10 kinh nghiệm làm nhà cuối năm mà gia chủ cần biết
(Tiepthigiadinh) - Cuối năm là dịp các công trình đang chạy đua hoàn thiện nên công nhân thi công thường xuyên bận bịu và rất dễ phân tán. Vì thế, gia chủ cần lưu ý một số vấn đề để có thể hoàn thiện ngôi nhà của mình đúng ý.
Cuối năm, các công trình dù làm nhà mới hay sửa sang cùng chạy đua hoàn thiện, cần đầu tư mạnh về tài chính, công sức và thời gian nhưng đội thi công rất dễ phân tán. Để về đích đúng hẹn trước Tết, gia chủ cần phải nắm bắt, tổ chức công việc hợp lý, khoa học và có sự chuẩn bị chu đáo.
Một số vấn đề quan trọng các gia chủ cần lưu ý cho giai đoạn cuối năm gồm:
1. Gia chủ cần lập kế hoạch cụ thể cùng người quản lý giám sát thi công và các đội thợ cho các hạng mục. Cần lưu ý thời gian chốt hoàn thiện muộn nhất là rằm tháng chạp âm lịch, hoặc muộn nhất là đến 23 tháng chạp bởi tới những mốc thời gian này các đội thợ thường nghỉ về quê. Trong những ngày tháng chạp cuối cùng, chỉ nên sửa chữa, hiệu chỉnh những chỗ chưa hoàn thiện, không nên làm mới.
2. Chủ động nắm bắt, trao đổi với những nhân sự liên quan tới công trình (kiến trúc sư, văn phòng tư vấn thiết kế, quản lý thi công, giám sát kỹ thuật công trường và các đội thợ thi công) để biết kế hoạch - tiến độ công việc, chủ động trong điều phối công việc và hạng mục khác nhau.
3. Chuẩn bị trước tất cả những gì có thể, mua sắm càng sớm càng tốt vì càng gần Tết càng đắt. Với những thứ chưa thể lấy về ngay hay khó cất giữ cần chọn lựa, ký hợp đồng đặt hàng sớm. Khi thi công tới phần đó sẽ chuyển hàng về trực tiếp tại công trường. Cũng tránh để vật liệu, thiết bị lâu ở công trường mà chưa thi công lắp đặt, dễ mất mát, hỏng hóc.
4. Gia chủ nhất thiết cần tham khảo ý kiến của kiến trúc sư khi có những sự thay đổi liên quan đến thiết kế và khi lựa chọn mua thiết bị, vật liệu hoàn thiện.
5. Trước khi làm hạng mục mới, phải kiểm tra hạng mục đã hoàn thành có liên quan, tránh việc phải đục phá sửa chữa. Ví dụ trước khi ốp lát phòng vệ sinh, phải kiểm tra kỹ đảm bảo các đường ống cấp thoát không bị hở, rò rỉ, cũng như hệ thống điện đã thông mạch, sàn vệ sinh không bị thấm...
6. Luôn có phương án dự phòng về kế hoạch nhân sự. Trong trường hợp vì lý do nào đó, đơn vị thi công hoặc nhà cung cấp dịch vụ không đáp ứng được, sẽ có sự thay thế kịp thời.
7. Không phải vì thời gian gấp gáp mà đồng ý cho thợ làm cùng lúc những hạng mục ảnh hưởng tiêu cực lẫn nhau. Ví dụ như hạng mục sàn gỗ phải làm sau cùng, để tránh việc thi công các hạng mục khác dẫm lên, gây hỏng sàn.
8. Quản lý công trường, vệ sinh công trường khoa học, sạch sẽ, ngăn nắp. Cần bảo vệ, che chắn tất cả những hạng mục đã xong để tránh nứt vỡ, xây xát, hỏng hóc (như che phủ sàn lát, dán bọc các thiết bị vệ sinh, thiết bị điện, ngắt nguồn điện ở các thiết bị đặc biệt, các thiết bị có công suất lớn như điều hoà, bình nước nóng... để tránh chập cháy hỏng thiết bị).
9. Quản lý, giám sát chặt chẽ vấn đề an toàn lao động ở các hạng mục với tất cả các đội thợ. Vì nếu có sự cố tai nạn lao động xảy ra sẽ ảnh hưởng tới tiến độ, tốn kém tiền bạc. Trong trường hợp có tai nạn nghiêm trọng chủ nhà có thể vướng phải rắc rối pháp lý.
10. Mọi vấn đề phát sinh ở công trường cần bình tĩnh và khéo léo giải quyết theo hướng có lợi nhất cho mục tiêu chung, bất kể nguyên nhân thế nào hay tại ai.
Làm tốt được những vấn đề trên, chắc rằng bạn sẽ về đích được đúng hẹn và sẽ đón một cái Tết đầy niềm vui trong ngôi nhà mới.
- Cành Salix uốn lượn lạ mắt trở thành xu hướng trang trí nhà dịp cuối năm
- Nới rộng nhà ở nhờ các loại gương