Thứ hai, 06/05/2024, 11:27 (GMT+7)

2030, Tây Ninh trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển dựa vào công nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao

PHA LÊ (Tiếp thị & Gia đình)

Đó là thông tin Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chiều 5/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tham dự còn có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ.

DSCF2610
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

Về phía tỉnh Tây Ninh có ông Nguyễn Thành Tâm - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thị Minh, Lê Thị Bân; các Phó Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Hùng Thái, Nguyễn Thanh Ngọc, Nguyễn Mạnh Hùng, các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, địa phương của tỉnh.

Dự hội nghị còn có các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh các thời kỳ, đại diện các tổ chức quốc tế, lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, các doanh nghiệp, nhà đầu tư liên quan và phóng viên các cơ quan Thông tấn, báo chí của Trung ương và tỉnh.

IMG_8714
Tây Ninh sẽ phát triển đúng tầm nhìn, tư duy mới, tạo động lực mới, truyền cảm hứng mới

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Tây Ninh.  

Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được ban hành kèm theo Quyết định số 1736/QĐ-TTg, ngày 29.12.2023 của Thủ tướng Chính phủ. Quy hoạch tỉnh Tây Ninh được lập, phê duyệt phù hợp với Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng như Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, thể hiện tư duy mới, tạo động lực và giá trị mới cho địa phương.

Quy hoạch tỉnh là căn cứ khoa học và công cụ pháp lý quan trọng để chính quyền tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất quản lý và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển. Đây cũng là cơ sở để xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công trung hạn trên địa bàn tỉnh đảm bảo tính khách quan, khoa học; tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

img4538-171490138303677722005
Thủ tướng trao quyết định Quy hoạch cho lãnh đạo tỉnh Tây Ninh

Quy hoạch tỉnh Tây Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030, Tây Ninh phấn đấu trở thành địa phương phát triển năng động, văn minh, có môi trường sống tốt, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, trở thành địa phương đáng đến và đáng sống. Tầm nhìn đến năm 2050, Tây Ninh trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển dựa vào công nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao; thương mại, du lịch phát triển và là cửa ngõ thương mại quốc tế của vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Là tỉnh có hệ thống quản trị công hiệu quả, môi trường kinh doanh thân thiện, môi trường sống hấp dẫn dựa trên một hệ sinh thái bền vững và đa dạng.

Để thực hiện được mục tiêu đề ra trong Quy hoạch, tỉnh xác định 7 đột phá phát triển của tỉnh gồm: phát triển hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực; thể chế; phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; phát triển bền vững: Tây Ninh xanh; phát triển du lịch; phát triển kinh tế dịch vụ. Quy hoạch tỉnh cũng xác định phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo “3 vùng phát triển, 4 trục động lực, 1 vành đai an sinh xã hội”.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản thống nhất với nội dung hội nghị; bày tỏ sự ấn tượng với khát vọng, ý chí, quyết tâm của Đảng bộ chính quyền, quân và dân tỉnh Tây Ninh trong các thời kỳ và trong xây dựng, triển khai Quy hoạch; phân tích và nhấn mạnh thêm một số nội dung trọng tâm.

IMG_8712

Đánh giá tổng thể về công tác quy hoạch, Thủ tướng khẳng định, quy hoạch dựa vào tư duy mới, cách làm mới để tạo ra giá trị mới. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII tới nay, công tác quy hoạch được tiến hành đồng bộ, tổng thể, bao trùm, toàn diện, đã hoàn thành quy hoạch tổng thể quốc gia, 6 quy hoạch vùng; việc quy hoạch tỉnh, thành phố trong vùng được đẩy nhanh tiến độ (đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt 110/111 quy hoạch).

Thủ tướng nhấn mạnh 5 điểm về vị trí, vai trò của công tác quy hoạch. Theo đó, quy hoạch có vai trò dẫn dắt, định hướng, giúp phát triển đúng hướng nhanh, bền vững, toàn diện; giúp khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, trong đó có mặt đất, mặt nước, không gian ngầm; quy hoạch phải có tư duy đổi mới, đột phá, tầm nhìn chiến lược, tổng thể, bao trùm, toàn diện; quy hoạch phải đi trước một bước, phải đảm bảo tính lớp lang, hệ thống, khoa học, từng bước thực hiện có hiệu quả; có nhà tư vấn tốt mới có quy hoạch tốt, có quy hoạch tốt mới có dự án tốt, có dự án tốt mới thực hiện đầu tư tốt, mang lại hiệu quả cao.

Thủ tướng lưu ý cần bám sát 3 nội dung quan trọng trong công tác quy hoạch: Bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bám sát tình hình thực tiễn của địa phương, khu vực, cả nước và thế giới, nhất là tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; bám sát nhu cầu, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp.

LINH VUC KINH TE

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tỉnh quan tâm đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số, nhất là nhân lực gắn với các ngành, lĩnh vực mà tỉnh đang định hướng phát triển. Đổi mới các hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ; đưa ứng dụng khoa học, công nghệ vào thực tiễn sản xuất, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.

Đặc biệt, với lợi thế lân cận với TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh có nhiều cơ hội được tiếp cận với những thành tựu khoa học công nghệ đi đầu, tập trung phát triển mạnh khoa học, công nghệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng kinh tế số, xã hội số.

Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ của công tác quy hoạch: (1) Tìm ra và thúc đẩy phát triển tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh (khai thác hiệu quả, thu hút nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững); (2) phát hiện, chỉ rõ những mâu thuẫn, tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức… để đưa ra giải pháp hóa giải, khắc phục; (3) xây dựng danh mục các dự án, chương trình để thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; (4) huy động mọi nguồn lực hợp pháp để thực hiện (Nhà nước, xã hội, hợp tác công tư…); (5) tổ chức thực hiện khoa học, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; thường xuyên theo dõi, giám sát; không cầu toàn, không nóng vội, làm việc gì dứt việc đó.

Cùng chuyên mục