Tiếp Thị Gia Đình

Thứ tư, 10/04/2024, 16:16 (GMT+7)

Giá vàng sẽ đi về đâu khi thị trường đảo chiều?

Trước tình hình giá vàng trong nước tăng những ngày qua, nhiều chuyên gia nhận định, nếu không giải quyết được bài toán về nguồn cung thì giá không thể tự động giảm. Giá thế giới càng tăng, giá trong nước càng lên theo.

Lượng người mua lớn bất chấp giá vàng tăng cao

Cách đây gần 2 tháng vào ngày vía Thần Tài (ngày 19/2 dương lịch tức mùng 10 tháng Giêng), giá bán vàng nhẫn trong nước quanh mốc 65 triệu đồng/lượng. Tính từ mốc giá này, đến nay, giá vàng nhẫn trong nước đã tăng tới hơn 10 triệu đồng/lượng, tương đương mức tăng hơn 14%. Bất chấp chênh lệch giá mua - bán mặt hàng này được các doanh nghiệp đưa ra ở mức gần 1,5 triệu đồng/lượng, đà tăng của giá vàng nhẫn vẫn giúp người mua lãi hơn 8 triệu đồng/lượng, tương đương lợi suất 12% sau chưa đầy 2 tháng.

Khi giá vàng nhẫn ngày 8/4 lên hơn 75 triệu đồng/lượng, trên các con phố vàng ở Hà Nội lại tái diễn cảnh người dân xếp hàng mua bán. Từ đầu năm nay, cảnh người dân mua bán liên tục xảy ra mỗi khi giá vàng biến động, tăng cao.

v
Nguồn: Ảnh Internet

Sự tăng giá mạnh mẽ của giá vàng nhẫn tròn trơn trong những ngày qua đã tạo nên cơn sốt tại các điểm giao dịch vàng. Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước tuyên bố sẽ không độc quyền vàng miếng SJC nên người dân chuyển dần sang mua bán vàng nhẫn.

Mới đây, các chuyên gia, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC. Việc này nhằm sắp xếp lại căn bản, trật tự, kỷ cương; mạng lưới kinh doanh mua, bán vàng miếng được kiện toàn theo hướng thu hẹp dần; hoạt động huy động, cho vay vốn bằng vàng chấm dứt.

Cần giải bài toán về nguồn cung

Trong nhiều thời điểm, giá vàng biến động phức tạp nhưng hoạt động của thị trường vẫn tương đối ổn định so với giai đoạn trước, không gây áp lực sang thị trường ngoại tệ như trước đây. Thói quen, nhận thức của người dân với vàng miếng có sự thay đổi, một phần nguồn lực vàng trong dân đã được chuyển hóa để phát triển kinh tế. Các chuyên gia đề xuất bỏ quy định Nhà nước độc quyền vàng miếng SJC, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.

Theo một chuyên gia về sản xuất kinh doanh vàng, trong chục năm qua, kể từ khi thực hiện Nghị định 24, doanh nghiệp không được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Do đó, thu mua vàng trên thị trường là nguồn duy nhất để doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ. Nhưng nay doanh nghiệp cũng lo ngại rủi ro pháp lý khi các vụ công an bắt vàng lậu ngày càng nhiều nên họ phải thận trọng hơn khi mua vàng nguyên liệu. Chi phí mua nguyên liệu vì thế cũng đắt hơn.

Theo ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, việc giá vàng thế giới lập kỷ lục mới 2.365 USD/ounce trong ngày 9/4 cũng khiến giá vàng trong nước tăng theo, nhất là vàng nhẫn.

Tuy không phải là hàng độc quyền, trên thị trường có nhiều thương hiệu khác nhau nhưng giá vàng nhẫn ngày càng tăng, ông Khánh lý giải nguyên nhân chính là do nguồn nguyên liệu sản xuất vàng nhẫn hạn chế.

Cùng với đó, khi giá càng lên cao, vàng nhẫn càng khan hiếm lại càng kích thích người tiêu dùng đi mua tích lũy, đầu cơ.

Ông Khánh nhấn mạnh, giá vàng trong nước tăng dồn dập những ngày qua cho thấy, nếu chúng ta không giải quyết được bài toán về nguồn cung thì giá không thể tự động giảm. Giá thế giới càng tăng, giá trong nước càng lên theo.

Dù khó dự đoán, nhưng ông Khánh đánh giá, nếu chiến sự tại các khu vực thêm căng thẳng, giá vàng thế giới vẫn trong xu hướng tăng, ít nhất có thể lên đến 2.400-2.500 USD/ounce. Điều này sẽ tác động tới giá vàng trong nước.

Trong khi đó, chuyên gia vàng Trần Duy Phương phân tích, thị trường vàng trong nước 3 ngày qua giá tăng khá mạnh, lực mua chiếm áp đảo.

“Bên cạnh tình hình bất ổn của địa chính trị thế giới, nhiều chuyên gia thế giới nhận định giá vàng sẽ lên 2.700-2.800, thậm chí là 3.000 USD/ounce. Điều này khiến nhiều người có tâm lý hoang mang, sợ giá vàng còn tăng tiếp, trong khi lãi suất tiết kiệm thấp nên đổ xô mua vàng.

Khi lượng người mua tăng cao đột biến mà nguồn nguyên liệu không có càng đẩy giá lên. Tới nay, vẫn chưa có doanh nghiệp nào được phép nhập vàng nên nguồn cung càng khan hiếm”, ông Phương nói.

Cũng theo ông Phương, lực mua vàng nhẫn 9999 cao hơn vàng miếng SJC do giá vàng nhẫn sát giá thế giới hơn. Giá vàng nhẫn 9999 cao hơn vàng thế giới khoảng 4 triệu đồng/lượng, còn vàng SJC vẫn cao hơn 14-15 triệu đồng/lượng. 

Tuy nhiên, ông Phương lưu ý, giá vàng nhẫn 9999 cao hơn giá vàng thế giới trung bình 1-2 triệu đồng/lượng thì chấp nhận được, còn cao hơn 4-5 triệu đồng/lượng như hiện nay là bất thường.

“Giá vàng thế giới đang tăng rất mạnh và nhanh, chỉ trong khoảng một tuần tăng đến 150 USD/ounce và một tháng tăng gần 400 USD/ounce. Vì thế, giá vàng thế giới đang trong tình trạng bong bóng, khả năng giá sẽ 'sập' 100-200 USD/ounce là chuyện bình thường và có thể 'sập' bất cứ lúc nào", ông Phương cảnh báo và dự đoán, chậm nhất trong tuần này, giá vàng thế giới sẽ có sự điều chỉnh mạnh xuống 50-100 USD/ounce.

Giá vàng sau khi điều chỉnh sẽ đi ngang một thời gian, khoảng một vài tháng, sau đó mới có xu hướng tăng trở lại. "Hầu như 10 năm nay, tháng 5 là thời điểm giá vàng luôn luôn sập”, ông Phương nói.

Song ông cũng lưu ý, giá vàng giảm rồi lại tăng bởi xu hướng giá vàng dài hạn vẫn là tăng, có thể lên mức 2.500-2.600 USD/ounce. Thời điểm này, giá vàng thế giới cần điều chỉnh trước khi tăng tiếp.

Từ khóa:
Cùng chuyên mục