Thứ ba, 06/02/2024, 14:17 (GMT+7)

5 khó khăn chồng chất cản bước tiến của Apple tại Trung Quốc

Với Apple, Trung Quốc không chỉ là một cứ điểm sản xuất quan trọng mà còn là một trong những thị trường tiêu dùng hàng đầu.

Apple đang gặp nhiều khó khăn ở Trung Quốc, một trong những thị trường quan trọng nhất của mình. Doanh số của Apple tại Trung Quốc trong quý IV năm ngoái giảm gần 12% xuống còn 20,8 tỷ USD.

22GOL3I7EBKPTODQGXFZKM5RSA
(Ảnh: Reuters).

Dưới đây là 5 trong số những khó khăn lớn nhất mà Apple đang phải đối mặt tại thị trường này, theo CNBC.

Huawei trở lại

Năm ngoái, Huawei ra mắt một chiếc điện thoại có tên Mate 60 và hỗ trợ kết nối 5G.

Đây là một động thái gây bất ngờ với giới công nghệ. Lý do là vì vào năm 2019 và 2020, chính phủ Mỹ đã áp đặt nhiều lệnh cấm vận lên Huawei khiến hãng này không còn có thể tiếp cận với công nghệ và chip để triển khai 5G.

Huawei, từng là hãng smartphone lớn nhất thế giới, là kẻ ngáng đường Apple duy nhất ở Trung Quốc tại phân khúc điện thoại cao cấp. Khi điện thoại Huawei mất tính cạnh tranh khi không có các con chip tiên tiến và 5G, người dùng đổ xô sang dùng iPhone.

Hiện tại với Mate 60, Huawei đang cho thấy những dấu hiệu đầu tiên của sự hồi sinh.

“Sự trở lại của Huawei ở phân khúc cao cấp đang thu hút trở lại những người hâm mộ Huawei từng phải chuyển sang dùng Apple vì Huawei không thể ra mắt điện thoại 5G suốt 3 năm qua”, Neil Shah, đối tác tại Counterpoint Research, nói với CNBC.

Hồi quý IV/2023, Huawei trở lại danh sách top 5 nhà sản xuất smartphone hàng đầu Trung Quốc.

Cạnh tranh ở phân khúc cao cấp

Thực tế, Huawei cũng không phải cái tên duy nhất thách thức Apple. Nhiều thương hiệu nội địa từ Xiaomi tới OPPO đều đang đẩy mạnh hoạt động ở phân khúc cao cấp nhưng ở tầm giá thấp hơn.

“Những thiết bịcủ cao cấp này không chỉ cạnh tranh về giá mà còn có nhiều tính năng tương tự smartphone cao cấp”, ông Shah nói. “Thực tế này tạo áp lực cho các dòng iPhone cũ hoặc các dòng iPhone tiêu chuẩn Apple”.

Sự thận trọng của người tiêu dùng

Năm ngoái, nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt với nhiều thách thức, từ sự sụp đổ trong lĩnh vực bất động sản đến cầu tiêu dùng yếu đi. Những thách thức này có thể tiếp tục kéo dài đến năm 2024 và ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng.

Trong bối cảnh này, những chiếc điện thoại cao cấp với giá thấp hơn sẽ hấp dẫn người dùng.

Josh Koren, người sáng lập tại Musketeer Capital Partners, nói với CNBC rằng người tiêu dùng Trung Quốc đang giữ tâm lý “tôi không cần trả tiền cho chiếc điện thoại này khi tôi có thể mua một phiên bản rẻ hơn của nó”.

Apple không còn hấp dẫn?

Từ lâu, Apple được coi là thương hiệu xa xỉ tại Trung Quốc với sức hấp dẫn cao đối với người dùng trẻ. Điều này có thể đang thay đổi.

Koren nhận định: “Tôi nghĩ rằng thương hiệu Apple không còn ánh hào quang nữa - nó không còn duy trì được danh tiếng đối với người dùng Gen Z”.

Trong khi nhiều đối thủ từ Samsung đến Honor đã tung ra smartphone màn hình gập thì Apple vẫn chưa ra mắt được một thiết bị như vậy. Điều tương tự cũng xảy ra đối với xu hướng AI. Thực tế, Apple thường không phải công ty đi đầu xu hướng. Họ thường đứng ngoài và quan sát để xem công nghệ này có thực sự được đón nhận không trước khi nhập cuộc.

Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi về sự đổi mới của Apple trong lĩnh vực điện thoại thông minh. Koren cho rằng đây có thể là một lý do khiến thương hiệu Apple gặp khó khăn.

Địa chính trị

Tương tự nhiều công ty công nghệ nước ngoài đang hoạt động ở Trung Quốc, vấn đề địa chính trị luôn gây đau đầu.

Năm ngoái, Bloomberg đưa tin Trung Quốc đã mở rộng lệnh cấm nhân viên tại các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp quốc doanh mang iPhone và các thiết bị nước ngoài đến nơi làm việc.

Từ khóa:
Cùng chuyên mục