Tiếp Thị Gia Đình

Thứ ba, 11/06/2024, 08:34 (GMT+7)

Nguyên nhân khiến 16 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị thu hồi giấy phép

Loạt doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vừa bị Bộ Công Thương thu hồi giấy phép do không đáp ứng đủ điều kiện về hệ thống phân phối hoặc không đáp ứng được điều kiện về kho chứa xăng dầu.

Tạp chí Luật sư Việt Nam đưa tin, từ đầu năm đến nay, Bộ Công Thương đã thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu của 16 doanh nghiệp tại Hà Nội, TPHCM, Nam Định, Hải Phòng và Quảng Nam.

Nguyên nhân chủ yếu khiến các doanh nghiệp này trả lại giấy chứng nhận, bao gồm doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện về hệ thống phân phối, cụ thể là đáp ứng về số cửa hàng sở hữu hoặc đi thuê, hoặc không đáp ứng được điều kiện về kho chứa xăng dầu. 

Năm ngoái, có những thời điểm số thương nhân phân phối xăng dầu trên cả nước lên đến hơn 330 thương nhân, nhưng đến nay chỉ còn chưa đến 300 thương nhân.

bán xăng
Bộ Công Thương khẳng định, việc các doanh nghiệp trả lại giấy phép không ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh xăng dầu. (Ảnh minh họa).

Bộ Công Thương cũng đã đề nghị các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu báo cáo về việc duy trì điều kiện làm thương nhân theo quy định. Các doanh nghiệp này sau khi chủ động rà soát, nhận thấy mình không đủ điều kiện nên đã chủ động trả lại giấy chứng nhận để Bộ thực hiện thu hồi. Con số các doanh nghiệp phân phối xăng dầu buộc phải rời khỏi thị trường năm nay có phần cao hơn mọi năm.

Đại diện Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, hệ thống kinh doanh xăng dầu ở nước ta được chia ra làm 3 tầng nấc chính: Đầu tiên là các doanh nghiệp đầu mối, thu mua xăng dầu từ các nhà sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài về, tiếp theo là các doanh nghiệp phân phối xăng dầu và cuối cùng là các đại lý, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho người dân. Các doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường vừa qua là ở khối phân phối.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đang tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu trình Chính phủ ngay trong tháng 6.

Nghị định số 80/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 20 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP quy định: Sở Công thương có thẩm quyền thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu. Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu bị thu hồi trong các trường hợp:

- Thương nhân không tiếp tục làm đại lý bán lẻ xăng dầu và có văn bản gửi Sở Công thương đề nghị thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu đã được cấp cho thương nhân.

- Thương nhân ngừng thực hiện toàn bộ hoạt động kinh doanh xăng dầu trong thời gian từ ba mươi (30) ngày trở lên.

- Thương nhân bị giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật.

- Thương nhân vi phạm quy định về điều kiện đối với đại lý bán lẻ xăng dầu và không khắc phục vi phạm trong thời gian chín mươi (90) ngày kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

- Thương nhân đang bị xử lý vi phạm mà tái phạm quy định về bảo đảm số lượng, chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường và các quy định của pháp luật về chất lượng.

Bên cạnh đó, Nghị định số 80/2023/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 25 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP. Cụ thể, Sở Công thương có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu. Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu bị thu hồi trong các trường hợp:

- Thương nhân không tiếp tục hoạt động kinh doanh xăng dầu và có văn bản gửi Sở Công thương đề nghị thu hồi Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu đã được cấp cho thương nhân.

- Thương nhân bị giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật.

- Thương nhân vi phạm quy định về điều kiện đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu và không khắc phục vi phạm trong thời gian chín mươi (90) ngày kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

- Thương nhân đang bị xử lý vi phạm mà tái phạm quy định về bảo đảm số lượng, chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường và quy định pháp luật về chất lượng.

Cùng chuyên mục