ thống học tập số hóa.
Cập nhật kiến thức thường xuyên, một vấn đề bức thiết của thời đại công nghệ số chính là kiến thức nhanh chóng bị lạc hậu. Yêu cầu đặt ra cho giáo viên là phải nhanh chóng bắt kịp những thay đổi, cập nhật kiến thức mới thường xuyên. Giáo viên không nên dạy học lệ thuộc hoàn toàn vào sách giáo khoa mà cần linh hoạt, chủ động trong việc tổ chức dạy học.
Phải có phương pháp sư phạm, phương pháp sư phạm nắm giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với người thầy trong thời đại này. Giáo viên cần phải học phương pháp một cách bài bản, cần có những trải nghiệm để vận dụng phương pháp một cách thông minh nhất và hiệu quả nhất. Với mỗi đối tượng học sinh, người thầy sẽ áp dụng những phương pháp khác nhau, giáo viên phải có sự nhạy bén, tinh tế, sáng tạo để làm cho quá trình học tập không còn là quá trình 1 chiều chuyển giao kiến thức, mà là quá trình tạo ra các tổ chức hoạt động để cho người học chủ động tìm kiếm tri thức.
Trong giai đoạn hiện nay, giáo viên là những người hướng dẫn, cố vấn và huấn luyện học sinh đào sâu các ý tưởng, giúp các em học và hiện thực hóa các ý tưởng ấy. Trên thực tế, để không bị công nghệ thay thế thì giáo viên cần làm được những điều mà công nghệ chưa làm được. Công việc của nhà giáo đặc biệt vì người thầy lao động bằng trái tim, lao động để nuôi dưỡng trái tim. Khi người thầy sử dụng trái tim để giáo dục học sinh thì họ sẽ tạo ra những đứa trẻ biết thương yêu, biết quan tâm, hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống. Đó chính là một trong những nhiệm vụ cao quý mà robot không bao giờ thay thế được vị trí của người thầy trong thời đại 4.0.
- Chủ tịch DTS Trương Gia Bảo: Doanh nghiệp phải thích ứng khi chuyển đổi số
- Chủ tịch FPT: “Mọi doanh nghiệp đều có thể bước lên con thuyền chuyển đổi số”
- Thủ tướng: 'Việt Nam đạt tám kết quả tích cực về chuyển đổi số'