14 hiệp hội cùng kiến nghị về dự thảo quyết định chi phí tái chế
Các hiệp hội doanh nghiệp cũng đề xuất để triển khai đóng góp tài chính cho trách nhiệm tái chế trong EPR được hiệu quả, giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp trong tình hình hiện nay.
Vừa qua, 14 hiệp hội doanh nghiệp đã cùng ký và phát hành văn ban góp ý với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính phục vụ quản lý, giám sát, hỗ trợ thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu.
14 hiệp hội doanh nghiệp gồm: 14 Hiệp hội doanh nghiệp, gồm: Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch, Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam, Hiệp hội Sữa Việt Nam, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước Giải khát Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội các Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Chè Việt Nam, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam, Hiệp hội các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hội Doanh nghiệp sản xuất và Kinh doanh Thuốc Bảo vệ Thực vật Việt Nam đã gửi văn bản tới Bộ Tài nguyên Môi trường, Các thành viên Hội đồng EPR Quốc gia, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)… Các hiệp hội doanh nghiệp đại diện cho nhiều ngành kinh tế chủ chốt của Việt Nam, luôn cam kết ủng hộ Bộ Tài nguyên và Môi trường trong các nỗ lực bảo vệ môi trường, cũng như đẩy mạnh việc tái chế sản phẩm, bao bì để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Tuy nhiên, 14 hiệp hội xin có một số góp ý đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó là một số đề xuất để triển khai đóng góp tài chính cho trách nhiệm tái chế trong EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) được hiệu quả, giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp trong tình hình hiện nay.
Do dự thảo định mức phí tái chế (Fs) có nhiều định mức cao bất hợp lý do chưa trừ đi giá trị sản phẩm thu hồi được theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, dữ liệu có nhiều bất cập. Vì thế, các hiệp hội đề xuất kiểm tra lại tính hợp lý của các số liệu trong các nghiên cứu, áp dụng hệ số 0 cho các vật liệu có giá trị vật liệu thu hồi được cao hơn chi phí tái chế (như mô hình Na Uy và Đan Mạch), bao gồm bao bì giấy, bao bì nhựa cứng, bao bì kim loại, thiết bị điện - điện tử và phương tiện giao thông. Các vật liệu khác được tính theo công thức: Fs = Chi phí tái chế x 110% - giá trị sản phẩm tái chế thu hồi được. Với bao bì giấy hỗn hợp, bao bì đơn vật liệu mềm và đa vật liệu mềm kiến nghị sử dụng Fs là mức trung bình đề xuất của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam).
Bên cạnh đó, các hiệp hội đưa ra 4 kiến nghị việc triển khai thực hiện EPR cần hướng tới hiệu quả và giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.
Kiến nghị trong 2 năm đầu tiên (2024-2025) tập trung vào hướng dẫn thi hành, chưa áp dụng xử phạt, chỉ truy thu khoản nộp thiếu nếu doanh nghiệp kê khai chưa đủ hoặc chưa đúng, trừ trường hợp cố tình không kê khai hoặc cố tình gian lận.
Kiến nghị cho phép các doanh nghiệp thực hiện kết hợp cả hình thức tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế trong cùng năm, thay vì bắt buộc chọn một trong 2 hình thức.
Kiến nghị thay đổi cách nộp từ tạm ứng trước vào đầu năm sang quyết toán theo số lượng thực tế khi kết thúc năm, để vẫn thực hiện đầy đủ trách nhiệm với môi trường mà giảm được khó khăn cho doanh nghiệp.
Kiến nghị cần có chính sách ưu đãi cho bao bì thân thiện với môi trường hoặc sử dụng vật liệu tái chế. Đề nghị quy định rõ trách nhiệm tái chế đối với nhà sản xuất phụ tùng..
Các hiệp hội doanh nghiệp rất mong những ý kiến đóng góp ở trên sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường, các thành viên Hội đồng EPR Quốc gia và VCCI nghiên cứu, tiếp thu để hoàn chỉnh dự thảo trình Chính phủ, đồng thời báo cáo, đề xuất với Chính phủ những giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.