Xếp hàng mua xăng như thời bao cấp: Tới bao giờ mới bình ổn?
Nhiều người dân Hà Nội đã phải chờ đợi mòn mỏi mua xăng, ức chế cảnh đại lý bán nhỏ giọt chỉ cho mua tối đa 30.000 đến 50.000 đồng/xe. Ngán ngẩm, nhiều người mường tưởng kiểu mua hàng hoá bằng tem phiếu, thời bao cấp trước đây.
Hô đổ đầy bình… nhưng chỉ được mua 50.000đ
Theo phản ánh của chị Lê Thuý (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), 18 giờ khi tan sở, xe trong trạng thái hết xăng chỉ còn 1 vạch đỏ, chị bắt buộc phải đổ xăng cho ngày làm việc thứ 2. Tuy nhiên, đi qua 2 cây xăng tại trung tâm quận Cầu Giấy quá đông, chị di chuyển về đường Phạm Văn Đồng, cây xăng của Petrolimex cho thuận tiện đổ xăng.
Nhưng chuyện dở khóc dở cười xảy đến, cây xăng giờ tan tầm quá đông, phải chờ 35 phút chị mới đến lượt đổ xăng. Bức xúc vì phải đứng lâu, chị hô: Cho em đầy bình… nhưng nhân viên cây xăng nhỏ nhẹ nói: "chỉ được 50.000 đồng thôi em ạ, mai lại đầy bình tiếp".
Bức xúc, khó chịu vì phải chờ lâu mà chỉ được mua giới hạn là trạng thái tâm lý của nhiều người dân Hà Nội hiện nay. Những người mà 1 tháng trước đây vốn ngán ngẩm chứng kiến cảnh hàng trăm người dân ở TPHCM và phía Nam phải xếp hàng đổ xăng, nay cũng đến lượt mình phải đối diện với những tình huống vạn bất đắc dĩ kể trên.
Cũng trong tâm trạng như chị Thuý, chị Phạm Thuỷ Tiên (Hà Đông), tranh thủ giờ nghỉ trưa để đi đổ xăng những tưởng sẽ dễ dàng, nhưng không may.. là chị nhận ngay quả đắng.
Chia sẻ với PV Dân Việt, chi Tiên cho rằng: "Tưởng một mình mình không, ai dè nhiều người nhanh chân hơn mình. Tôi đi khỏi cơ quan lúc 12 giờ 30 phút, định đổ xăng xong, tầm 13 giờ hơn sẽ về cơ quan để nghỉ ngơi, rồi làm việc buổi chiều. Nhưng đi qua 3 cây xăng tại Nam Từ Liêm, cây thì hết xăng, cây còn một kiot đổ xăng nhưng dòng người đứng đợi hàng dài, không kỳ vọng. Kết quả đành xách xe không về lại cơ quan, đợi chiều vật vã chờ đồ xăng gần nhà".
Từ lúc biết đi xe máy đến giờ, chưa bao giờ tôi chứng kiến cảnh thị trường xăng dầu như hiện nay. Cảnh mua xăng dầu phải xếp hàng dài, mắng cãi chửi, thậm chí tranh cướp nhau đổ xăng không khác gì cảnh thời bao cấp, đi mua tem phiếu. Trong khi đó, Bộ Công Thương vẫn liên tục bảo đủ hàng nhưng tại sao người dân vẫn phải vật vã đổ xăng?
Ai phải chịu trách nhiệm?
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Giang Chân Tây, Chủ Công ty TNHH MTV Bội Ngọc, tại Trà Vinh chuyên kinh doanh xăng dầu cho rằng: Vấn đề hết xăng cục bộ từ tháng 10 diễn ra tại TP.HCM chúng tôi đã sớm cảnh báo sẽ xảy ra ở nhiều đô thị lớn, thậm chí cả nước và hiện nay nó đã xuất hiện ở Hà Nội.
Việc đổ vỡ, gẫy chuỗi cung ứng xăng dầu đã xảy ra ở khâu bán lẻ, cụ thể là chuỗi cung ứng từ tổng đại lý, thương nhân phân phối đến đại lý bán lẻ. Trong khi đó Bộ Công Thương vẫn chỉ nhắc đến nguồn cung đảm bảo ở đầu mối, thương nhân, họ không biết là xăng dầu đến với tay người dân, đại lý bán lẻ mới là người bán hàng cuối cùng.
Theo ông Tây, vấn đề quản lý Nhà nước hiện nay Bộ Công Thương là người hiểu rõ nhất ở đâu, như thế nào. Tại sao đại lý bán lẻ không có xăng để bán? Do đại lý hay do doanh nghiệp phân phối?
"Việc kiểm tra, xử phạt doanh nghiệp có xăng không bán chỉ giải quyết tình thế, không phải là vấn đề gốc. Vấn đề gốc là giá bán từ đầu mối, thương nhân xuống đại lý chiết khấu thấp, đại lý bán hàng không có lãi, thậm chí lỗ do chi phí nhân công, nhà xưởng. Bắt họ bán như vậy mãi sao được. Nguyên tắc kế toán của doanh nghiệp là bảo toàn vốn, họ không thể bán xăng không lợi nhuận mãi được", ông Tây cho hay.
Một đại lý xăng dầu bán lẻ tại Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội cho biết: Cực chẳng đã họ phải bán xăng nhỏ giọt bởi thứ nhất là khó mua xăng dầu vì doanh nghiệp đầu mối không muốn bán, bởi bán ra nhiều lỗ càng nhiều. Thứ hai là, đại lý đang chịu chiết khấu thấp, có thời điểm không có chiết khấu vẫn phải mua xăng để phục vụ nhân dân.
"Làm thi thoảng 5 ngày, 3 ngày thì được, làm nhiều không thể, ăn hết vào vốn doanh nghiệp", đại lý bán lẻ xăng dầu cho biết.
Từ góc độ nhà bán lẻ xăng dầu, vị này đề xuất: Phân giao bán lẻ xăng dầu phụ thuộc vào thương nhân, đầu mối nhưng thực tế vẫn thiếu hụt, cần cơ quan chức năng hỗ trợ doanh nghiệp. Thứ hai về nguồn cung và chiết khấu, để hài hoà lợi nhuận của đầu mối, thương nhân phân phối và cả đại lý, khẩn thiết đề nghị cơ quan chắc năng can thiệp vào cơ chế giá, chiết khấu để đảm bảo lợi ích cho đại lý.
Về quản lý, PGS, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng: Quản lý xăng dầu hiện đang ở hai Bộ Tài chính (về giá) còn Bộ Công Thương quản lý chuỗi cung ứng, cấp phép đại lý, nên nhóm tất cả về quản lý của Bộ Công Thương để thuận tiện quản lý, truy trách nhiệm.
Theo PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính: "Vấn đề chính hiện nay là chuỗi cung ứng xăng dầu thiếu hụt, vậy trách nhiệm này phải là của Bộ Công Thương!
Đồng tình với ý kiến này, theo một số chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ướng (CIEM) và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), với 80% lượng cung xăng dầu là từ nguồn trong nước với hai nhà máy lọc dầu trong nước là Nghi Sơn và Dung Quất, các chi phí nhập khẩu doanh nghiệp không phải gánh chịu, chỉ còn chi phí định mức kinh doanh và chi phí lưu thông tác động đến giá cơ sở. Chính vì vậy, cơ quan chức năng cần phải xác định giá cơ sở trên nguyên tắc tôn trọng giá bình quân gia quyền của xăng dầu, trong đó có giá nhập hàng, giá vận chuyển, lưu kho, lưu bãi…. Giải quyết vấn đề về cơ chế giá, sẽ giải quyết được đâu là điểm nghẽn của cơ chế xăng dầu hiện nay.
Xem thêm: Tin tức kinh doanh mới nhất tại đây