Ngân hàng nào có số dư tiền gửi tiết kiệm cao nhất 6 tháng đầu năm 2023?
Trong 6 tháng đầu năm, dòng tiền gửi vào ngân hàng tăng mạnh. Tổng tiền gửi tiết kiệm tại 29 ngân hàng tính đến hết quý II là hơn 9 triệu tỷ đồng.
Theo thống kê từ báo cáo tài chính của 29 ngân hàng, tính đến 30/6/2023, tổng lượng tiền gửi tiết kiệm tăng 8,1% so với cuối năm 2022, đạt hơn 9 triệu tỷ đồng. Trong đó, có 27 ngân hàng ghi nhận lượng tiền gửi tăng và chỉ 2 đơn vị có chỉ tiêu này sụt giảm so với đầu năm.
Nhóm 4 ngân hàng nhà nước tiếp tục dẫn dầu trong nhóm với số dư tiền gửi tiết kiệm khách hàng đều trên 1,1 triệu tỷ đồng, chiếm đến 65% tổng số tiền gửi tiết kiệm khách hàng của toàn hệ thống. “Quán quân” toàn ngành về lượng tiền gửi tiết kiệm là Agribank với xấp xỉ 1,7 triệu tỷ đồng, con số này tăng 3,8% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn tăng gần 6%, ngược lại, tiền gửi không kỳ hạn (CASA), tiền gửi vốn chuyên dụng, tiền gửi ký quỹ đều sụt giảm lần lượt 11%, 63% và 24%. Đây cũng là ngân hàng sở hữu chi nhánh, phòng giao dịch lớn nhất trên toàn quốc (gần 2.300 chi nhánh).
3 vị trí sau là BIDV, Vietcombank và VietinBank với tổng tiền gửi đến hết quý II lần lượt là 1,545 triệu tỷ đồng; 1,326 triệu tỷ đồng và 1,272 triệu tỷ đồng. Đáng chú ý, BIDV tăng khoảng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, BIDV là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất trong hệ thống, đạt hơn 2,12 triệu tỷ đồng tính đến quý II/2023.
Tiền gửi tiết kiệm của khách hàng tại 4 đơn vị Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank chiếm đến 65% tổng số tiền gửi khách hàng của toàn hệ thống, tương ứng đạt hơn 5,8 triệu tỷ đồng, tăng gần 250.000 tỷ đồng so với hồi cuối năm ngoái.
Tại nhóm ngân hàng tư nhân, Sacombank giữ vị trí đầu bảng trong nhóm ngân hàng tư nhân về tiền gửi tiết kiệm và cũng là ngân hàng xếp ở vị trí thứ 5 toàn ngành. Cụ thể, Sacombank hút gần 502 nghìn tỷ đồng tiền gửi, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng này được đánh giá có tốc độ tăng trưởng tiền gửi tiết kiệm khá nhanh với mức tăng trưởng hơn 110% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp theo, MB Bank "nối gót" với 475 nghìn tỷ đồng tiền gửi, tương đương tăng 16,3%, xếp vị trí thứ 6 trong top 10. Ngoài ra, một số ngân hàng khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng tiền gửi tiết kiệm cao đến hai chữ số bao gồm SHB (tăng 13%), VPBank (tăng 28%), Nam A Bank (tăng 16%), VietABank (tăng 20%), Kienlongbank (tăng 17%) và BaoVietBank (tăng 12%).
Trong khi đó, dù không nằm trong Top 10 nhưng xét về mức tăng trưởng thì ngân hàng hút tiền gửi nhất là HDBank, tăng tới 43,5% chỉ trong 6 tháng đầu năm – đây là mức tăng hiếm thấy trong cùng kỳ nhiều năm qua. Số dư tiền gửi khách hàng tại ngân hàng này đạt hơn 309 nghìn tỷ đồng, tăng 93.000 tỷ so với hồi đầu năm. Số tiền gửi tiết kiệm chảy vào HDBank hết quý II còn lớn hơn cả những ngân hàng Big 4 như Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank.
Song, có 2 ngân hàng vẫn ghi nhận số dư tiền gửi sụt giảm so với đầu năm là NCB (giảm 1,4%) và PG Bank (giảm 0,1%). Tuy nhiên, nhìn chung, tăng trưởng tiền gửi tiết kiệm nửa đầu năm nay khá tích cực, chủ yếu đến từ khu vực dân cư do lãi suất huy động vẫn ở mức hấp dẫn.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính chung 5 tháng đầu năm, tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng đã tăng thêm gần 400.000 tỷ đồng. Tính riêng tháng 5/2023, tiền gửi của nhóm khách hàng dân cư vào hệ thống ngân hàng đã tăng thêm 89.000 tỷ đồng, lên hơn 6,347 triệu tỷ đồng, tương ứng tăng 8,21% so với cuối năm 2022.
Sang đến tháng 6, tiền gửi tiết kiệm của dân cư đã có dấu hiệu tăng chậm lại sau khi lãi suất huy động liên tục giảm. Tính đến tháng 8, mức lãi suất gửi tiết kiệm của các Ngân hàng TMCP cho các kỳ dài hạn đang dao động từ 5 - 7,%/năm.